Thứ Bảy, 03/12/2016 | 18:01

Theo khuyến cáo của giới y tế, vào mùa đông xuân (cuối năm dương lịch đến sau Tết cổ truyền) là thời điểm bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh thủy đậu. Do đó, biện pháp phòng ngừa hiệu quả là nên tiêm ngừa vaccine ngay từ thời điểm này.

Phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em ngay từ bây giờTrẻ cần được tiêm vaccine ngừa thủy đậu để tránh bị lây nhiễm khi mùa dịch bệnh đang tới gần

Đỉnh dịch: khoảng tháng 2 đến tháng 6

Thông tin từ Viện Pasteur TP.HCM cho biết, ở nước ta, bệnh thủy đậu xảy ra quanh năm, nhưng số ca mắc thường tăng cao trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 6. Vì đây là khoảng thời gian không khí có độ ẩm khá cao, thuận lợi cho virus gây bệnh thủy đậu phát tán và lây bệnh cho con người, nhất là trẻ em từ 1 đến 13 tuổi do sức đề kháng yếu.

Còn nhớ mùa dịch bệnh thủy đậu năm ngoái, số ca mắc bệnh thủy đậu nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 bắt đầu tăng cao từ tuần cuối của tháng 1 và đạt mức đỉnh dịch vào tháng 3. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, liên tiếp trong hai năm vừa qua, chỉ riêng tháng 3 đã có đến 1.000 ca nhập viện, còn những tháng khác (tháng 2, tháng 4, tháng 5 và tháng 6) trung bình có từ 80 đến 100 ca nhập viện điều trị. Cùng vào thời điểm tuần cuối của tháng 1 năm ngoái, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng bắt đầu tiếp nhận số ca nhập viện do bệnh thủy đậu tăng dần. Bình quân mỗi ngày có khoảng 2-3 ca nhập viện, nhưng cũng có ngày cao điểm có đến 5 ca nhập viện, trong khi những tháng trước đó không có trường hợp nào.

Được biết, biểu hiện ban đầu rất dễ nhận thấy của bệnh thủy đậu là hiện tượng nổi ban, nổi mụn nước mọc ở mặt, tay, chân, toàn thân kèm theo sốt. Do đó, khi phát hiện trẻ có những triệu chứng này, phụ huynh nên cho con nhập viện kịp thời. Điểm cần lưu ý là cha mẹ cần kiểm soát tránh để trẻ gãi móng tay vào mụn nước khiến chúng vỡ ra gây nhiễm trùng, làm tổn thương sâu da bé và gây thành sẹo về sau. Tuy nhiên, thủy đậu cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn đối với một số ít trẻ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém. Khi đó, virus có thể chạy thẳng vào máu, tàn phá các cơ quan như thận, não, gan… gây tình trạng sốt, li bì, quờ quạng tay chân, co giật… Nếu không chữa trị kịp thời sẽ để lại di chứng nặng nề về sau như bại não, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, thậm chí tử vong.

Cách chăm sóc cần thiết

Bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa NhiễmBệnh việnNhi đồng1 TP.HCM lưu ý, vaccine ngừa thủy đậu tạo được miễn nhiễm lâu dài (gần như suốt đời) cho người được tiêm. Tuy nhiên, tùy theo từng lứa tuổi mà phác đồ tiêm có khác nhau. Cụ thể, trẻ từ 9 tháng đến 12 tuổi chỉ cần tiêm một liều dưới da, trẻ trên 13 tuổi thì tiêm hai liều, mỗi liều cách nhau 4-8 tuần.

Theo bác sĩ Cao Thị Lan Hương, Khoa Nội tổng quát Bệnh viện Trưng Vương, thời gian nổi trung bình củathủy đậulà khoảng từ 7-10 ngày. Nếu không có biến chứng như bội nhiễm vi trùng, chảy mủ thì các vết thương sẽ lành nhanh.

Bác sĩ Hương lưu ý, khi mụn – bóng nước chưa vỡ hoặc đã vỡ, người bệnh nên dùng các thuốc bôi màu như xanh Methylen, Milian, Eosin 2%… Các loại thuốc này có tác dụng kháng khuẩn và giúp khô tổn thương vùng da, có thể bôi được trên da và cả vùng kín. Khi tổn thương đã khô thì có thể dùng các thuốc giúp liền sẹo như Hirudoid®, Hiruscar®, Curiosin®, Cicaplast®…

Điểm cần lưu ý nữa là phụ huynh nên cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất, bổ sung đầy đủ các vitamin và yếu tố vi lượng cho da như viên multvitamin, nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng và thoáng. Nên thay quần áo cho trẻ 2 lần mỗi ngày và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm trong phòng kín gió.

Bên cạnh biện pháp cách ly, vệ sinh và chăm sóc cẩn thận cho trẻ khi bị bệnh, giới y tế khuyến cáo tiêm vaccine chính là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ cả trẻ em lẫn người lớn. Điều quan trọng là việc tiêm phòng cần được thực hiện trước khi mùa bệnh xảy ra. Vì nếu tiêm phòng trong mùa dịch, trẻ vẫn có thể bị lây do tiếp xúc với trẻ đã bị bệnh vì vaccine chưa kịp có tác dụng.

Tuy nhiên, khi tiêm phòng cũng cần lưu ý một số điểm như sau: tiêm đủ 2 liều vaccine cho cả trẻ em và người lớn để bảo vệ tối ưu; Vaccine có thể áp dụng cho trẻ em từ 12 tháng trở lên, thanh thiếu niên và cả người lớn chưa nhiễm bệnh; Không tiêm vaccine ngừa thủy đậu cho phụ nữ đang mang thai và nếu có kế hoạch sinh con thì nên có thai 3 tháng sau khi tiêm phòng.

Vũ Phương

Nguồn: Giáo dục Online

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook