Thời tiết nắng nóng, oi bức khiến nhiều người tìm đến các bể bơi công cộng để giải nhiệt. Tuy nhiên, ít ai biết ở các bể bơi công cộng luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan.
Nguồn gốc các mầm bệnh.
Các bể bơi công cộng hiện nay tiềm ẩn rất nhiều các nguy cơ gây bệnh, về nguồn gốc chúng ta có thể chia thành hai nhóm nguyên nhân chính sau:
Về phía ý thức người đi bơi: Một lượng người lớn cùng xuống một bể bơi, nhưng trước đó không phải tất cả đều ý thức được mình nên tắm rửa sạch tại phòng tắm của các bể bơi trước khi xuống bể bơi chung. Ngoài ra còn phải kể đến những hành động như khạc nhổ bừa bãi thậm chí tiểu tiện ra bể bơi (do khi dưới nước bàng quang bị áp lực hơn). Kế đến là những người bị mắc một số bệnh lây nhiễm như các bệnh ngoài da, các bệnh tiêu hóa,…
Về phía chủ quản bể bơi: Có thể do chi phi đầu tư hoặc do lợi nhuận mà các đơn vị đầu tư bể bơi đã cho lượng khách vào vượt quá mức quy định hoặc thiết kế bể bơi không đúng tiêu chuẩn, hệ thống lọc, thông dòng không được đầu tư đúng quy mô,… Các khu phức hợp đi kèm không có hoặc thậm chí chính các hóa chất dùng để diệt khuẩn, lọc nước cũng có thể gây dị ứng cho một số người.
Những bệnh có nguy cơ gặp phải nhất ở bể bơi.
Các bệnh về mắt: như đau mắt đỏ là bệnh thường gặp tại các bể bơi công cộng do tính chất dễ lây lan của bệnh. Một số người không có thói quen sử dụng kính bơi mà mở mắt trực tiếp dưới nước sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Việc để niêm mạc mắt tiếp xúc trực tiếp với nước bể bơi khiến mắt dễ bị khô, nhiễm khuẩn, từ đó giảm sức đề kháng của mắt.
Đau mắt đỏ là bệnh rất dễ gặp khi đi bơi. Ảnh: Internet |
Các bệnh về da: như viêm da do nhiễm khuẩn, do nấm; các tổn thương da do hóa chất khử khuẩn, các loại hóa chất khác (được sử dụng tại các bể bơi);
các thương tổn da do ánh nắng mặt trời. Viêm da do nhiễm khuẩn có nguyên nhân do vi khuẩn sinh sống trong nước tại các bể bơi (vi khuẩn gram âm, trực khuẩn mủ xanh…) với biểu hiện bằng những tổn thương trên da như các nốt viêm, sưng nề, hóa mủ. Vi khuẩn trong nước cũng có thể dễ dàng xâm nhập cơ thể qua các vết thương nhỏ có sẵn trên da và gây viêm da ở người đi bơi. Bệnh lý do nấm rất thường gặp ở người đi bơi như hắc lào, nấm móng, nấm kẽ chân, nấm tóc… xuất hiện sau khi nhiễm 5 – 7 ngày với các biểu hiện ngứa, viêm loét tại các vị trí tổn thương: kẽ chân, móng tay chân, chân tóc. Trong nước bể bơi cũng luôn có một số hóa chất như các hợp chất có chứa clo (dùng để sát khuẩn), hóa chất từ các loại mỹ phẩm, chất chống nắng (của chị em phụ nữ) sử dụng khi đi bơi. Các chất này có thể gây dị ứng, viêm da, sạm da đối với những người nhạy cảm. Người đi bơi cũng có thể bị sạm da, bong da… nếu nằm phơi nắng lâu tại các bể bơi ngoài trời mà không có biện pháp dự phòng thích hợp.
Bạn dễ mắc viêm da do nhiễm khuẩn tại bể bơi không an toàn. Ảnh: Internet |
Các bệnh đường tiêu hóa: Khi đi bơi có thể lây nhiễm một số bệnh như lỵ trực khuẩn, tiêu chảy cấp do E. Coli. Bệnh sẽ biểu hiện một hai ngày sau nhiễm vi khuẩn với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, mót rặn, phân nhày máu hoặc tiêu chảy. Tiêu chảy cấp cũng có thể do Giardia, một loại ký sinh trùng hay gặp trong nước bẩn. Bên cạnh đó, bệnh lý viêm dạ dày ruột cấp do Norwalkvirus, viêm gan virut A cũng được cho là bệnh lý gặp ở người đi bơi.
Vi khuẩn E.Coli gây tiêu chảy. Ảnh: Internet |
Các bệnh tai, mũi, họng: Bạn cũng có thể mắc những bệnh về tai, mũi, họng khi đi bơi ở bể bơi công cộng. Mọi người thường ít quan tâm đến việc nên sử dụng mũ bơi khi đi bơi, phần vì đây không phải là trang bị quá phổ biến, phần vì nó gây ra cảm giác khó chịu. Điều này khiến nước bể bơi chứa các loại vi khuẩn, nấm mốc dễ dàng xâm nhập và đọng lại ở trong tai. Nếu không vệ sinh đúng cách sẽ gây ra các cơn ngứa ngáy, khó chịu. Thậm chí, nặng hơn có thể khiến tai mưng mủ, chảy nước vàng, viêm tai ngoài và giảm thính lực. Bệnh lý ống tai, đặc biệt hay gặp ở người đi bơi (nhất là ở trẻ em). Khi đi bơi, nước có thể vào các ống tai, làm ướt ống tai, tạo môi trường viêm nhiễm ở những ống tai có nhiều ráy tai hoặc các ống tai đã bị tổn thương trước đó.
Các bệnh lý về tai dễ gặp do đi bơi mà không bảo vệ tai. Ảnh: Internet |
Bệnh về đường tiết liệu: Bệnh lý lây nhiễm qua đường sinh dục tiết niệu rất nên được chú ý khi đi bơi (ở phụ nữ). Các bệnh lý viêm nhiễm này có nguyên nhân do vi khuẩn hoặc nấm. Các tác nhân gây bệnh có thể từ những người đi bơi đang bị viêm nhiễm hệ tiết niệu sinh dục lây sang người khác. Ngoài ra, các bệnh lý khác như cơn hen phế quản (ở những người có cơ địa nhạy cảm với hóa chất), viêm phổi thùy (do hít sặc phải nước bể nhiễm khuẩn), nấm tóc, tóc giòn, dễ rụng do hóa chất… cũng có thể xuất hiện sau khi đi bơi.
Phụ nữ dễ mắc viêm nhiễm khi đi bơi ở bể bơi có nước không lọc sạch. Ảnh: Internet |
Các biện pháp để đi bơi an toàn:
– Lựa chọn những bể bơi với dịch vụ và cơ sở hạ tầng tốt.
– Tự nâng cao ý thức của bản thân khi đi bơi: Tắm gội sạch sẽ trước lúc xuống bơi, không khạc nhổ bừa bãi,… Đặc biệt không đi bơi công cộng khi đanh có các bệnh lý gây lây lan
– Trang bị các dụng cụ bơi cần thiết như mũ bơi, nút tai, kính bơi
– Tìm hiểu kĩ về những loại hóa chất mà bạn có thể bị kích ứng do có thể một số hóa chất làm sạch bể bơi có thể gây kích ứng
– Cuối cùng, khi đi bơi về mà phát hiện những dấu hiệu sức khỏe bất thường phải đi đến các cơ sở y tế để kiểm tra ngay.
Vũ Quý (Tổng hợp)
Nguồn: Tinmoi
Chưa có bình luận.