Thứ Sáu, 27/11/2015 | 10:30

Vào thu đông, bệnh viêm khí quản thường gặp, do bị cảm lạnh hoặc hít phải bụi, do hút thuốc lá… Biểu hiện cơn ho nổi lên vào sáng sớm, lúc nửa đêm.

Vào thu đông, bệnh viêm khí quản thường gặp, do bị cảm lạnh hoặc hít phải bụi, do hút thuốc lá… Biểu hiện cơn ho nổi lên vào sáng sớm, lúc nửa đêm. Đông y gọi viêm khí quản là khái thấu, đàm ẩm. Bệnh có hai thể: cấp tính và mạn tính. Ngoài các bài thuốc Đông y theo từng thể bệnh, xin giới thiệu một số món ăn hỗ trợ góp phần làm tăng hiệu quả điều trị.

Cháo rau diếp cá: Diếp cá 30g, gạo lức 50g. Rửa sạch diếp cá, đổ nước vừa đủ, đun sôi cho gạo đã đãi sạch vào nấu thành cháo. Ăn nóng, ngày 2 lần, cứ 10 ngày là một liệu trình.

Cháo thịt ngỗng: Thịt ức ngỗng 100g, nấm mèo 25g, thịt chân giò chín 15g, hành 5g, gừng tươi 5g, rượu 10g, muối tinh 7g, bột ngọt 2g, dầu thơm vani 25g, nước luộc thịt ngỗng 1 lít, tiêu bột 2g, gạo nếp 100g. Cắt nhỏ thịt ức ngỗng như hạt gạo, nấm, thịt chân giò cũng cắt nhỏ như hạt lựu, gạo nếp đãi sạch cho vào nồi đất, cho nước thịt ngỗng vào nấu, đến khi gạo nở thì cho thịt ngỗng và các thứ vào nấu thành cháo đặc mới cho dầu thơm vani, rắc bột tiêu vào là được. Ngày ăn 1 bát, chia 2 – 3 lần ăn.

Cháo trai: Trai khô 25g, thịt gà 50g, rượu 15g, nấm mèo 50g, muối tinh 5g, mỡ lợn 25g, gạo te 100g, gừng, hành, bột tiêu vừa đủ. Các thứ làm sạch, chế biến xong cho gạo vào nồi với trai khô, thịt gà, nước 1,5 lít nấu thành cháo. Cháo chín cho mỡ lợn, muối, gừng, hành, hạt tiêu vào, đun qua, quấy đều là được. Ngày ăn 1 bát chia 2 lần.

Món ăn - bài thuốc dành cho người viêm khí quản

Cháo lê: Quả lê 500g, ý dĩ nhân 100g, đường phèn 100g. Rửa sạch ý dĩ nhân, ngâm nước, vớt ra để ráo. Lê bỏ hạt, cắt thành quân cờ, cho cả ba thứ vào nồi với 1 lít nước nấu thành cháo. Ngày ăn 1 bát chia 2 lần ăn lúc nóng.

Cháo gừng tươi, sơn trà: Lá sơn trà 15g, gừng tươi 15g, gạo lức 100g, dầu vani, muối vừa đủ. Gạo đãi sạch, gừng thái lát, cho cùng lá sơn trà với nước vừa đủ đun thành cháo rồi cho dầu vani, bột ngọt là được. Ngày ăn một bát chia 2 lần.

Cháo vỏ quýt: Vỏ quýt tươi 30g, gạo lức 50 – 100g. Rửa sạch vỏ quýt, đổ nước vừa đủ, nấu lấy nước, bỏ bã rồi cho gạo đã vo sạch, nấu cháo loãng. Ngày ăn một bát chia 2 lần.

Cháo đình lịch tử (hạt đay): Hạt đay 10g, gạo lức 100g. Sao hạt đay đến khi thơm, để nguội, cho nước đun cô đặc, bỏ bã, cho gạo đã vo sạch, thêm nước vừa đủ, nấu cháo. Ngày ăn một bát chia 2 lần.

Cháo hạt mã đề: Hạt mã đề 15g, gạo lức 50g. Dùng vải bọc hạt mã đề, cho vào nồi đất, cho thêm 200ml nước, nấu còn 100ml, bỏ túi thuốc, cho gạo đã đãi sạch, thêm 400ml nước nấu cháo loãng. Ngày ăn 2 lần lúc cháo nóng.

Canh cá diếc, hạnh nhân: Cá diếc 1 con, hạnh nhân 10g, đường đỏ vừa đủ. Làm sạch cá diếc cho vào nồi cùng hạnh nhân và đường. Dùng nồi đất, nước vừa đủ đun chín nhừ là được. Ăn cá, uống canh.

Canh bách hợp: Bách hợp 100g, đường trắng 50g. Rửa sạch bách hợp cho vào nồi cùng đường trắng, nước vừa đủ, đun khoảng 1 giờ thấy chín nhừ là được. Ăn trong ngày. Tác dụng: bổ âm, dưỡng phế, bổ tâm, trừ phiền.

Canh cải nấu đậu phụ, táo tàu: Cải trắng khô 100g, đậu phụ 50g, táo tàu 10 quả, dầu thực vật, muối tinh vừa đủ. Các thứ chế biến rửa sạch cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, ninh chín, cho dầu, muối vào là được. Ăn kèm trong bữa ăn.

Canh phổi lợn nấu lá chanh: Lá chanh 15g, phổi lợn 150 – 200g. Rửa sạch, cho hai thứ vào nồi, đổ nước vừa đủ đun chín thì cho gia vị là được. Ăn phổi, uống canh.

Canh hải sâm, ngân nhĩ: Ngân nhĩ 10g, hải sâm ngâm nở 150g, nước 1lít, rượu trắng, muối, bột ngọt vừa đủ. Cho ngân nhĩ cùng hải sâm vào nồi, cho nước đun sôi một lúc rồi vớt ra để ráo nước. Dùng một nồi khác đổ 250ml nước và rượu, muối, bột ngọt cùng ngân nhĩ, hải sâm vào, đun sôi thì đun nhỏ lửa khoảng 1 giờ, múc ra vài bát nhỏ. Lại đổ 750ml nước vào nồi khác, cho rượu, bột ngọt, đun sôi, hớt bọt rồi múc vào bát đựng ngân nhĩ, hải sâm. Ăn trong ngày.

Chè bách hợp, mã thầy: Bách hợp 15g, mã thầy 10g, tuyết lê 1 quả, đường phèn vừa đủ. Mã thầy bóc vỏ giã nát; lê gọt vỏ, bỏ lõi, thái nhỏ. Tất cả 4 thứ cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun to lửa tới sôi, chuyển đun nhỏ lửa tới khi đặc sánh là được. Uống trong ngày tùy ý.

Nước táo, cam thảo: Táo tàu 8 quả, cam thảo tươi 6g. Hai thứ rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước 800ml, đun nhỏ lửa còn 400ml, vớt bỏ bã. Uống hằng ngày.

Lương y Minh Chánh

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook