Thứ Ba, 06/09/2016 | 12:00

Ước tính có khoảng 70% nam giới và 40% phụ nữ mắc chứng ngủ ngáy. Và không ít người cũng đã thú nhận họ không muốn ngủ chung với người bạn đời của mình chỉ vì ngáy.

Dở khóc dở cười vì ngáy

Chị Lan (Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội) vốn mắc chứng khó ngủ kinh niên, lại thêm ông chồng “thợ xẻ” đêm nào cũng kéo gỗ rền rĩ nên từ ngày lấy nhau chưa hôm nào được ngon giấc. Lúc nào chị cũng trong trạng thái thiếu ngủ, lờ đờ như người mất hồn. Cực chẳng đã chị mới phải than thở cùng hội bà tám với hy vọng tìm ra “thuốc đặc trị” chữa bệnh ngáy cho chồng. Nói ra thì “sợ chị em cười” nhưng đã có lúc trong đầu chị manh nha ý nghĩ chấm dứt cuộc hôn nhân này chỉ vì ông chồng hay ngáy.

Lại có cô dâu trẻ, đi nghỉ tuần trăng mật về thì tưởng như “vỡ mật” vì mặt cứ xanh như tàu lá chuối. Bạn bè thấy thế cứ cười rúc rích mà không ai hiểu cho rằng đêm nào cô dâu trẻ cũng chống mắt nghe chồng ngáy, ban ngày ra biển nằm dài trên ghế bố, đắp khăn tắm… ngủ.

Có thể nói không ngoa rằng kẻ phá bĩnh đáng ghét này đang khiến cho nhiều người khổ sở và là mối đe dọa cho hạnh phúc của không ít người. Tuy nhiên, những nạn nhân của tiếng ngáy như chị Lan có thể sẽ bớt bức xúc hơn nếu được biết có khá nhiều người đồng cảnh ngộ với mình.

Ngủ ngáy: “kẻ phá bĩnh đáng ghét”

Ảnh minh họa

Khổ người, hại mình

Ngáy gây khó chịu cho người khác là lẽ đương nhiên, không những thế trong một số trường hợp nó có thể là dấu hiệu đặc trưng của nhiều bệnh lý nguy hiểm như:

Từ ngáy đến ngừng thở lúc ngủ: ngừng thở lúc ngủ (một dạng nặng của chứng tắc nghẽn đường hô hấp). Biểu hiện đầu tiên của bệnh là ngáy kèm theo những cơn ngưng thở kéo dài từ 10-20 giây.

Tiếng ngáy sẽ bắt đầu từ âm thanh nhỏ, to dần, rồi đột ngột ngưng ngáy một vài giây (người bệnh không thở được do đường thở quá hẹp). Tiếp sau đó là một nhịp thở ra dài để lấy lại tình trạng hô hấp bình thường (lúc này não bộ được đánh thức để điều khiển lại hệ hô hấp). Chu kỳ này lặp lại khoảng 20 cơn/giờ. Người bệnh vì thế mà không thể có những giấc ngủ sâu và liền mạch khiến cho họ thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, khó tập trung vào công việc.

Nguy hiểm với người mắc bệnh tim mạch: Ngáy đặc biệt nguy hiểm đối với người mắc bệnh tim mạch. Tình trạng giảm oxy trong máu do ngáy gây ra được xem là một trong những nguyên nhân gây gia tăng đột quỵ và nhồi máu cơ tim ở những người bệnh tim mạch.

“Bạn” của viêm xoang: Một số bệnh lý khác như suyễn, viêm xoang, dị ứng, cảm nhiễm, các u vùng mũi và suy giáp cũng có thể gây ngáy và ngưng thở lúc ngủ tạm thời. Trị dứt điểm những bệnh nói trên nghĩa là bạn đã loại đi phần lớn nguy cơ gây ra hiện tượng ngáy lúc ngủ.

Cho giấc ngủ bình yên

Không thể chịu nổi một cái bễ lò rèn hoạt động không ngừng nghỉ mỗi đêm, các mẹo trị ngáy được các “nạn nhân” đưa ra áp dụng, từ việc cố gắng ngủ sớm hơn đến bóp mũi, lật người, lay, huých, đạp nhẹ lên đối tượng… Và ngay cả khi tất cả những biện pháp kể trên tỏ ra “không ăn thua” không có nghĩa là chịu bó tay.

Sử dụng thuốc xịt: Đối với triệu chứng ngáy nhẹ do phù nề niêm mạc họng mũi, bạn có thể sử dụng các loại thuốc xịt corticoid tại chỗ.

Các dụng cụ chống ngáy: Bạn cũng có thể kêu gọi sự trợ giúp của mặt nạ thở giúp cho các mô mềm không bị sụp vào lòng ống hô hấp giúp thở dễ dàng hơn. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao khoảng 90-95%. Chỉ có điều bạn phải đeo mặt nạ suốt đêm và lệ thuộc vào sự vận hành của máy thở.

Với những người ngáy do ngăn mũi bị lệch, xương mũi dày (khoảng 20% rơi vào trường hợp này) chỉ cần mua băng dán hoặc dụng cụ để nong hốc mũi.

Phát minh mới của bác sĩ Peter Cistulli, Đại học New South Wales (Australia) với dụng cụ nẹp xương hàm gồm hai hàm giả khớp với nhau có thể giữ cho hàm dưới không bị chệch ra khi ngủ, tránh hiện tượng lưỡi gây tắc đường thở. Dụng cụ này làm giảm 65% hiện tượng ngáy, giảm độ ồn tiếng ngáy và tần số xuất hiện các cơn ngừng thở lúc ngủ.

Một sản phẩm khá phổ biến nữa là máy đeo tay chống ngáy. Loại này giúp loại bỏ những cơn ngáy bằng cách tạo ra một xung lực khoảng 5 giây trên bề mặt da làm người thay đổi tư thế ngủ. Bằng cách tạo những sóng massage nhẹ, máy còn làm căng cơ của cuống họng giúp hạn chế tiếng ngáy. Theo nhà cung cấp, máy cho thấy hiệu quả tốt nhất sau 6-8 tuần sử dụng.

Phẫu thuật: Theo khuyến cáo của các bác sĩ, chỉ nên áp dụng cho các trường hợp ngáy do sự bất thường cấu trúc giải phẫu và đã thất bại với các phương pháp nói trên. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngáy, bác sĩ có thể tiến hành các phẫu thuật đơn giản như cắt amidan, nạo V.A, chỉnh hình vách ngăn, phẫu thuật polyp mũi, cuốn mũi…

Phẫu thuật chỉnh hình họng màng hầu tỏ ra khá hiệu quả và được ứng dụng tại nhiều bệnh viện trong nước. Phương pháp này có khá nhiều ưu điểm như: ít đau, làm xơ hóa cơ và tăng độ căng màng hầu, giảm hiện tượng trào ngược thức ăn, nước uống lên mũi. Tuy nhiên, bệnh nhân sau phẫu thuật cần có chế độ chăm sóc đặc biệt. Cụ thể, ngày đầu sau phẫu thuật nên uống sữa lạnh; 2-3 ngày có thể ăn cháo loãng và súp nguội; 4-6 ngày ăn thức ăn mềm, nguội (hủ tiếu, miến…); 7- 9 ngày có thể ăn cơm nhão; trên 10 ngày ăn cơm bình thường. Cần kiêng các thức ăn cứng, nóng, chua cay trong vòng 10 ngày sau phẫu thuật.

Mẹo giảm ngáy

– Nằm nghiêng giúp thở dễ dàng hơn. Nên có thêm một cái gối dài chèn ở lưng để giữ tư thế. Kê cao đầu (khoảng 18cm) khi ngủ để không khí lưu thông qua mũi, đường hô hấp trên và cổ họng dễ dàng hơn.

– Tăng độ ẩm trong phòng: Cuống họng khô có khuynh hướng gây âm rung nhiều hơn. Sử dụng máy điều hoà độ ẩm có thể giúp miệng và họng của bạn đỡ khô khi đi ngủ.

– Hạn chế hút thuốc lá (thuốc lá làm cho vùng hầu họng thường xuyên bị viêm nhiễm, tạo các mô hạt, gây hẹp hầu họng), uống rượu (nhất là 4 giờ trước khi đi ngủ) và các thuốc gây ngủ.

– Tập thể dục thường xuyên và chế độ dinh dưỡng hợp lý để giảm cân: Béo phì là một trong những nguyên nhân gây ngáy. Vì ở tư thế nằm, bụng mỡ sẽ tỳ vào cơ hoành gây trở ngại hô hấp, mỡ của vùng cổ tỳ vào các cơ hầu họng làm vùng này dễ bị hẹp hơn khi ngủ.

– Không ăn no trước khi đi ngủ.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook