Tết Trung thu đã gần kề nhưng thị trường bánh Trung thu khá yên ắng. Người bán lo lỗ nặng vì tiền thuê mặt bằng cao, trong khi đó người tiêu dùng lại lo về an toàn thực phẩm.
Khách mua bánh Trung thu tại một cửa hàng ở Q.3, TP.HCM.Ảnh: T.AnhÔng Nguyễn Lưu Thanh (chủ tiệm bánh Huê Phong, Q.11, TP.HCM) thừa nhận, thời điểm này năm ngoái nhiều điểm bán bánh hoạt động rầm rộ nhưng năm nay số điểm giảm đi nhiều, đơn đặt hàng làm quà tặng cũng thưa thớt.
Dòng sản phẩm bình dân lên ngôi
Các kênh bán hàng trực tuyến bánh Trung thu chuyên dòng sản phẩm thượng hạng để làm quà tặng đối tác cũng khá tẻ nhạt so với mọi năm. Nếu như ở các cửa hàng bánh Trung thu thuê mặt bằng vỉa hè chuyên bán dòng sản phẩm bình dân thì tại các cửa hàng, đại lý lớn của các công ty bày bán các dòng sản phẩm cao cấp có giá từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng/ hộp 4 cái hoặc từ 300.000 đồng/ cái.
Thương hiệu bánh Trung thu nổi tiếng như Kinh Đô, Bibica, Như Lan… ngoài chủng loại bánh truyền thống giá bình dân, mùa Trung thu 2016 cũng đã đưa ra thị trường những sản phẩm mới, cao cấp để đáp ứng nhu cầu thị hiếu. Nguyên liệu làm bánh Trung thu cho các dòng sản phẩm cũng rất đa dạng từ đậu xanh, hạt sen, trứng đến vi cá hải sản. Đối tượng khách hàng là người bệnh tiểu đường, ăn kiêng… cũng được nhà sản xuất đặc biệt quan tâm, cho ra những dòng bánh dinh dưỡng phù hợp với sức khỏe như bánh nhân hạnh nhân, đậu xanh, hạt dẻ, hạt sen, mè đen hạt dưa, trà xanh, hạt Hawai. Cao cấp hơn có các dòng sản phẩm như: gà quay sốt XO, Mã đáo thành công, Long lân quy phụng, Đại bổ thập toàn, Long ngư du ngoạn…
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện thương hiệu bánh Huê Ký (Q.8) cho biết, gần đây nhiều thương hiệu lớn có xu hướng đặt bánh theo yêu cầu, sau đó mang về đóng gói. Về nguyên liệu được phía đặt hàng kiểm soát nghiêm ngặt nên người tiêu dùng cũng yên tâm.
Dòng bánh bình dân phong phú về chủng loại, nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của khách hàng bán chạy nhất. “Không chỉ chú trọng phát triển đến hình thức, thành phần trong nguyên liệu cũng được nhà sản xuất đặc biệt quan tâm bởi nó là điểm nhấn tạo nên hương vị khác biệt, thu hút người tiêu dùng”, chị Trang nói.
Cùng với những thương hiệu nổi tiếng kể trên, ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, những sản phẩm bánh Trung thu trôi nổi, không nhãn mác cũng xuống đường, len lỏi vào trong các chợ. Chị Hoàng Anh, chủ cửa hàng bán bánh Trung thu trên đường Nguyễn Trãi, Q.5 cho biết: “Muốn mua bánh giá rẻ thì đến chợ An Đông, Bình Tây, giá rẻ hơn bình thường từ 5-10 lần, thậm chí chỉ 10.000-15.000 đồng/ cái”. Tại một điểm bán bánh Trung thu trên đường Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh, mặc dù bên ngoài treo tấm biển bán bánh Trung thu của những nhà sản xuất nổi tiếng nhưng khi hỏi mua bánh giá rẻ, cô nhân viên hỏi tới: “Anh muốn rẻ cỡ nào cũng có, 20.000 đồng/ cái là thấp nhất”.
Lo thực phẩm bẩn vào nhân bánh
Ngoài những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc thì tại các chợ nói trên cũng có bán đủ loại bao bì đóng gói khá bắt mắt với giá rẻ bèo. Đây là cơ hội để các cơ sở làm bánh Trung thu mô hình gia đình nhỏ lẻ xâm nhập vào thị trường một cách dễ dàng. Theo quy định, các cơ sở sản xuất bánh kẹo nói chung cũng như bánh Trung thu nói riêng phải đăng ký tên cơ sở, bao bì sản phẩm, thành phần nguyên liệu… nhưng vì lợi nhuận trước mắt mà các cơ sở sản xuất đã cố tình bỏ qua những điều kiện trên.
Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, TP có trên 200 cơ sở sản xuất bánh Trung thu, tập trung chủ yếu ở các địa bàn Q.5, 6, 10, và 11. Ngoài những cơ sở có đăng ký kinh doanh, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất bánh không địa chỉ, hoạt động chui đến hẹn lại lên.
Hầu như năm nào cũng vậy, sắp đến mùa Trung thu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP đều phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở sản xuất bánh nhỏ lẻ. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết, ngoài hai đoàn kiểm tra liên ngành của TP, các quận, huyện cũng đã phối hợp tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra bất ngờ tại các cơ sở. Không chỉ kiểm tra về nguồn nguyên liệu mà còn cả bao bì, nhãn mác…
Kết quả là kiểm tra đến đâu, vi phạm đến đó. Vi phạm nhiều nhất là không đăng ký địa chỉ sản xuất, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bác sĩ Nguyễn Lân Đính, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm của nhà sản xuất có uy tín. Quá trình sản xuất, dụng cụ đóng gói bánh không được sát trùng sẽ là nguyên nhân gây bệnh sau khi ăn. Môi trường sản xuất, đóng gói càng bẩn có nghĩa là sản phẩm càng nhiều vi khuẩn. Với những sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, người ăn sẽ mắc các chứng tiêu chảy, ói mửa hay nhiễm trứng ký sinh trùng như giun sán sau thời gian phát triển trong cơ thể, có thể tác hại ở nhiều cơ quan khác như cơ bắp, não, gan…
Trần Anh
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.