Chủ Nhật, 20/01/2019 | 11:01

Tùy theo nguyên nhân gây tràn dịch mà có triệu chứng của bệnh lý đi kèm.

Khoang màng phổi là một khoang ảo nằm giữa phổi và thành ngực. Bình thường nó cũng có có chứa vài ml dịch lỏng để hai lá thành và lá tạng trượt lên nhau dễ dàng. Khi có nhiều dịch hơn bình thường trong khoang màng phổi thì được gọi là tràn dịch màng phổi. Ở Mỹ hàng năm có khoảng trên một triệu người bị tràn dịch màng phổi. Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác, số lượng người bị tràn dịch màng phổi mà dân gian hay gọi là phổi có nước cũng khá nhiều. Bệnh gây nhiều hệ lụy nguy hiểm và có thể đưa đến tử vong.

Cơ chế bệnh sinh gây tràn dịch màng phổi:

– Thay đổi tính thấm mao mạch.

– Thay đổi áp lực keo trong huyết tương.

– Thay đổi áp lực thủy tĩnh của mạch máu.

– Thay đổi sự lưu thông hệ bạch mạch.

Tùy theo cơ chế gây ra tràn dịch màng phổi dịch thấm hay dịch tiết

Chẩn đoán tràn dịch màng phổi

Hỏi bệnh

Khám lâm sàng

Tùy theo nguyên nhân gây tràn dịch mà có triệu chứng của bệnh lý đi kèm.

– Triệu chứng cơ năng

+ Đau ngực

+ Khó thở: tùy vào mức độ tràn dịch.

+ Ho: thường ho khan, ho khi thay đổi tư thế.

– Triệu chứng thực thể

+ Nhìn: lồng ngực bên tràn dịch nhô lên, khoang liên sườn giãn rộng.

+ Sờ: rung thanh giảm hoặc mất.

+ Gõ: đục.

+ Nghe: rì rào phế nang giảm hoặc mất.

Chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng

– X-Quang: tràn dịch màng phổi tự do.

+ Tràn dịch màng phổi ít: tù góc sườn hoành.

+ Tràn dịch màng phổi trung bình: đường cong Damoiseau.

+ Tràn dịch màng phổi nhiều: mờ một bên phổi, đẩy tim và trung thất sang bên đối diện.

– Siêu âm: phát hiện tràn dịch màng phổi ít hoặc khu trú, vách hóa.

– Chụp cắt lớp vi tính: xác định chính xác vị trí dịch và các tổn thương đi kèm.

– Chọc dò màng phổi: có dịch, lấy dịch làm xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân.

Chẩn đoán xác định tràn dịch màng phổi

– Hội chứng 3 giảm.

– X-Quang có hình ảnh tràn dịch màng phổi.

– Chọc dò khoang màng phổi có dịch.

Chẩn đoán phân biệt tràn dịch màng phổi

– Viêm phổi.

– Viêm màng phổi dầy dính.

– Xẹp phổi: XQ trung thất bị co kéo về bên xẹp.

– Apxe dưới cơ hoành: cơ hoành bị đẩy lên cao.

– Vô sản phổi: bẩm sinh trong thời kỳ bào thai, một bên phổi không phát triển.

Chẩn đoán nguyên nhân tràn dịch màng phổi

– Viêm mủ màng phổi.

– Tắc mạch phổi.

– Tràn máu màng phổi.

– Dịch thấm: suy tim, hội chứng thận hư, xơ gan, suy dinh dưỡng thường tràn dịch màng phổi 2 bên.

– Dịch tiết:

+ Nhiễm trùng: do viêm phổi, do lao.

+ Ung thư phổi: ung thư màng phổi nguyên phát, ung thư di căn màng phổi.

+ Bệnh hệ tạo keo.

+ Tràn dưỡng chấp màng phổi: tắc mạch bạch huyết trung thất.

Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị tràn dịch màng phổi

Dựa vào sinh lý học, sinh lý bệnh và diễn biến của dịch tràn màng phổi mà từ đó thiết lập ra mục tiêu và chương trình điều trị.

Các phương và kỹ thuật phục hồi chức năng tràn dịch màng phổi

Giai đoan 1: Giai đoạn cấp

* Mục tiêu:

– Giúp cho sự tiêu dịch màng phổi.

– Ngăn cản sự xuất hiện dầy dính màng phổi.

– Chống dầy dính góc sườn hoành.

– Ngăn cản sự tạo kén màng phổi.

– Sửa tư thế giảm đau.

* Chương trình điều trị:

– Tư thế tốt: thay đổi tư thế để tránh đọng dịch gây dầy dính màng phổi.

+ Tư thế (1): nằm nghiêng bên lành và phía dưới có chêm gối, tay bên tràn dịch màng phổi đưa lên cao để kéo giãn sườn bên tràn dịch, hông bên tràn dịch duỗi thẳng.

+ Tư thế (2): xoay người ra phía sau ¾.

+ Tư thế (3): xoay người ra phía trước ¾.

– Ưu tiên sự thở ra dài, hít vào là thụ động. Sự thở ra dài sẽ làm gia tăng áp suất màng phổi tạo ra một nồng độ áp suất thuỷ tĩnh thích hợp cho sự tiêu dịch.

– Khuyên bệnh nhân không nên nằm nghiêng về bên tràn dịch vì sẽ gây ra sự lắng đọng dịch làm dầy dính màng phổi và không nên nằm ngửa thường xuyên với tư thế giảm đau sẽ làm lồng ngực không mở rộng, làm teo cơ gian sườn và xẹp ngực bên tràn dịch.

Giai đoạn 2: Giai đoạn tiêu dịch và dầy dính màng phổi

* Mục tiêu

– Sửa tư thế giảm đau.

– Giảm sự co thắt cơ hô hấp.

– Đạt sự gãn nở của khoang liên sườn bên tràn dịch.

– Gia tăng và cải thiện chức năng hô hấp.

– Sửa tư thế vẹo cột sống và đai vai.

* Chương trình điều trị

– Thư giãn: hướng dẫn người bệnh cách thư giãn các cơ hô hấp phụ. Các cơ hô hấp cần ở tư thế tự do thoải mái, giãn nghỉ trước khi tập thở.

– Tập thở cơ hoành ở các tư thế: nằm ngửa, nằm nghiêng bên tràn dịch, nằm sấp, bò, ngồi, đứng, đi.

– Tập thở ngực khu trú vùng tổn thương.

– Tập thở ngực với sự kéo dãn bằng tay, dây đai.

– Tập thở ngực với sự phối hợp bằng tay.

– Hướng dẫn người bệnh tự tập thở, khuyên bệnh nhân thường xuyên tập thở.

Các điều trị hỗ trợ khác

– Điều trị các nguyên nhân gây tràn dịch.

– Nếu tràn mủ màng phổi: kháng sinh, chọc rửa màng phổi hằng ngày với NaCl 90/00. Có thể bơm vào khoang màng phổi các thuốc Streptokinase hoặc Urokinase làm tiêu sợi huyết, mủ.

– Điều trị bệnh toàn thân.

– Nếu tràn dịch màng phổi do ung thư: Dịch tái phát nhiều liên tục nội soi gây dính khoang màng phổi, điều trị ung thư bằng hóa chất, không phẫu thuật khi đã di căn màng phổi.

– Phẫu thuật bóc cặn màng phổi: nếu viêm mủ màng phổi đóng cặn sau một tháng điều trị nội tích cực không kết quả.

Theo dõi và tái khám tràn dịch màng phổi

Tùy theo nguyên nhân. Cần hướng dẫn người bệnh tập thở, tập vận động ở nhà để cải thiện chức năng hô hấp cũng như mức độ độc lập chức năng. Bệnh nhân cần được tái khám định kỳ để đánh giá lại chức năng hô hấp và thay đổi chương trình tập nếu cần thiết.

Yhocvn.net (Trích theo hướng dẫn phục hồi chức năng tràn dịch màng phổi theo Bộ Y tế)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook