Thứ Bảy, 09/04/2016 | 19:30
Nắng nóng: Trẻ nhập viện tăng vọtBệnh nhi được tiếp nhận ngay dưới chân cầu thang

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến trẻ nhập viện tăng vọt!

Đừng chủ quan với khí hậu bất thường

BS Phạm Ngọc Thạch – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Nhi đồng 2) cho biết, do thời tiết thay đổi, nắng nóng gay gắt nên trẻ bị bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy tăng vọt. Mỗi ngày có hơn 5.000 trẻ đến khám nên BV lúc nào cũng đông. Sáng 4-4, Khoa Tiêu hóa của BV Nhi đồng 2, số lượng trẻ nằm kín giường tại các phòng điều trị nội trú. Do mỗi trẻ có 1 đến 2 người thăm nuôi nên số lượng người tại các phòng lại đông hơn. Đang trong giờ khám bệnh nên các hành lang cũng chật kín người che cả lối đi. Nhiều trẻ mặt mũi bơ phờ hốc hác không còn nhanh nhẹn như bình thường. Có trẻ do quá mệt nên dù được cha mẹ ẵm trên tay vẫn khóc lè nhè. Chị Hạnh, mẹ bé H.C.D (SN 2012) nhà ở Q.Thủ Đức vừa ru con vừa kể: “Đầu tuần trước cháu bị tiêu chảy lại kém ăn nên mệt mỏi. Mỗi khi cho ăn lại bị ói ra gần hết. Khi thấy cháu sốt cao vợ chồng tôi mới cho cháu nhập viện. BS chẩn đoán cháu bị tiêu chảy cấp nên không cho về mà yêu cầu ở lại điều trị”. Tại Khoa Hô hấp 1 của BV, số lượng trẻ nhập viện cũng tăng gấp đôi so với thời gian trước đây vì thời tiết có nhiều thay đổi. Vừa nghe thấy người lạ hỏi chuyện, bà Xuân, bác của cháu V.H (SN 2011) mách liền: “Thằng nhỏ bị ho cả tuần nay, ba mẹ nó cho uống thuốc ở nhà hoài mà không hết. Vào đây tôi mới thấy trẻ nằm viện đông quá thật là ngán. Nhiều cháu bệnh còn nặng hơn nó, may mà hôm nay cháu đã đỡ nên cuối tuần có thể về được rồi”. Nhiều bà mẹ cũng cho biết, do thấy trẻ bỏ ăn, ho nhiều, mệt mỏi nên đành phải đưa vào BV để điều trị chứ không dám để ở nhà lâu. Hầu hết các giường điều trị nội trú đều kín chỗ. Ngay tầng trệt của khoa dọc hành lang có rất nhiều giường được kê thêm mới đủ chỗ cho trẻ nằm. Nhiều người cảm thấy chật chội lại ra hành lang giăng võng hoặc kéo xe đẩy ra cho trẻ có chỗ chơi. Vì không có chỗ nên ngay dưới chân cầu thang có một bàn khám bệnh “dã chiến” được đặt thêm để tận dụng hết công suất khám bệnh.

BS Nguyễn Hoàng Phong – Quyền Trưởng khoa Hô hấp 1 cho biết hiện nay tại khoa có 200 trẻ đang được điều trị nội trú các căn bệnh như viêm phổi, viêm tiểu phế quản (viêm các đường thở nhỏ), viêm phế quản, viêm thanh quản cấp. Khi thời tiết thay đổi bất thường nắng nóng hay gió lạnh bắt đầu thì số lượng bệnh nhi nhập viện sẽ tăng, nhất là các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Theo BS Phong, trẻ bị hô hấp là do nhiễm siêu vi khi thời tiết và môi trường sống thay đổi đột ngột với triệu chứng ban đầu là ho nhiều, thường xuyên sổ mũi có khi sốt cao. Vì thế khi thấy trẻ có các triệu chứng trên cần đưa đến BV để được BS chuyên khoa khám và tư vấn. BS Phong lưu ý, việc chẩn đoán bệnh trẻ cần dựa thêm lời khai của người thân và phụ huynh vì trẻ chưa biết nói, biểu hiện bệnh trạng không rõ ràng như người lớn nên không giữ lâu ở nhà, nhất là khi đã biết bệnh nặng nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm khác.

Không để trẻ mất sức nhiều

BS Phong cảnh báo thêm, bệnh hô hấp thời gian này chỉ mới có dấu hiệu tăng và có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian sắp tới vì thời tiết thay đổi khó chịu và nắng nóng. Do các cháu có sức đề kháng và miễn dịch kém nên cần tạo môi trường sống thật tốt. Ngoài không gian thoáng đãng, khí hậu trong lành đủ ánh sáng, chỗ ở phải sạch sẽ vệ sinh. Khi đưa trẻ đi ra ngoài đường cần phải có nón mũ, áo quần che chắn nắng gió cẩn thận. Theo bà Xuân, do nền nhà ẩm thấp, chật hẹp làm cho nơi ở thiếu không khí và ánh sáng đã ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa cháu trai của bà. Cũng vì hay cho cháu ăn quà vặt, uống nước đá, ăn kem mà đứa con chị Hạnh vừa bị ho lại vừa bị tiêu chảy cấp. BS Nguyễn Minh Ngọc – Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2 nhắc nhở, cần cho trẻ ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh tay chân nhất là trước bữa ăn, không cho trẻ ăn các loại thức ăn lạ, khó tiêu. Cần đưa trẻ nhập viện nếu có triệu chứng đi cầu liên tục, tiểu ít, ói mửa, sốt cao để tránh trẻ mất quá nhiều sức.

BS Phong cho hay, khi đến BV, trẻ sẽ được các BS chỉ định sát, cho uống thuốc kháng sinh, truyền dịch, thở máy và hỗ trợ các triệu chứng xảy ra nếu có. Ngoài ra cha mẹ cần cho trẻ uống đủ nước, tránh nằm phòng lạnh, không đi ra ngoài nhiều nhất là khi thời tiết bất thường. Về ăn uống, cho bé bú sữa mẹ và ăn các loại thức ăn đủ chất dinh dưỡng dễ tiêu, ít chất xơ. Tốt nhất cho trẻ ăn thêm 1 bữa trong 2 tuần liền sau khi hết bệnh để trẻ phục hồi nhanh và tránh được suy dinh dưỡng.

Bài, ảnh: Quang Phan

Nguồn: Giáo dục Online

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook