Thứ Sáu, 20/11/2015 | 00:32

Nếu như trước đây kỹ thuật trao đổi ôxy ngoài cơ thể (ECMO) thường được áp dụng cho việc hỗ trợ chức năng tim, phổi khi có suy tim nặng…

Nếu như trước đây kỹ thuật trao đổi ôxy ngoài cơ thể (ECMO) thường được áp dụng cho việc hỗ trợ chức năng tim, phổi khi có suy tim nặng, sốc tim hay các suy hô hấp cấp tiến triển nặng – ARDS (như viêm phổi do cúm H5N1, H1N1, H7N9…) mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy cũng như hồi sức nâng cao, thì nay các bác sĩ Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện (BV) Việt Đức lần đầu tiên đã thành công trong việc sử dụng ECMO cứu sống ca bệnh hy hữu sau sốc đa chấn thương nặng: chấn thương dập ngực nặng, hở phổi, thành ngực toác rộng, gãy cột sống, gãy xương cánh tay, gãy xương đùi do tai nạn lao động.

Tổn thương ngực trầm trọng

Ngày 5/9/2015, trong lúc đang làm việc trên công trường của một công ty cảng Quảng Ninh, anh Nguyễn Văn Khánh (32 tuổi) không may gặp tai nạn lao động, bị dầm thép lớn rơi trúng người khiến anh ngất xỉu tại chỗ. Anh Khánh đã được đưa ngay đi cấp cứu tại BVĐK Bãi Cháy, Quảng Ninh. Tại đây, các bác sĩ nhận thấy tình trạng bệnh nhân quá nặng, dọa tử vong do đa chấn thương gồm: chấn thương ngực, hở phổi, chấn thương gãy xương đùi, gãy xương cánh tay, gãy cột sống. Trong đó nặng nề nhất là chấn thương ngực vì gãy rất nhiều xương sườn, lộ xương sườn, hở thành ngực, dập phổi, bệnh nhân suy hô hấp nặng, chảy máu rất nhiều, khó cầm cự. Rất nhanh chóng, các bác sĩ BVĐK Bãi Cháy đã tiến hành sơ cứu ban đầu và nhờ sự hỗ trợ từ các bác sĩ đầu ngành về ngoại khoa của BV Việt Đức.

Lần đầu tiên áp dụng kỹ thuật trao đổi oxy ngoài cơ thể cứu sống bệnh nhân rách thành ngực, hở phổi, cận kề cửa tử

PGS.TS .Trịnh Văn Đồng thăm khám cho bệnh nhân. 

PGS.TS. Trịnh Văn Đồng, Phó Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, BV Việt Đức cho biết: “Sau khi thảo luận với PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch – Lồng ngực của BV, chúng tôi nhận thấy trường hợp này quá nguy kịch không thể di chuyển xa được, nếu chuyển đi bệnh nhân có nguy cơ cao sẽ tử vong dọc đường. Do đó, chúng tôi đã hướng dẫn qua điện thoại cho các đồng nghiệp sơ cứu chấn thương bằng cách nhét gạc vào thành ngực bệnh nhân để cầm máu tạm thời chỗ chảy nhiều máu; đồng thời, bất động các xương gãy, hồi sức và hô hấp nhân tạo, tiến hành thở máy cho bệnh nhân”.

Ba ngày sau, bệnh nhân Khánh được chuyển lên BV Việt Đức vẫn trong tình trạng nguy kịch, mặc dù có thở máy nhưng bệnh nhân vẫn suy hô hấp nặng, thiếu ôxy máu, hôn mê, thành ngực mất da, mất cơ trên diện rộng và vẫn đang chảy máu. Các bác sĩ tiến hành lấy gạc đã được chèn ở BVĐK Bãi Cháy, tiếp tục cầm máu, dẫn lưu màng phổi, lấy bỏ xương gãy và hồi sức tích cực. Tuy nhiên, lúc này tình trạng ôxy máu của bệnh nhân rất thấp, bệnh nhân bị phù nhiều, do đó, các bác sĩ đã tiến hành chạy siêu lọc máu cho bệnh nhân. Đến ngày điều trị thứ hai, tình trạng bệnh nhân vẫn không đỡ, ôxy máu xuống thấp tới mức nguy hiểm, “thập tử nhất sinh”. Khó khăn chồng chất khó khăn, trong giờ phút sinh tử cấp bách ấy, các bác sĩ đã quyết định sử dụng phương pháp mới là phổi nhân tạo tại giường (ECMO) với hy vọng “còn nước còn tát”. Đáng mừng, trong 5 ngày chạy ECMO tình trạng hô hấp của bệnh nhân có cải thiện dần lên và đến ngày thứ 6, bệnh nhân đã được ngừng chạy ECMO.

Hút xốp phủ áp lực âm, nhanh chóng hồi phục vết thương

Với mọi nỗ lực nhằm cứu sống người bệnh, đội ngũ y bác sĩ hàng ngày rất vất vả túc trực 24/24h, theo dõi sát sao người bệnh. Bệnh nhân tiếp tục được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, tuy nhiên một vấn đề nan giải đặt ra là vết thương thành ngực của bệnh nhân quá rộng, bộc lộ rõ cả nhu mô phổi. Giải pháp tối ưu được đưa ra là tiến hành ghép cơ và da để che phủ lồng ngực cho kín lại thì BN mới có cơ hội bỏ được thở máy.

“Tuy nhiên, để làm được phẫu thuật này thì vết thương cần phải sạch. Chính vì lý do này chúng tôi đã áp dụng phương pháp hút xốp chân không ngay trên nhu mô phổi. Đây là liệu pháp sử dụng một máy hút chân không nối với một miếng xốp, miếng xốp này dính chặt với một tấm gạc rất mỏng, tấm gạc này bao phủ toàn bộ vết thương. Khi bật máy, tạo ra một áp lực âm tính bên trong vết thương, đồng thời cung cấp độ ẩm cần thiết. Liệu pháp trên đã tạo ra một môi trường kín, vô khuẩn, ẩm vừa phải, áp lực âm làm tăng cường vi tuần hoàn tại chỗ, kích thích tái tạo mô hạt, giảm sưng nề mô. Chính những điều này làm vết thương nhanh liền hơn, giúp bệnh nhân tránh được việc thay băng nhiều lần và gây đau đớn…” – PGS.TS. Trịnh Văn Đồng cho biết.

Ghép cơ và da trên vết thương lồng ngực hở

Hơn một tháng sau, khi tình trạng bệnh nhân đã dần đi vào ổn định, bệnh nhân được tiến hành ghép cơ và ghép da phục hồi vết thương bị hở. Theo PGS.TS. Trịnh Văn Đồng, các cơ và da này được lấy ở lưng đưa lên thành ngực trước – nơi vết thương hở lộ nhu mô phổi. Các vết ghép trên những vùng vết thương hở vừa tạo thẩm mỹ và quan trọng nhất là giúp phục hồi vết thương, giảm nguy cơ tàn phế. Nếu không được phục hồi da kịp thời, phần cơ bị hở do không được da bảo vệ phần vết thương này dễ dàng nhiễm khuẩn sâu, hoại tử lan rộng, nguy hiểm cho người bệnh.

Sau gần 3 tháng điều trị, bệnh nhân có nhiều tiến triển, đã bỏ được máy thở, bệnh nhân có thể tự thở. Tuy nhiên, PGS.TS. Trịnh Văn Đồng cũng cho biết thêm, hiện bệnh nhân vẫn còn gãy xương cánh tay, gãy xương đùi, gãy cột sống, liệt hai chi dưới hoàn toàn. Dự kiến giai đoạn về sau, bệnh nhân sẽ được điều trị tiếp bằng các phương pháp ngoại khoa nếu cần. 

Mới sinh con được hơn 1 tháng, vợ bệnh nhân Khánh đã phải ngược xuôi chăm chồng đang điều trị tại BV Việt Đức. Bất đắc dĩ, chị cũng đành mang con lên Hà Nội thuê nhà trọ để tiện cho việc chăm sóc chồng bệnh nặng. Trò chuyện với chúng tôi, nước mắt chị rơm rớm: “Lúc đầu gia đình tôi cũng không nghĩ là anh ấy có thể sống được. Thôi thì còn nước còn tát, trăm sự nhờ tất cả các bác sĩ, đến nay qua gần ba tháng điều trị, anh ấy đã có thể nói được và nhận biết mọi người xung quanh, đó là điều trước đây gia đình tôi không dám nghĩ đến…”.

Bài, ảnh: Dương Hải

Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook