– Ngôi thai là gì?
Ngôi thai là phần trình diện của thai nhi trước eo trên khung xương chậu của thai phụ và là phần tiến ra ngoài qua khung xương chậu của thai phụ trong quá trình sinh. Ngôi thai có 2 kiểu là ngôi thai dọc và ngôi thai ngang. Ngôi thai dọc là trục dọc cơ thể thai nhi song song với trục dọc âm hộ thai phụ. Ngôi thai ngang là trục dọc cơ thể thai nhi nằm ngang so với trục dọc âm hộ thai phụ.
Ngôi thai bao gồm các loại sau đây:
– Ngôi đầu
Ngôi đầu là đầu thai nhi hướng xuống dưới âm hộ thai phụ, mông thai nhi hướng về phía ngực thai phụ. Ngôi đầu có 4 kiểu là ngôi chỏm, ngôi thóp trước, ngôi trán, ngôi mặt. Trong quá trình chuyển dạ, ngôi thai đầu là ngôi thuận vì đầu thai nhi ra trước, thân, chân và tay ra sau.
+ Ngôi chỏm
Ngôi chỏm là toàn bộ phần chỏm đầu của thai nhi trình diện trước eo trên khung xương chậu của thai phụ. Nếu bác sĩ sản khoa thăm khám bằng tay qua cửa âm hộ sẽ sờ được thóp sau của thai nhi. Đây là ngôi thai thường gặp nhất và rất thuận lợi khi thai phụ lâm bồn. Hình thức sinh được chọn cho ngôi thai này là sinh thường qua đường âm đạo kết hợp dùng thủ thuật trợ sinh cắt nới tầng sinh môn. Lưu ý khi đỡ đẻ, với thai phụ tránh cắt rạch quá rộng tầng sinh môn, với thai nhi tránh để rơi thai, nhiễm khuẩn thai nhi.
+ Ngôi thóp trước
Ngôi thóp trước là đầu thai nhi hơi ngửa trình diện trước eo trên khung xương chậu của thai phụ. Nếu bác sĩ sản khoa thăm khám bằng tay qua cửa âm hộ sẽ sờ được thóp trước của thai nhi. Với trường hợp ngôi thai này, thai phụ nên chọn phương pháp mổ đẻ. Vì vị trí ngôi thai này là đầu thai nhi ngửa làm cho đường kính đầu thai nhi lớn, gặp khó khăn khi lọt qua khung xương chậu của thai phụ trong lúc sinh, dễ dẫn đến các tai biến sản khoa.
+ Ngôi trán
Ngôi trán là đầu thai nhi ngửa trình diện trước eo trên khung xương chậu của thai phụ. Nếu bác sĩ sản khoa thăm khám bằng tay qua cửa âm hộ sẽ sờ được mũi miệng của thai nhi. Cũng như ngôi thóp trước, thai phụ nên chọn phương pháp đẻ mổ lấy thai vì vị trí ngôi thai trán cũng làm cho đường kính đầu thai nhi lớn, gặp khó khăn khi lọt qua khung xương chậu của thai phụ trong lúc sinh, dễ dẫn đến các tai biến sản khoa.
+ Ngôi mặt
Ngôi mặt là đầu thai nhi ngửa hết cỡ trình diện trước eo trên khung xương chậu của thai phụ. Nếu bác sĩ sản khoa thăm khám bằng tay qua cửa âm hộ sẽ sờ thấy cằm của thai nhi. Có 2 kiểu ngôi mặt là ngôi mặt ngửa và ngôi mặt úp. Ngôi mặt ngửa là mặt thai nhi ngửa lên phía ngực mẹ. Trong trường hợp này, thai phụ nên chọn phương pháp sinh thường qua đường âm đạo kết hợp dùng thủ thuật trợ sinh cắt nới tầng sinh môn. Nếu thai nhi ngôi mặt úp, tức là mặt thai nhi úp xuống phía lưng mẹ thì thai phụ nên chọn phương pháp đẻ mổ lấy thai, vì ở vị trí úp mặt này, nếu đẻ thường dễ xảy ra các tai biến về đường thở của thai nhi.
– Ngôi mông
Ngôi mông là mông thai nhi hướng xuống dưới âm hộ thai phụ, đầu thai nhi nằm ở đáy tử cung và hướng về ngực thai phụ. Trong quá trình chuyển dạ, ngôi mông là ngôi ngược gây khó khăn cho việc sinh vì khi sinh, mông và chân của thai nhi ra trước, đầu ra sau, nếu đầu thai nhi to hoặc đầu ngửa lên trên sẽ khó lọt qua khung chậu, dễ gây ra các tai biến sản khoa. Trường hợp ngôi thai mông sẽ được chỉ định đẻ mổ lấy thai. Ngôi mông gồm có 4 kiểu như sau:
+ Ngôi mông đủ
Ngôi mông đủ là phần mông của thai nhi trình diện trước eo trên khung xương chậu của thai phụ, hai chân của thai nhi gập sát mông.
+ Ngôi mông thiếu
Ngôi mông thiếu là phần mông của thai nhi trình diện trước eo trên khung xương chậu của thai phụ, hai chân áp sát ngực duỗi lên trên cao gần sát đầu.
+ Ngôi mông 1 chân
Ngôi mông 1 chân là phần một chân của thai nhi trình diện trước eo trên khung xương chậu của thai phụ và là phần ra ngoài trước trong lúc sinh.
+ Ngôi mông 2 chân
Ngôi mông 2 chân là phần hai chân của thai nhi trình diện trước eo trên khung xương chậu của thai phụ và là phần ra ngoài trước trong lúc sinh.
– Ngôi thai ngang
Trong trường hợp ngôi thai ngang, thai phụ sẽ được chỉ định đẻ mổ lấy thai. Có rất nhiều kiểu ngôi thai ngang, dựa vào sự phân loại vị trí đầu, lưng, vai, bụng và sườn của thai nhi. Chẳng hạn, đầu bên phải, lưng đằng trước; đầu bên phải, lưng đằng sau; đầu bên phải, lưng xuống dưới; đầu bên phải, lưng lên trên…
Thông thường ngôi thai sẽ định hình ở tuần thai thứ 35 đối với thai phụ sinh con lần đầu và ở tuần thai 36 đến 37 đối với thai phụ sinh con lần thứ hai trở đi. Việc khám thai định kỳ sẽ giúp thai phụ biết được ngôi thai thuận hay không thuận để chọn phương pháp sinh thường qua đường âm đạo hay mổ đẻ lấy thai. Do đó, thai phụ nên khám thai để biết trước ngôi thai, tư vấn bác sỹ sản khoa để lựa chọn phương pháp sinh phù hợp, đảm bảo quá trình chuyển dạ an toàn.
Quỳnh Tống
Nguồn: congioilam.com
Chưa có bình luận.