Thứ Năm, 05/05/2016 | 15:39

Chỉ số tia cực tím (UV) từ 8-10 sẽ gây tổn thương đến vùng mắt và da trên cơ thể, thậm chí tăng nguy cơ ung thư.

TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đang hứng chịu đợt nắng, nóng gay gắt. Đặc biệt, nắng gắt làm cho chỉ số bức xạ tia cực tím UV đo được ở các khu vực này đạt mức 8-10 vượt ngưỡng an toàn.

PGS Trần Hồng Côn – Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay tia cực tím giúp tổng hợp vitamin D trong cơ thể. Ở liều lượng vừa phải tia cực tím còn kích thích mọi quá trình hoạt động chính của cơ thể.

Tuy nhiên, khi tầng ozon bị tác động, lượng tia cực tím chiếu xuống càng mạnh, chúng có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực tới con người.

Mối nguy hiểm khi chỉ số tia cực tím vượt ngưỡng an toàn

Nắng nóng tiếp tục duy trì ở nền nhiệt 38 độ C tại TP HCM khiến nhiều người dân ra đường khốn khổ. Ảnh: Hải An.

Theo PGS Côn, cường độ tia cực tím phụ thuộc mây, mùa, thời tiết… Chẳng hạn, trời nắng nhưng nhiều mây, lượng tia cực tím sẽ yếu hơn và ngược lại. Thông thường, 10-14 giờ hàng ngày là khoảng thời gian có chỉ số tia cực tím cao nhất.

Các bộ phận chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tia UV

Đại tá Phạm Văn Tiến, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 103, cho hay tia cực tím có thể gây tai biến về mắt khi không đeo kính bảo hộ. Các tế bào bao bọc mắt có thể bị phá hủy do tia nắng, nhất là khi phản chiếu dội lên từ mặt xi măng, cát hay nước.

Sau khi bị tia cực tím chiếu, từ 6-15 giờ, bệnh nhân có những rối loạn thị giác như giảm thị lực, nhìn thấy quầng bao quanh các nguồn sáng. Sau đó, người bệnh sẽ cảm thấy như có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt, rất sợ ánh sáng. Thông thường, nếu tiến triển tốt, sau 8 giờ, những triệu chứng này sẽ tự khỏi.

Trường hợp cơ thể tiếp xúc với ánh nắng nhiều lần trong thời gian dài, tia cực tím còn có khả năng gây các chứng bệnh về mắt trầm trọng hơn, như suy hoại võng mạc, cườm mắt, lòa thậm chí mù mắt.

TS.BS Đỗ Quang Ngọc, Bệnh viện Mắt Trung ương, cũng khuyến cáo: “Trong các bộ phận, mắt là nơi tiếp xúc trực tiếp và đầu tiên với môi trường. Để bảo vệ mắt, nhất là khi đi ra ngoài trời nắng nóng, người dân cần đeo kính bảo hộ, không để mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng”.

Tia UV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư da

PGS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay tia cực tím trong ánh sáng mặt trời có thể phá hủy các tế bào da. Sự phá hủy này có thể dẫn đến bệnh dày sừng ánh nắng và tiến triển thành ung thư tế bào gai.

Mối nguy hiểm khi chỉ số tia cực tím vượt ngưỡng an toàn

Chỉ số tia cực tím đo được tại TP HCM trong khoảng từ 10-14h lên mức 8-10, vượt ngưỡng an toàn. Ảnh: Phượng Nguyễn

Ngoài ra, các biểu hiện khác do tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời chứa tia cực tím phổ biến như bỏng nắng, đỏ da, tăng sắc tố, nếp nhăn, khô da hoặc nặng hơn là ung thư da.

Khoảng hơn 90% các dấu hiệu ung thư da xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng như đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay và cẳng chân ở phụ nữ.

Cách phòng tránh

Theo các bác sĩ, việc bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời nói chung, tia cực tím nói riêng nên phòng ngừa bắt đầu từ tuổi nhỏ và mọi lúc, mọi nơi. Các biện pháp bao gồm:

– Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, đặc biệt vào thời điểm mà nhiều ánh nắng nhất trong ngày (từ 10-16h)

– Mặc quần áo dài tay, váy dài che kín cơ thể, chọn chất liệu vải dệt khít nhau, màu sáng để tránh bắt nắng.

– Đội mũ rộng vành để che mặt và cổ.

– Sử dụng chất chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 15 trở lên. Bôi chất chống nắng ít nhất 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau 2 giờ, cả khi trời có mây.

– Luôn đeo kính khi ra đường.

– Trẻ em chỉ nên tắm nắng trong khoảng thời gian trước 8h và sau 17h. Hạn chế cho trẻ ra ngoài. Khi buộc phải ra ngoài, cần che chắn, bảo hộ, thoa kem chống nắng như người lớn.

Theo Zing

Nguồn: TTOnline

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook