Chủ Nhật, 05/06/2016 | 17:00

Sốc nhiệt vốn được coi là “tử thần” của nắng nóng. Trẻ có thể tử vong vì những sai lầm của cha mẹ mà nhiều người không để ý.

Cho trẻ uống ít nước khi chơi ngoài trời nắng

Nhiều cha mẹ vì muốn con hoạt động thể lực tốt để con chơi quá lâu trong điều kiện thời tiết nhiệt độ cao cần thay đổi ngay.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho rằng, không ít trẻ do thời tiết nóng, chơi ở ngoài trời lúc nắng to có thể bị say nóng, say nắng. Trẻ em có sức đề kháng kém, hiếu động, hay chạy nhảy nên nguy cơ mất nước do toát mồ hôi, mất muối là rất lớn.

Chỉ cần ở trong môi trường kín gió hoặc mải chơi ngoài nắng là trẻ có thể bị sốc nhiệt. Nhiều cha mẹ lại không chú ý cho trẻ uống nước đầy đủ càng khiến trẻ dễ dàng bị sốc nhiệt.

Dù trẻ hiếu động đến mấy, bạn cũng không nên cho bé tham gia các hoạt động ngoài trời quá 2 tiếng nếu nhiệt độ trên 36 độ C. Tốt nhất các hoạt động ngoài trời chỉ nên diễn ra trước 10 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều. Còn nếu nhiệt độ trên 38 độ C thì tốt nhất là ở trong nhà.

Cho trẻ chơi quanh bóng râm mát, tránh xa những nơi có ánh sáng phản chiếu mạnh như mặt cát, mặt kính, gương… Hãy cho trẻ uống các loại nước như nước dừa, nước trái cây, nước lọc… không nên cho trẻ uống nước đá, nước ngọt.

Để làn da cháy nắng

Theo BS Đinh Doãn Thạch – Phó phụ trách khoa Điều trị tổng hợp (BV Da liễu Hà Nội cơ sở 2), nhiều cha mẹ cho con đi quá lâu dưới ánh nắng mặt trời trong những ngày nhiệt độ cao không chú ý đến việc che nắng cẩn thận cho con là điều rất nguy hại.

Da trẻ dễ bị cháy nắng. Khi cháy nắng, các tuyến mồ hôi trên da bị tổn thương đồng nghĩa với khả năng làm mát cơ thể bị hỏng và đó cũng là nguyên nhân khiếntrẻ nhỏ dễ bị sốc nhiệt. Bởi vậy, cha mẹ hãy che chắn làn da của trẻ bằng áo quần dài tay, mũ rộng vành, kem chống nắng cho trẻ khi đi ngoài đường.

Nếu phải đi xa cần chọn những chặng dừng chân ở nơi thoáng mát, cởi bớt quần áo và quạt mát, cho trẻ uống nước, nghỉ ngơi rồi mới đi tiếp.

Nắng nóng, trẻ có thể tử vong vì sai lầm sau của cha mẹ

Để trẻ ngồi trong ô tô nhiều giờ ngày nắng nóng dễ khiến trẻ bị sốc nhiệt. (Ảnh minh họa)

Để trẻ ngồi trong ô tô

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng việc cho trẻ ngồi trong ô tô ngày nắng nóng thường xuyên vừa có thể tránh khói bụi lại không oi bức, khó chịu vì có điều hoà.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, ngay cả trong những ngày không có mặt trời hay đậu xe ở chỗ râm mát thì nhiệt độ chênh lệch giữa trong xe và ngoài trời cũng lên đến 7 – 10 độ. Những ngày nắng nóng, ô tô bị phơi ngoài trời nhiệt độ tăng lên rất cao.

Trẻ dễ hấp thụ nhiệt hơn người lớn, khi nhiệt độ tăng lên đột ngột cơ thể trẻ không kịp thoát nhiệt ra ngoài. Không gian lại ngột ngạt gây sốc nhiệt cho người ngồi trong, đặc biệt là trẻ em, người già…

Việc ngủ trong oto cũng rất nguy hại do tắt máy, đóng kín cửa, ô tô thiếu khí có thể dẫn tới bị ngạt, thậm chí tử vong. Tốt nhất không nên ngủ lại trong ô tô, trong trường hợp bất khả kháng nên mở cửa kính khoảng 2-3cm để có khí lưu thông.

Ra vào phòng điều hòa đột ngột

Việc cha mẹ cho con trẻ chạy ra vào phòng điều hòa đột ngộtcũng là một sai lầm hay mắc phải của cha mẹ khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt, tử vong. Ra vào phòng điều hòa đột ngột khiến cơ thể khó thích nghi ngay được với sự thay đổi nhiệt độ, có thể gây choáng.

Nếu trong nhà đang bật điều hòa, cần cho trẻ làm quen dần với nhiệt độ thấp hơn hoặc tắt điều hòa trước khi ra ngoài trời nắng, giữ trẻ ngồi trong phòng vài phút sau khi tắt điều hòa, đặc biệt là những trẻ có sức khỏe yếu, thể trạng kém, huyết áp thấp…

Cũng cần lưu ý khi trẻ vừa chơi đùa xong không nên tắm nước lạnh để hạ nhiệt. Bởi mạch máu đang nở ra vì trời nóng gặp lạnh đột ngột sẽ co lại đột ngột, dòng lưu thông máu bị bóp nghẹt sẽ rất nguy hiểm.

Làm gì khi sốc nhiệt

Nếu trẻ bị sốc nhiệt cần nhanh chóng đưa trẻ vào bóng râm, nới lỏng quần áo để trẻ có nhiều oxi hơn để thở, đồng thời gọi cấp cứu ngay lập tức. Trong lúc đợi cứu hộ đến, cho trẻ uống nước, vẩy nước vào người rồi quạt mạnh để giúp hạ bớt nhiệt độ cơ thể, lấy lại sự tỉnh táo cho trẻ.

Lưu ý khi trẻ bị sốc nhiệt cần bổ sung lượng nước cho trẻ nhưng không nên uống quá nhiều vì như vậy có thể khiến cơ thể mất nước. Tránh cho trẻ ăn đồ dầu mỡ, đồ tanh làm bé khó tiêu hóa, lượng máu dồn lên não bị giảm.

Theo Khám phá

Nguồn: TTOnline

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook