Bệnh sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt. Bệnh không lây qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Cách phòng bệnh tốt nhất là không để bị muỗi đốt.
Cả ngày đóng cửa phòng không hiểu vẫn bị sốt xuất huyết
Sau sinh được 2 tuần, chị Nguyễn Thị Hoài Lâm (đường Tô Vĩnh Diện – Thanh Xuân – Hà Nội) đột nhiên sốt cao 39,5 độ. Ngoài sốt cao, chị Lâm còn kèm theo những dấu hiệu đau đầu, người nhức mỏi chán ăn. Chị Lâm có dùng thuốc hạ sốt tại nhà nhưng không cắt được cơn sốt. Ngày hôm sau chị Lâm vào bệnh viện khám, qua khám lâm sàng và xét nghiệm máu, bác sĩ chuẩn đoán chị Lâm bị mắc sốt xuất huyết.
“Tôi sợ bị sốt cao là do triệu chứng hậu sản sau sinh vì vậy đã phải nhanh chóng đi khám. Tại bệnh viện bác sĩ nói tôi bị sốt xuất huyết tiểu cầu đang rất thấp phải vào viện điều trị”, chị Lâm nói.
Điều làm chị Lâm băn khoan là, chị đang thời gian ở cữ không đi ra ngoài không tiếp xúc với ai mà vẫn bị mắc bệnh sốt xuất huyết. Theo chị Lâm, trong gia đình chị không ai bị mắc bệnh.
Sản phụ bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai.
Chị Lâm chia sẻ: “Cả ngày tôi ở trong phòng đóng cửa kín mít chẳng hiểu gì sao vẫn bị mắc bệnh. Rất may mắn là chỉ có bé mắc bệnh con không sao”.
Theo TS.BS Nguyễn Duy Cường, Trưởng khoa Truyền Nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh sốt xuất huyết không lây qua tiếp xúc người với người, vì vậy khi điều trị cũng không có khuyến cáo cách ly. Bệnh chủ yếu lây qua đường muỗi đốt, vì vậy dù mọi người ở trong phòng không đi đâu nhưng bị muỗi đốt thì vẫn có thể bị mắc bệnh. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi bằng cách vệ sinh môi trường tốt, không để dụng cụ chứa nước đọng khiến muỗi đẻ trứng.
Lý giải về việc trong một gia đình bị mọi người đều bị muỗi đốt nhưng có người không bị? TS. Cường cho rằng, cùng bị muỗi đốt nhưng có người mắc bệnh có người không là phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Những người từng bị mắc sốt xuất huyết thì mức độ kháng thể (kháng thể bệnh sốt xuất huyết không bền vững) và sức khỏe tốt thì nguy cơ mắc bệnh sẽ thấp hơn.
Cần phải cảnh giác trên những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt
Theo TS. BS Đoàn Thu Trà, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, ngoài trường hợp sản phụ nói trên thì khoa cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đang mang bầu. Với những bệnh nhân đang mang thai thường không có chỉ định bỏ thai. Nhưng bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ hơn nhiều bởi nhiều biến chứng có thể xảy ra như ra huyết, đẻ non, sảy thai.
“Chúng tôi đang điều trị cho hai trường hợp mang thai. Những bệnh nhân này, cần kiểm tra công thức máu, tiểu cầu hàng ngày. Hai bệnh nhân này ngoài điều trị tại khoa Truyền nhiễm sẽ được kết hợp với khoa Sản để theo dõi diễn biến tình trạng thai nhi. Đôi khi cần dùng thuốc giảm co bóp, giữ thai cho bệnh nhân, kết hợp điều trị sốt xuất huyết và phòng ngừa nguy cơ sảy thai, đẻ non cho bệnh nhân”, bác sĩ Trà nói.
Ngoài phụ nữ mang thai vì một số cơ địa đặc biệt như trẻ nhỏ, người già, người có bệnh lý tim, suy thận, bệnh lý gan, tiểu đường… Khi bị mắc sốt xuất huyết cần phải theo dõi chặt chẽ phòng nguy cơ biến chứng.
Bác sĩ Trà cho biết, sốt xuất huyết trong những ngày đầu không có dấu hiệu cảnh bảo chỉ cần theo dõi, uống thuốc hạ sốt, bù nước đường uống hoặc truyền các dung dịch đẳng trương như Ringer lactate hoặc Natri clorua 0,9% nếu có chỉ định…
Khi bệnh nhân có những dấu hiệu cảnh báo, mệt mỏi, nôn, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt… cần nhanh chóng nhập viện để điều trị.
Có rất nhiều bệnh nhân thắc mắc vì sao bệnh nhân sốt xuất huyết phải lấy máu xét nghiệm hàng ngày. Bác sĩ Trà cho hay, việc xét nghiệm máu của bệnh nhân là rất cần thiết để biết người bệnh có đang được điều trị đúng hướng hay không? Khi bác sĩ nhận thấy mức độ tiểu cầu đã ổn định trở lại bình thường, bệnh nhân đó sẽ được cho ra viện. Lấy máu xét nghiệm hàng ngày là phác đồ điều trị theo quy định của Bộ Y tế để tránh điều trị sai gây ra những hậu quả đáng tiếc cho người bệnh.
(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.