Thứ Tư, 23/12/2015 | 09:49

Khát nước có thể là do bạn uống ít nước hoặc vận động nhiều. Tuy nhiên, nó cũng cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tiểu đường, thiếu máu, huyết áp thấp…

Theo Prevention, khát nước có thể là do bạn uống quá ít nước, ăn nhiều đồ mặn, hoạt động thể chất nhiều… Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên mắc chứng khát nước dù đã bổ sung lượng nước khá nhiều, đó có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

1. Tiểu đường

Tiến sĩ Heather Rosen, giám đốc y tế của UPMC Urgent Care Bắc Hungtingdon ở Pennsylvania cho biết khi lượng đường trong máu quá cao, cơ thể sẽ gây áp lực đến thận, dẫn tới sản xuất nước tiểu nhiều hơn để giảm lượng glucose dư thừa.

“Đi tiểu thường xuyên, một triệu chứng phổ biến, sẽ dẫn đến cơn khát. Điều này khiến bạn uống nhiều nước, càng làm trầm trọng thêm vấn đề”, tiến sĩ Heather nói thêm.

Nếu bạn cảm thấy khát nước, đi tiểu nhiều, đồng thời bị sút cân, mệt mỏi, hay cáu gắt không lý do, bạn nên đi xét nghiệm đường huyết để khẳng định mình có bị tiểu đường hay không.

2. Đái tháo nhạt

Dù bệnh đái tháo nhạt không liên quan đến bệnh tiểu đường, bệnh này có những dấu hiệu và triệu chứng tương tự như mất nước và bàng quang phải hoạt động liên tục. Đặc trưng của đái tháo nhạt là mất sự cân bằng hormone ảnh hưởng đến sự hấp thụ nước. Vì bạn thường xuyên mất nước qua đường nước tiểu, cơn khát thường xuyên xuất hiện.

Do có một số loại đái tháo nhạt và nguyên nhân gây ra bởi các điều kiện khác nhau, bác sĩ cần thực hiện một loạt các xét nghiệm mới có thể xác định được phương pháp điều trị hợp lý cho bạn.

Luôn khát nước cảnh báo bệnh gì?

Luôn cảm thấy khát nước có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ảnh: MNN.

3. Thời kỳ “đèn đỏ”

Khi đến tháng, phụ nữ thường cảm thấy khát nước hơn. Đừng lo lắng, điều này hoàn toàn bình thường.

Tiến sĩ Heather cho biết nồng độ estrogen và progesterone có thể ảnh hưởng đến chất lượng chất lỏng. Thêm vào đó, sự mất máu trong chu kỳ nặng hơn mức bình thường, bạn sẽ cảm thấy khát hơn rất nhiều. Nói cách khác, khi bạn đang ở chu kỳ hàng tháng, hãy giữ một chai nước ở bên cạnh để đảm bảo không bị mất nước.

4. Khô miệng

Khô miệng còn được gọi là triệu chứng xeorstomia, thường bị nhầm lẫn với khát nước quá mức. Đây là tình trạng khô bất thường của màng nhầy trong miệng, do sự suy giảm của tuyến nước bọt.

Nếu tuyến nước bọt không tiết đủ, có thể dẫn đến các triệu chứng khác như hơi thở hôi, khó nhai… Khô miệng có thể là do tác dụng phụ của một số loại thuốc theo toa, thuốc dị ứng, thuốc chóng mặt.

5. Thiếu máu

Triệu chứng đột ngột mất máu như kinh nguyệt nặng hoặc chảy máu là nguyên nhân thường gặp dẫn đến thiếu máu. Cơ thể bị mất nhiều tế bào hồng cầu nhanh hơn thời gian chúng được tái tạo, nên sẽ bù đắp cho sự mất mát chất lỏng bằng cách kích hoạt cơn khát.

Một nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt nặng là suy giáp. 70% phụ nữ bị suy giáp thường xuyên luôn có cảm giác khát nước. Một xét nghiệm máu và vật lý sẽ xác định xem bạn có thiếu máu hay không để có các phương án điều trị phù hợp.

6. Huyết áp thấp

Căng thẳng mãn tính ảnh hưởng đến chức năng của tuyến thượng thận, gây ra huyết áp thấp. Điều này có thể gây chóng mặt, trầm cảm, lo âu và cảm giác khát cực độ. Cảm giác khát nước là cách cơ thể bổ sung nước vào máu trong nỗ lực làm tăng huyết áp.

7. Chế độ ăn

Bác sĩ Jessica Cording, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Phẫu thuật Đặc biệt ở New York cho biết một số loại thực phẩm có tác dụng lợi tiểu như cần tây, măng tây, củ cải đường, chanh, dưa hấu, gừng, rau mùi tây… có thể làm cho bạn khát vì chúng làm bạn đi tiểu nhiều hơn.

Mặc dù những thực phẩm này có lợi cho sức khỏe, bạn cần xem xét tác dụng phụ mà chúng gây nên để cân bằng chế độ dinh dưỡng và kết hợp với nhiều thực phẩm khác.

Phương Mai
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook