Thứ Hai, 08/08/2016 | 14:01

Trong y văn của Việt Nam, lá đu đủ được nhắc đến như một vị thuốc chữa khỏi nhiều bệnh nhưng công dụng chữa khỏi ung thư có thể đã bị tam sao thất bản do truyền miệng.

Lá đu đủ có thực sự chữa khỏi ung thư?

Thời gian gần đây, bài thuốc chữa bệnh ung thư bằng cách sắc lá đu đủ uống được nhiều người truyền tai nhau. Dù chưa có cơ sở khoa học chứng minhcông dụng của lá đu đủ tới đâu, “thần thánh” tới mức nào nhưng người mắc bệnh ung thư vẫn đua nhau áp dụng bài thuốc này.

Phóng viên Emđẹp đã tìm gặp những chuyên gia đầu ngành về y dược để tìm ra sự thật về bài thuốc chữa ung thư từ lá đu đủ.

PGS.TS Phạm Thúc Hạnh, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho hay: “Trong y văn của Việt Nam lá đu đủ có được nhắc tới nhiều nhưng công dụng chữa ung thư có thể đã bị tam sao thất bản. Thêm một ý nữa là ung thư theo các thầy lang chỉ là cái gì mưng mủ gọi là ung (ung là thối), thư là di chuyển, nghĩa là khối mưng mủ phát triển. Từ khi Pháp sang Việt Nam mới có từ cancer để chỉ ung thư. Theo đó, cách sử dụngtừ ung thư của các cụ lang xưa và khoa học ngày naycó ý nghĩakhông giống nhau”.

PGS.TS Phạm Thúc Hạnh cho hay rất khó có thể nói lá đu đủ chữa khỏi được ung thư vì trên thực tế chưa có kết quả cụ thể nghiên cứu nào trên cơ thể người. Ngay tại Học viện Y Dược học Cổ Truyền Việt Nam cũng chưa có công trình nào nghiên cứu về lá đu đủ có khả năng chữa trị ung thư.

Lá đu đủ có thực sự chữa khỏi ung thư?

Khó có thể khẳng định lá đu đủchữa khỏi được bệnh ung thư, ảnh minh họa.

Đã có công trình nghiên cứu chỉ ra rằng lá đu đủ có chứa chất papain có khả năng thủy phân chất đạm, trung hòa các độc tố, tăng cường hệ miễn dịch, chống lại sự phát triển của khối u.

“Với dược tính đó, lá đu đủ cần phải được nghiên cứu thêm. Tuy nhiên quá trình nghiên cứu sẽ tốn rất nhiều tiền bạc và công sức. Nghiên cứu phải chỉ ra được lá đu đủ có tác dụng đánh vào tế bào ung thư nào và có tác dụng bằng đường ăn, đường uống hay chế xuất. Bên cạnh đó là công dụng trên thực nghiệm và trên bệnh nhân như thế nào, nếu có khả năng phòng và hỗ trợ ung thư thì tỷ lệ ra sao…”,PGS.TS Phạm Thúc Hạnh nói.

Còn theo Lương y Bùi Hồng Minh, Nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Ba Đình Việt Nam, trong y học cổ truyền lá đu đủ được được nhắc tới với công dụngtiêu mụn nhọt. Lá nấu lên, lấy nước có thểrửa vết loét, vết thương, sát trùng. Có thể vì tính tiêu mụn nhọt đó mà dân gian ta đồn thổi để rồi đổ xô đi tìm lá đu đủ để chữa bệnh ung thư.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Văn Tú, Khoa Nội – Bệnh viện K Trung ương cho biết: “Ung thư là căn bệnh ác tính,phát hiện càng sớm cơ hội chữa khỏi sẽ càng cao. Cách chữa khỏi ung thư hiệu quả nhất đó là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị… Còn dùng lá đu đủ hay các bài thuốc Nam để chữa ung thư thì hiện nay vẫn chưa có kết quả để kiểm chứng. Tôi thường khuyên bệnh nhân nên lựa chọn phương pháp điều trị ung thư đã được khoa học chứng minh như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… Trường hợp bệnh nhân mong muốn sử dụng thuốc Nam hay cây thuốc để hỗ trợ chữa trị ung thư thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ”.

Chưa có một cây thuốc nào tiêu diệt được tế bào ung thư

PGS.TS Phạm Thúc Hạnh khẳng định: “Để tiêu diệt được tế bào ung thư thì chưa có 1 cây lá nào, bài thuốc nào làm được. Tuy nhiên cây thuốc, bài thuốc để hỗ trợ chữa bệnh ung thư thì có”.

Ví dụ người ung thư có thể bị mất ngủ, tê mỏi, đau đớn, xuống tinh thần, ăn không ngon… thì có những bài thuốc y học cổ truyền nhằm nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể. Khi hệ miễn dịch tốt thì các tế bào ung thư có thể sẽ tự bị tiêu diệt.

“Hiểu theo ý các cụ lang là nâng cao kinh khí làm cho người khỏe lên. Qua đó sẽ ngăn chặn sự phát triển tế bào ung thư, giúp kéo dài tuổi thọ cho người bị bệnh ung thư”, PGS.TS Phạm Thúc Hạnh nói.

Đồng quan điểm với PGS.TS Phạm Thúc Hạnh, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cũng cho rằng: “Có thể dùng các loại cây thuốc Nam để giảm nhẹ các triệu chứng: đau, lợi tiểu, lợi mật, an thần… nhưng không kìm hãm được bệnh. Tác dụng chữa ung thư của lá đu đủchỉ dừng lại ở kinh nghiệm truyền miệng dân gian”.

Ngọc Minh

Mọi ý kiến đóng góp, bài vở, hình ảnh, clip đồng hành cùng Chiến dịch “Chống thực phẩm bẩn” xin quý vị vui lòng gửi về địa chỉ:

Tòa soạn Emdep.vn

Địa chỉ: Tầng 3- Tòa nhà Đại Phát – Ngõ 82 Duy Tân – Hà Nội

Điện thoại: 0437959783

Email: toasoan@emdep.vn,banbientap@i-com.vn

Hotline:0914926900

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook