Thứ Bảy, 18/06/2016 | 13:39

Khi bị tai nạn đuối nước, vì những quan điểm sai lầm trong sơ cứu khiến nạn nhân nhẹ thì chết não, nặng thì tử vong.

Tai nạn đuối nước ở Việt Nam luôn là vấn đề nhức nhối, nhất là trong thời gian mùa hè số vụ và số người tử vong do đuối nước xảy ra ngày càng nhiều. Ngoài những vụ việc không phát hiện ra hoặc phát hiện ra khi nạn nhân đã tử vong, thì có không ít trường hợp vì sơ cứu không đúng cách dẫn đến nạn nhân bị đuối nước phải sống đời thực vật hoặc có thể là tử vong.

Trường hợp bệnh nhân N.Q.A. (12 tuổi, ở Thái Bình) là một trường hợp điển hình, bởi khi đưa đến bệnh viện nạn nhân này phổi và não đã bị phù nặng do đuối nước, may mắn là bệnh nhân chưa bị chết não.

Theo gia đình nạn nhân, trong một buổi trưa hè, Q.A. cũng đám bạn ở xóm chơi gần ao nước sâu, không may bị trượt chân xuống ao, khi đám bạn chạy về nhà gọi người lớn ra cấp cứu thì Q.A. đã “giã gạo”. Khi vớt lên bờ, thấy vẫn Q.A. vẫn thở nên người chú của Q.A. đã dốc ngược, vác lên vai và chạy xung quanh bờ để nước trong người ộc ra ngoài. Đồng thời với đó là gọi xe đưa cháu đi cấp cứu.

Ít ai biết được rằng, hành động vác ngược cháu Q.A. lên vai đã khiến nước chảy vào phổi và lên cả não, dẫn đến những biến chứng rất nặng và rất may, cháu được chuyển đến bệnh viện kịp thời nên vẫn còn cứu được tính mạng.

Sống đời thực vật vì sơ cứu sai cách khi bị đuối nước

Cấp cứu đuối nước sai cách rất nguy hiểm vì nó gây ra nhiều biến chứng.

Một trường hợp khác là bé trai N. H. D. ( 5 tuổi, Phủ Lý-Hà Nam) chẳng may trượt chân xuống bể bơi ở gần nhà. Bé chỉ được người lớn phát hiện và vớt lên bờ khi đã bị đuối nước 10 phút. Dù ngay lập tức được chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương điều trị tích cực, nhưng với tình trạng thiếu oxy dẫn đến phù não cấp, bệnh nhi đã tử vong.

Trao đổi với phóng viên về việc sơ cứu đối với người bị ngạt nước, BS Vũ Thị Thu Thủy – Trưởng khoa Khám bệnh và Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện Thể thao Việt Nam) cho biết, việc người chú vác cháu trên vai để sốc nước ra ngoài như trường hợp trên mới chỉ là bước 1 của cấp cứu và nếu duy trì động tác này lâu sẽ làm mất “thời gian vàng” của những bước tiếp theo.

Theo BS Thủy, cấp cứu đuối nước cũng giống như nguyên tắc cấp cứu thông thường (nguyên tắc A,B,C). A là khai thông đường thở, B là hỗ trợ hô hấp và hà hơi thổi ngạt, C là hỗ trợ tuần hoàn – ép tim.

“Như vậy, động tác vác người đuối nước chạy dốc ngược xung quanh hồ mới chỉ là bước A (khai thông đường thở). Đặc biệt, nếu vác nạn nhân chạy quá lâu dễ khiến nước tràn vào phổi gầy phù phổi hoặc nước lên não gây phù não, nặng hợn nữa là chết não và từ vong. Không chỉ có vậy, nếu vác nạn nhân quá lâu sẽ bỏ lỡ thời cơ ép tim và thôi ngạt, đây là 2 bước chính trong cấp cứu người bị đuối nước”, BS Thủy cho hay.

Cuối cùng BS Thủy khuyến cáo: “Kể cả khi đã thực hiện đủ các bước đó là khai thông đường thở, hỗ trợ hô hấp-thổi ngạt, hỗ trợ tuần hoàn-ép tim và nạn nhân đã tỉnh táo sau khi được sơ cứu thì vẫn phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Thực tế, có không ít trường hợp sau khi bị đuối nước được sơ cứu tại chỗ tỉnh táo, nhưng vài tiếng sau, thậm chí là 2-3 ngày sau có thể bị tử vong vì các tai biến phát sinh. Ví dụ như tai biến do nước vào phổi, nước lên não, nước vào dạ dày…Vì thế tôi khuyến cáo, khi đã bị ngạt nước, đuối nước thì nhất định phải đi đến bệnh viện kiểm tra lại”.

Theo Khám phá

Nguồn: TTOnline

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook