Thứ Bảy, 07/05/2016 | 13:30

Tôi có nhiều cảm rằng, ngày nay lớp trẻ thực dụng, kém năng động, ít quý trọng những giá trị bình dị như thời cha ông. Nhưng mỗi thời mỗi khác…

Xét ra sự đủ đầy mà chúng ta từng nói đến ở bài trước chỉ là tương đối, trong phạm vi so sánh với cái thời rất khó khăn của mấy chục năm trước mà còn kém rất xa so với nhiều mức sống trên thế giới hiện nay. Điều quan trọng vẫn là cách đón nhận, cảm nhận sự đủ đầy, sung túc, cách cảm. Phải chăng trong cách cho và cách nhận hiện nay còn nặng trị giá hơn là cảm biết giá trị.

Nỗi lo con cái quá đầy đủ

Ảnh minh họa

Ông cụ nói đứa cháu nhặt 500 đồng thì chúng trả lời chỉ bỏ lợn đất 2.000 đồng trở lên. Rõ ràng chúng chỉ trân trọng trị giá chứ không hiểu giá trị của một tờ tiền. Điểm xuất phát nhận thức ấy phải nhận lỗi do giáo dục con cái của gia đình, xã hội.

Nói về đủ đầy chúng ta cần hướng con tới những giá trị mới, dạy con cách nhận, cách chia sẻ. Nên chăng chúng ta hãy cho con cảm giác may mắn có được hơn cha mẹ và hãy dạy con biết khát khao hơn, nhìn rộng ra thì mức đó chưa phải là tuyệt đối, đủ đầy chỉ giành cho hưởng thụ, còn những giá trị mới vẫn luôn là đề tài mở. Chúng có quyền hưởng thụ giá trị ấy, có quyền sung túc.

Tôi xin kể câu chuyện về một gia đình bạn tôi. Anh chị có một biệt thự to ở Đà Nẵng, quê gốc Quảng Bình. Hai vợ chồng lấy nhau những ngày khốn khó, có lúc tưởng phải ra đường ở. Bây giờ thì mọi người vẫn hay trêu anh là “đại gia” rồi. Hai con anh một bé trai, một bé gái đều đang là sinh viên đại học. Các con anh gọi anh chị là ba mẹ nhưng chúng vẫn biết làng quê Quảng Bình gọi ba bằng Bọ.

Hè nào anh cũng dắt con về quê cho con đi trên đồng cát trắng, hì hụi đun bếp củi. Các con anh đủ đầy hơn tất cả các anh chị em họ của chúng, chúng có quyền nói không biết và không cần làm những việc ấy. Nhưng anh chị đã thôi thúc con làm, xem đó như là một sự so sánh để biết cái nào giá trị và quý trọng cái giá trị mình có, cũng là để chúng không giống những chú gà công nghiệp.

Là trưởng đại diện cho tờ báo lớn tại miền Trung, anh vẫn tham gia nhiều lời mời dạy thêm, không phải để thêm thu nhập mà để báo ơn mái trường anh đã học. Các con anh khi bước chân vào giảng đường ấy đều nhớ câu chuyện bố mẹ chúng một thời gian khổ nhưng ít than vãn, chỉ biết cố gắng. Cũng bởi kinh tế dư giả, anh sẵn sàng cho con mọi thứ hơn bạn bè chúng nhưng anh luôn khích lệ chúng hòa nhập chia sẻ với bạn bè.

Mỗi hè, anh lại cho con học thêm các khóa ngắn hạn ở nước ngoài để các con mở mang, khát khao. Anh dạy con sẵn sàng cho đi vài triệu giúp đỡ người bạn nằm viện nhưng không dùng chân giẫm lên đồng xu nhỏ. Cái quan trọng không phải trị giá 500đồngin trên đồng xu mà là giá trị lao động để lại trên đó. Ngay cả với người giúp việc trong gia đình, anh vẫn khuyến khích các con làm những việc cần thiết như tự sắp dọn phòng, giặt quần áo, tự làm món ăn mình thích.

Bởi vậy, khoảng cách của lớp chúng tôi với bọn trẻ lúc này là một thời chúng tôi ý thức rõ từng giá trị để đi tìm trị giá lớn. Còn các bạn trẻ có lẽ đã coi trọng trị giá của cải hơn những giá trị khởi nguồn lên chúng. Do đó, một cái vòng tròn đủ hay khuyết cho con không quan trọng bằng cách cho và dạy con cách nhận.

Văn Bình

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook