Sốt, vàng da, phát ban, nôn mửa hoặc tiêu chảy, khóc không ngừng là những triệu chứng không thể bỏ qua ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
Dưới đây là những triệu chứng không thể bỏ qua ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
1. Sốt
Trẻ nhỏ không nên bị sốt trong 3 tháng đầu. Nếu bé bị sốt trên 39oC, bạn nên đưa trẻ đi khám ngay. Không chỉ vì bản thân sốt đã là nguy hiểm mà còn vì ở trẻ sơ sinh, sốt có thể là dấu hiệu duy nhất báo hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn nghiêm trọng.
Khi trẻ qua 3 tháng tuổi, bạn có thể theo dõi một ngày trước khi đưa trẻ đi khám.
Nếu trẻ bị sốt kéo dài 24 giờ và không kèm theo các triệu chứng cảm lạnh thì cần được đánh giá. Theo dõi biểu hiện của trẻ để quyết định có đưa trẻ đi khám hay không.
Mức nhiệt khi sốt không phải là yếu tố quyết định, mà biểu hiện của trẻ mới quan trọng, cách trẻ phản ứng với bạn, cách trẻ nhìn bạn, mọi cử động hoạt động của chúng. Những đứa trẻ bình thường hiếu động, nay chỉ nằm trên giường rên rỉ, đó là sự thay đổi lớn về hành vi.
Sốt là một triệu chứng không thể bỏ qua ở trẻ sơ sinh
2. Vàng da
Trẻ sơ sinh thường bị vàng da, có thể biểu hiện là vàng da, vàng mắt. Tình trạng này xuất hiện khi gan của trẻ không hoạt động tốt, vì vậy không thể phân hủy bilirubin trong máu.
Trong phần lớn các trường hợp, vàng da là nhẹ và có thể tự biến mất. Các bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe cho trẻ trước khi bạn mang trẻ về nhà từ bệnh viện và vài ngày sau lần kiểm tra đầu tiên. Ngoài ra, nếu bạn nhận thấy da trẻ có màu vàng, hãy đưa trẻ đi khám.
Trong một số trường hợp, ăn bổ sung giúp giảm vàng da. Trẻ cũng có thể cần tiếp xúc với ánh sáng đặc biệt để loại bỏ bilirubin trong máu.
3. Phát ban
Hầu hết các vết phát ban sẽ nhạt màu đi khi bạn ấn ngón tay lên chúng. Nếu trẻ có những đốm đỏ nhỏ trên ngực, lưng, cánh tay, cẳng chân mà không nhạt màu đi khi bạn ấn vào, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay. Phát ban dạng này có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng như viêm màng não hoặc bệnh về mạch máu.
Ban đỏ không mờ xuất hiện trên mặt hoặc cổ của trẻ ít gây lo lắng nếu trẻ bị ho hoặc sốt nhưng dù sao bạn cũng nên đưa trẻ đi khám.
4. Nôn mửa hoặc tiêu chảy
Nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ bị nôn hoặc tiêu chảy, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm. Một dấu hiệu đáng báo động là trẻ không tiểu tiện vì như vậy là bé có thể bị mất nước.
Trẻ lớn tuổi có thể chịu được tình trạng tiêu chảy trong 1 ngày hoặc nhiều hơn nhưng trẻ sơ sinh có thể bị mất nước trong 12 giờ bị tiêu chảy nặng. Đưa trẻ đi khám ngay khi thấy nôn hoặc tiêu chảy có dấu hiệu lạ (có máu hoặc dịch mật khi nôn hoặc có máu hay chất nhầy trong phân).
5. Các vấn đề hơi thở
Trẻ gặp vấn đề về hơi thở thường hít, thở rất nhanh và rút lõm lồng ngực. Nếu bạn thấy trẻ bị rút lõm lồng ngực trong từng hơi thở, bạn cần đưa trẻ đi khám.
Nếu con bạn không thể ngừng ho, trẻ cũng cần đi khám vì đây là dấu hiệu trẻ bị bệnh hen hoặc hít phải vật lạ.
6. Đau đầu
Trẻ sơ sinh không thể cho bạn biết trẻ bị đau đầu nhưng trẻ nhỏ thì có thể.
Trẻ nhỏ có thể ôm đầu liên tục hoặc sử dụng những từ ngữ mô tả cơn đau. Đau đầu là tình trạng hiếm gặp ở trẻ nhỏ vì vậy chắc chắn cần phải tìm nguyên nhân. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng đau nửa đầu có thể liên quan đến đau bụng, nhưng có thể là do nguyên nhân khác như viêm xoang.
7. Khóc không ngừng
Nếu trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh khóc cả ngày và bạn không thể dỗ nín, hãy quan sát tìm hiểu những nguyên nhân bên ngoài như có sợi tóc quấn quanh ngón chân hoặc do rối loạn bên trong như có vấn đề về dạ dày.
(Theo Sức khỏe và đời sống)
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.