Thứ Năm, 12/05/2016 | 12:31

Đã có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng chỉ vì gãi ngứa đến trầy xước.

Nhập viện cấp cứu vì một vết ngứa

Vừa qua, bệnh viện Chợ Rẫy, Tp.HCM đã phải tổ chức 6 lần phẫu thuật ghép da cùng với rất nhiều bác sỹ chuyên khoa mới cứu sống được tính mạng cho một bệnh nhân bị nhiễm trùng vùng kín do gãi ngứa. Trường hợp bệnh nhân hy hữu này là ông Hoàng Ngọc Th. (54 tuổi, ngụ tại Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Do bị ngứa bẹn, ông Th. đã tự gãi và bôi dầu gió trong suốt một tuần, dẫn đến nhiễm trùng nặng cộng thêm tiền sử bệnhviêm gan B mạn tính, u gan phải, xơ gan, đái tháo đường tuýp 2 và chứng rối loạn đông máu nên tình trạng rất nguy hiểm, có nguy cơ tử vong. Sau 2,5 tháng điều trị với 6 lần mổ ghép da, kết hợp sử dụng kháng sinh mạnh và hợp lý nên hiện sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện.

Cách đây không lâu, bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một bệnh nhi cấp cứu với biểu hiện sốc nhiễm trùng huyết. Cậu bé bị viêm phổinhưng dùng kháng sinh mấy ngày vẫn không thấy đỡ. Mặc dù sử dụng kháng sinh mạnh thế hệ 3, nhưng cậu bé vẫn bị biến chứng phổi, tràn khí màng phổi. Nguyên nhân ban đầu chỉ là những vết xước nhỏ trên da do gãi ngứa rồi bị nhiễm trùng vi khuẩn tụ vào máu. Sau khi điều trị một tháng rưỡi và và được tập luyện phục hồi chức năng phổi, hiện giờ sức khỏe cậu bé đã được cải thiện.

Bệnh viện Xanh Pôn cũng đã từng cứu chữa cho một bệnh nhi bị hoại tử chân. Cậu bé bị ngã và có một vết thương nhỏ ở đầu gối. Cứ nghĩ là vết thương nhỏ nên gia đình không để ý. Một thời gian sau, thấy vết thương không những không lành mà còn chảy ra nước mủ vàng nên gia đình mới đưa cháu đi khám. Qua thăm khám, các bác sỹ thấy rằng đầu gối cháu đã bị hoại tử vào đến xương. Cũng may là các bác sỹ đã mổ kịp thời nên cứu được chân cho cháu bé.

Theo các bác sỹ, có rất nhiều nguyên nhân gây ra nhiễm trùng cho vết thương hở. Có thể do vật gây ra vết thương bẩn, hoặc do xử lý không đúng khi mới bị thương, cũng có thể do vết thương tiếp xúc với môi trường không sạch… Với những người có các bệnh mạn tính gây suy giảm miễn dịch như đái đường, ung thư, nhiễm HIV… thì nguy cơ bị nhiễm trùng vết thương càng cao.

Những dấu hiệu khi vết thương bị nhiễm trùng

– Vết thương đau, đỏ, sưng tấy.

– Vết thương xuất tiết dịch mủ vàng hoặc vết thương chảy máu.

– Vết thương lan rộng và sâu hơn.

– Sốt, nổi hạch, có thể ở bẹn hoặc ở nách.

– Vết thương có biểu hiện lâu lành.

Nguy hiểm của nhiễm trùng vết thương là có thể dẫn đến hoại tử tổ chức phần mềm, viêm xương. Khi bị hoại tử phần mềm thì bắt buộc phải cắt lọc bỏ tổ chức hoại tử và sẽ gây khó khăn trong việc chăm sóc để liền vết thương.

Nhiễm trùng không chỉ làm vết thương lâu lànhmà còn là nguyên nhân khiến những vết thương tưởng là nhỏ mà lại gây hậu quả nghiêm trọng,nguy hiểm đến tính mạng.

Những lưu ý đối với việc chăm sóc vết thương:

Hầu hết các vết thương hở nhỏ có thể được điều trị tại nhà bằng cách làm như sau:

– Vết thương hở thường dễ bị nhiễm bẩn do bụi đất, cát do vậy việc chăm sóc đầu tiên là làm sạch vết thương đồng thời phải rửa sạch tay bằng xà phòng để tránh làm cho vết thương bị lây nhiễm vi khuẩn, mầm bệnh.

– Trong tủ thuốc gia đình lúc nào cũng phải có sẵn bông, băng, gạc tiệt trùng, nước muối, thuốc sát trùng. Đây là những vật dụng y tế rất hữu dụng không thể thiếu.

– Ngoài ra phải giữ gìn vệ sinh da hàng ngày giúp mau lành vết thương và tránh biến chứng.

– Khi vết thương có các dấu hiệu bị viêm nhiễm nặng như đau, sưng tấy, nổi đỏ, chảy dịch vàng, sốt trên 38 độ C… cần phải đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và kê đơn điều trị.

– Trong trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng dẫn đến hoại tử thì bác sỹ sẽ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ các mô, tổ chức bị nhiễm khuẩn và hoại tử.

Kim Anh

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook