Bác sĩ phẫu thuật sẽ là người vào sau cùng khi mọi công đoạn trong phòng mổ như gây mê, kiểm tra tình trạng bệnh nhân đã sẵn sàng.
PGS Hoàng Công Đắc, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec, là bác sĩ ngoại khoa với gần 50 năm trong ngành, từng thực hiện hàng chục nghìn ca phẫu thuật. Vị bác sĩ này đã có những chia sẻ về quy trình phẫu thuật và khả năng nhầm lẫn khi thực hiện phương pháp điều trị này.
Quy trình phẫu thuật
Theo PGS Đắc, ê kíp phẫu thuật thông thường gồm 6-7 người, bao gồm bác sĩ phẫu thuật chính, hai bác sĩ phụ (thường là bác sĩ trẻ), người gây mê, phụ mê, người tiếp dụng cụ, ngoài ra còn có thể có sinh viên vào học hỏi.
Trước đó, để bước vào phòng phẫu thuật, cả kíp mổ và bệnh nhân phải trải qua quy trình chặt chẽ theo quy định. Những bước này bắt đầu từ việc tiếp nhận bệnh nhân, chỉ định làm xét nghiệm, chỉ định mổ, hội chẩn, duyệt mổ, chăm sóc bệnh nhân trước mổ. Dưới đây là ba bước chính trong quá trình phẫu thuật:
– Khám bệnh: Khi bệnh nhân nhập viện, thông thường phẫu thuật viên chính sẽ khám và chỉ định mổ sau khi có các xét nghiệm, ghi rõ trong bệnh án tình trạng, trong đó bao gồm vị trí các bộ phận cần phẫu thuật. Sau đó bác sĩ chính còn phải thực hiện điện quang, trong đó có thể dùng các ký tự như T-P hoặc L-R để phân biệt trái phải vị trí bộ phận chuẩn bị tiến hành phẫu thuật.
– Chuẩn bị trong phòng phẫu thuật: Khi bệnh nhân được đưa vào phòng mổ, bộ phận gây mê tiến hành công việc và theo dõi bệnh nhân trong suốt thời gian tiến hành phẫu thuật. Đồng thời, bác sĩ phụ mổ sẽ chuẩn bị khu vực phẫu thuật.
Trên bàn phẫu thuật, bệnh nhân được rải áo, rải toan phủ kín, chỉ trừ lại một lỗ được gọi là phẫu trường (đây là vùng cơ thể sẽ được phẫu thuật), thường rất bé.
– Phẫu thuật: Thông thường, bác sĩ phẫu thuật sẽ là người vào sau cùng khi mọi công đoạn trong phòng mổ đã sẵn sàng.
Bệnh viện Việt Đức nói riêng hay bất cứ bệnh viện nào có chuyên khoa ngoại ở Việt Nam, đều có quy trình kiểm tra nghiêm ngặt trước khi bệnh nhân lên bàn mổ, để tránh những sai sót.Tuy nhiên, không phải ở mọi nơi, mọi bác sĩ đều nghiêm túc tuân thủ quy trình này.
Theo PGS Hoàng Công Đắc, nhiều nhầm lẫn vẫn xảy ra bên trong phòng phẫu thuật, chẳng hạn nhầm vị trí hai thận, hai mắt, thậm chí nhẫm lẫn các bộ phận khác nhau như chỉ định mổ sọ song bác sĩ lại mổ u ngực… Trên thế giới những tình huống tương tự không hiếm.
Anh Trần Văn Thảo – bệnh nhân bị mổ nhầm chân tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: HQ.Mổ nhầm: Sự quan liêu của bác sĩ và áp lực cần thấu hiểu
Gần đây, trường hợp phẫu thuật nhầm giữa hai chân trái và phải của bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức đang khiến nhiều người ngạc nhiên và khó hiểu bởi hai chân dường như là bộ phận dễ phân biệt nhất.
“Đó chỉ là suy nghĩ của người ngoài. Đối với một người làm ngành y, chúng tôi sẽ hiểu dù hy hữu nhưng nó vẫn có thể xảy ra”, PGS Đắc cho hay.
Theo ông nguyên nhân dẫn đến sự sai sót này có thể là sự chủ quan của bác sĩ. “Nếu bác sĩ phẫu thuật vào sau cộng thêm sự tin tưởng bác sĩ phụ mổ, họ sẽ tiến hành ngay mà không xem lại bệnh án, đối chiếu hồ sơ dẫn tới sự nhầm lẫn. Tôi gọi đó là sự quan liêu và chủ quan của bác sĩ”, bác sĩ này cho hay.
Việc xác định vị trí phẫu thuật phải căn cứ vào giấy tờ, phim chụp nhưng trong nhiều trường hợp hồ sơ không ghi rõ, hoặc phim X-quang bị đảo lộn khiến bác sĩ không nhận diện chính xác vị trí.
Ngoài ra, nhiều phẫu thuật viên không xem bệnh án mà hỏi bệnh nhân, chẳng hạn: “Mổ chân phải hả?”. Nhưng lúc đó bệnh nhân đã được gây mê, không còn tỉnh táo, câu trả lời không thể chính xác.
Bên cạnh đó, nhiều ca phẫu thuật được tiến hành cùng lúc với nhiều phẫu thuật viên, trên các vị trí khác nhau như chân, ngực, cột sống. Dù mỗi người một việc nhưng vẫn có thể xảy ra nhầm lẫn, thậm chí nhầm buồng phẫu thuật, nhất là ở các bệnh viện lớn với số lượng ca mổ rất nhiều.
Tuy nhiên, PGS Đắc khẳng định khi bước vào phòng phẫu thuật, toàn bộ ê kíp phải nắm rõ công việc, song người chịu trách nhiệm chính vẫn là bác sĩ phẫu thuật.
Do đó, bác sĩ chính cần phải cẩn thận, chính xác ở mức cao nhất. Tất cả các khâu đều phải đối chiếu với hồ sơ, phim chiếu và bác sĩ chính phải là người kiểm tra sau cùng.
Nhìn lại sự việc này, PGS Đắc bày tỏ: “Khi một sự cố xảy ra trong ngành y đó không chỉ là bi kịch với bệnh nhân mà còn là sự khiếp đảm của bác sĩ. Đình chỉ hoạt động chuyên môn, “treo dao” có lẽ là hình phạt đau đớn nhất đối với một bác sĩ phẫu thuật.
Chúng ta cần thông cảm nhiều hơn cho các bác sĩ phẫu thuật, nhất là ở các cơ sở tuyến trung ương với quá nhiều bệnh nhân và áp lực lớn”.
Sự việc này là bài học thức tỉnh mỗi bác sĩ trước khi cầm dao mổ phải thực hiện nghiêm túc quy trình để hoàn thành tốt nhất vai trò chữa bệnh cứu người.
GS.TS Trần Bình Giang, Phó giám đốc bệnh viện Việt Đức cho hay, bệnh viện có khoảng 1.500 giường bệnh, mỗi năm thực hiện 150.000 ca mổ. Mổ nhầm chân một sự cố hy hữu mang tính cá nhân. Bệnh viện và bác sĩ phẫu thuật chính đã nhận lỗi trước bệnh nhân.
Trao đổi với Zing.vn, gia đình bệnh nhân Trần Văn Thảo cho biết mong muốn bệnh viện đưa ra hình thức kỷ luật nhẹ nhất để bác sĩ còn có cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.