Chủ Nhật, 17/02/2019 | 18:25

Nguyên tắc phục hồi chức năng vỡ xương chậu theo BYT

Xương chậu cấu tạo gồm 3 xương riêng biệt: xương cánh chậu, xương mu và xương ngồi. Khung chậu có cấu trúc vòng đai tròn, được tạo bởi  xương cùng ở phía sau và 2 xương chậu hai bên, hình dạng giống cái chậu. Các xương này tiếp nối với nhau bởi khớp mu ở phía trước, khớp cùng chậu hai bên ở phía sau

Gãy xương chậu hông bao gồm gẫy từng phần của xương chậu và gẫy khung chậu.

Gẫy thành chậu là khái niệm dùng để chỉ các trường hợp gãy từng phần của xương chậu. Đây là loại gẫy xương ít di lệch, điều trị dễ dàng.

Gãy khung chậu là tổn thương có mất liên tục hoàn toàn vòng đai chậu ở ít nhất 2 vị trí, cả cung chậu trước và cung chậu sau.

Gãy khung chậu chiếm từ 1-3% tổng số các gãy xương. Đây là những tổn thương nặng nề, phức tạp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai sau tử vong do chấn thương sọ não.

Định nghĩa vỡ xương chậu là tình trạng vỡ xương cánh chậu, ổ cối hay ngành mu của xương chậu do chấn thương. Cơ chế vỡ xương chậu do chấn thương

+ Theo hướng trước sau làm phần trước xương chậu bị tác động đầu tiên (ngành mu và ụ ngồi), rồi đến phần sau (khớp cùng chậu, xương cùng)

+ Theo hướng bên làm phần yếu của xương chậu phía trước bị tác động rồi cánh xương cùng hay đường nối các lỗ cùng hay tại xương chậu ở ngoài các lỗ xương cùng.

+ Theo hướng rơi từ trên cao xuống gây tổn thương các ngành ngang mu và ngành lên của ụ ngồi.

Chẩn đoán vỡ xương chậu

Hỏi bệnh

Tuổi: Tuổi là một yếu tố tiên lượng của BN đa chấn thương, cùng một thương tổn, tuổi càng cao tiên lượng càng nặng. Tuổi giúp đánh giá mức độ loãng xương.

* Giới: liên quan đến các tổn thương kết hợp, nam giới: hay gặp tổn thương niệu đạo, nữ giới dễ có tổn thương âm đạo do gãy khung chậu hở.

* Bệnh sử: khi hỏi bệnh phải lưu ý đến:

+ Thời gian bị chấn thương.

+ Nguyên nhân tai nạn, cơ chế chấn thương : để xác định cường độ lực chấn thương và hướng vector lực, giúp tiên lượng mức độ tổn thương, độ mất vững của khung chậu và dự đoán các thương tổn kết hợp.

+ Tình hình xử trí của tuyến trước.

Khám và lượng giá chức năng vỡ xương chậu

– Chậu hông không cân đối

– Cánh chậu di động bất thường

– Chi dưới ngắn, xoay ngoài

– Cử động khớp háng nhẹ nhàng không đau, đau nhói khi cử động mạnh vào xương chậu.

– Ép hai cánh chậu đau nhói

Nếu có tổn thương phối hợp khi khám sẽ thấy: Vỡ bàng quang, đứt niệu đạo do các ngành xương gãy di lệch kéo căng đứt cân đáy chậu có niệu đạo đạo đi cùng biểu hiện trên lâm sàng: bí đái, bàng quang căng, tụ máu vùng đáy chậu.

Các chỉ định cận lâm sàng

Xét nghiệm huyết học, sinh hóa máu; xét nghiệm nước tiểu; chụp X-Quang khung chậu, nếu cần chụp cắt lớp vi tính khung chậu.

Chẩn đoán xác định vỡ xương chậu 

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng như hoàn cảnh xuất hiện chấn thương, chậu hông mất cân đối, cánh chậu di động bất thường, chi ngắn chi dài, đau khi khám và dựa vào các dấu hiệu của chẩn đoán hình ảnh.

Chẩn đoán phân biệt với đa chấn thương trong đó có gãy một phần xương chậu, các trường hợp tổn thương đầu trên xương đùi, các chấn thương phần mềm vùng mông và đùi.

Chẩn đoán nguyên nhân vỡ xương chậu 

– Do chấn thương: do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, chất nổ…

– Do các tình trạng bệnh lý nhưng chấn thương chỉ là cơ hội làm vỡ xương chậu.

Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng vỡ xương chậu 

– Nguyên tắc phục hồi chức năng: Tiến hành sớm để ngăn ngừa biến chứng phổi, gia tăng tuần hoàn, duy trì lực cơ, duy trì tầm vận động khớp còn lại và phục hồi chức năng di chuyển.

– Nguyên tắc điều trị: sơ cứu ban đầu phải chú ý bất động để tránh đau và di lệch gây tổn thương thêm, điều trị bằng phẫu thuật hoặc không phẫu thuật để chỉnh lại chậu hông bị lệch;

Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng vỡ xương chậu 

– Thời gian bất động trên giường

+ Tập thở để ngăn ngừa biến chứng phổi bằng các bài tập thở cơ hoành, thở phân thùy kết hợp với các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp như vỗ rung, dẫn lưu tư thế…

+ Các bài tập cử động bàn chân, cổ chân để gia tăng tuần hoàn.

+ Tập gồng cơ các cơ đáy chậu, cơ tứ đầu đùi, cơ ụ ngồi, cơ dạng và cơ khép đùi.

+ Tập cử động có lực đối kháng với các phần còn lại: hai tay, cơ bụng, cơ lưng.

– Sau thời gian bất động:

Tùy theo tình trạng người bệnh có thể cho ngồi dậy, đứng dậy và đi lại.

Chương trình vật lý trị liệu cho tập các bài tập tăng tiến trong giai đoạn này. Trong giai đoạn này cũng cần tập các bài tập theo tầm vận động khớp.

+ Tùy theo tình trạng cơ cho người bệnh tập chủ động có trợ giúp, tập kháng trở để tăng sức mạnh cũng như tập theo tầm vận động khớp.

+ Hướng dẫn người bệnh di chuyển lúc đầu bằng nạng, sau đó tăng dần và đi không cần nạng.

+ Áp dụng một chương trình hoạt động trị liệu cho người bệnh bị vỡ xương chậu.

+ Áp dụng các phương thức vật lý trị liệu như điện giảm đau, nhiệt trị liệu, máy kích thích liền xương…

Các điều trị khác

– Các thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc phòng tắc mạch máu.

– Có thể cho kháng sinh nếu có bằng chứng nhiễm trùng

– Các phương pháp tăng cường thể lực khác.

Theo dõi và tái khám phục hồi chức năng vỡ xương chậu 

Theo dõi trong quá trình phục hồi chức năngvà điều trị các biến chứng có thể xảy ra đối với xương chậu cũng như các cơ quan tiết niệu sinh dục, tiêu hóa trong ổ bụng. Nếu người bệnh về nhà cần tái khám sau 3 tháng hoặc khi thấy có dấu hiệu bất thường

Yhocvn.net (Trích theo hướng dẫn Phục hồi chức năng vỡ xương chậu của Bộ Y tế)

Bài cùng chủ đề:

Gãy xương chậu: Triệu chứng, tổn thương, biến chứng và điều trị

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook