Bệnh loãng xương có thể phát triển ở nam lẫn nữ, nhưng nó thường ảnh hưởng đến phụ nữ lớn tuổi đã trải qua thời kỳ mãn kinh do lượng estrogen giảm.
Loãng xương không thể tránh khỏi ở phụ nữ, theo tiến sĩ Deena Adimoolam, phó giáo sư về bệnh tiểu đường, nội tiết, và các bệnh về xương tại Trường Y Icahn (Ai Cập), nhưng thay đổi lối sống có thể giúp làm chậm quá trình này.
Tập thể dục thường xuyên để ngừa loãng xương– Ảnh: Shutterstock
Sống năng động
Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho xương khỏe mạnh trong độ tuổi 20 là tập thói quen tập thể dục. Hoạt động thể chất được chứng minh có tác dụng tốt đối với sức khỏe xương, đặc biệt là thêm sức chịu đựng vào bài tập luyện hằng ngày, chẳng hạn như yoga, chạy, đi bộ nhanh.
Theo một nghiên cứu tại Đại học Brigham Young (Mỹ), các bài tập liên quan đến nhảy có thể cải thiện đáng kể mật độ khoáng xương hông ở phụ nữ tiền mãn kinh.
Chọn thực phẩm giàu canxi và vitamin D
Chế độ ăn uống ở độ tuổi 20 có thể giúp xây dựng xương chắc khỏe cho cuộc sống: Canxi và vitamin D rất quan trọng cho sức khỏe của xương, tiến sĩ Adimoolam nói. Bà khuyến cáo nên ăn ba phần ăn trong ngày là các loại thực phẩm giàu canxi, bao gồm sữa và sữa chua không kem, cũng như cải xoăn, hạnh nhân và cam. Các loại thực phẩm giàu vitamin D bao gồm cá hồi và các loại cá béo khác, trứng, ngũ cốc. Các loại thực phẩm giúp xương khỏe còn có chuối (kali có thể giúp tăng sức mạnh của xương bằng cách giảm tái hấp thu), mận (vitamin K có thể thúc đẩy sức khỏe của xương), và dầu ô liu (nó có chứa hợp chất oleuropein có thể ngăn ngừa mất xương).
Duy trì trọng lượng khỏe mạnh
Ngoài ăn uống tốt và tập thể dục, tiến sĩ Adimoolam nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu đạt trọng lượng khỏe mạnh. Những phụ nữ thiếu cân có nguy cơ phát triển bệnh loãng xương ở độ tuổi sớm hơn, và mỡ bụng cũng có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Nghiên cứu gần đây từ Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy phụ nữ tiền mãn kinh có lượng mỡ nội tạng nhiều hơn giảm mật độ khoáng xương.
Hiểu các yếu tố nguy cơ
Di truyền. Một số phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương hơn những người khác. Nếu họ có lịch sử gia đình như mẹ hoặc bà có bệnh loãng xương thì bạn có nguy cơ phát triển bệnh này.
Kinh nguyệt không đều. Nếu có kinh nguyệt không đều cũng tăng nguy cơ loãng xương do estrogen liên quan đến mật độ xương, tiến sĩ Adimoolam giải thích.
Mắc suy buồng trứng sớm. Những phụ nữ có tình trạng này trước khi 40 tuổi có nguy cơ loãng xương.
Hút thuốc. Ngoài gây ung thư phổi, bệnh tim và đột quỵ, hút thuốc lá cũng có thể góp phần dẫn đến chứng loãng xương.
Ngọc Lam (TNO)
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.