Thứ Bảy, 08/06/2019 | 00:06

Hướng dẫn kỹ thuật điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh theo phương pháp Ponsetti

Bàn chân khoèo là một dị tật bẩm sinh thường gặp nhất trong các loại dị tật ở hệ vận động. Tỷ lệ trẻ mắc dị tật này khá cao. Theo thống kê trên thế giới, cứ mỗi 1.000 trẻ em được sinh ra thì có từ 1-3 trẻ em mắc dị tật này.

Điều trị bàn chân khèo bẩm sinh theo phương pháp Ponsetti là một cuộc cách mạng về kỹ thuật bó bột chỉnh hình nắn sửa các biến dạng vùng bàn, cổ chân mà tâm điểm là thay đổi trục xương sên và kéo dãn các dây chằng quanh xương sên. Đây là một phương pháp điều trị rất hiệu quả dị tật bàn chân khoèo do bác sĩ Ponseti nghiên cứu  và áp dụng thành công. Phương pháp này khá đơn giản, chỉ cần bó bột chỉnh hình, đeo nẹp Dennis-Brown và làm thủ thuật chích gân gót. Trẻ cần đeo nẹp giày chỉnh hình cho tới khi trẻ 36 tháng tuổi.

– Kỹ thuật bó bột Ponsetti được tiến hành theo các bước:

+ Nghiêng và xoay trong tối đa.

+ Dần chỉnh mũi bàn chân xoay ngoài.

+ Dần nâng lòng bàn chân gấp mặt mu.

+ Chuyển lòng bàn chân nghiêng ngoài với cạnh ngoài bàn chân cao hơncạnh trong

– Sau khi kết thúc giai đoạn bó bột chỉnh hình là giai đoạn đeo nẹp Dennis- Brown để đảm bảo duy trì kết quả bó bột. Nẹp Dennis-Brown gồm 02 giầy vừa với kích thước của bàn chân trẻ. Hai giầy được liên kết bởi thanh nẹp giữ cho hai giầy dang rộng bằng vai, xoay ngoài và nghiêng ngoài. Nẹp được chỉ định đeo 23 giờ mỗi ngày cho tới khi trẻ tự đứng đi được thì duy trì đeo ban đêm cho đến khi trẻ 36 tháng tuổi.

Có một số trường hợp trẻ vẫn bị bàn chân thuổng do co rút gân gót có thể cần phải chỉ định chích gân gót (tenotomy) rồi bó lại. Kỹ thuật này nên tiến hành trước khi trẻ 18 tháng tuổi.

Chỉ định điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh theo phương pháp Ponsetti

– Trẻ bị bàn chân khèo bẩm sinh hai bên.

– Trẻ bị bàn chân khèo bẩm sinh một bên.

– Trẻ bàn chân khèo có bị cứng đa khớp, trật khớp háng…

Chống chỉ định điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh theo phương pháp Ponsetti

– Trẻ bị thoát vị tủy lớn (có túi thoát vị )

– Trẻ bị giòn xương bẩm sinh ( người thủy tinh )

Chuẩn bị con người và phương tiện

© Người thực hiện

– Bác sỹ chuyên khoa Phục hồi chức năng, kỹ thuật viên Vật lý trị liệu, kỹ thuật viên chỉnh hình.

© Phương tiện, thuốc và nguyên liệu

– Kìm phá bột, cưa bột hoặc kéo.

– Găng tay, khăn hoặc giấy lau, khẩu trang.

– Phim chụp Xquang, đèn đọc phim Xquang.

– Nguyên liệu: bột thạch cao, băng cuộn bông, vải cotton hoặc giấy vệ sinh.

– Thuốc: thuốc giảm đau (Paracetamol…), thuốc khử trùng (Betadine).

© Người bệnh

– Trẻ cần được kiểm tra toàn trạng về hô hấp, tim mạch….

– Khám lại để xác định số chân bị khèo, mức độ khèo ở mỗi chân….

– Kiểm tra các dị tật hoặc bất thường về cấu trúc có thể đi kèm bàn chân khèo

– Tư thế trẻ: đặt nằm trên bàn bó bột, bộc lộ toàn bộ vùng thặt lưng và chi dưới.

© Hồ sơ bệnh án

– Bác sỹ, kỹ thuật viên nẵm vững chẩn đoán của trẻ.

– Ghi chép đầy đủ tình trạng, mức độ và chỉ định can thiệp cho trẻ.

– Nắm và ghi chép đầy đủ các bước kỹ thuật sẽ tiến hành.

– Nắm kết quả tổn thương trên phim Xquang.

Các bước tiến hành

© Tâm lý tiếp xúc: Giải thích rõ cho cha mẹ bệnh nhi và người nhà hiểu được tình trạng bệnh tật và các bước sẽ tiến hành để tạo ra sự hợp tác chặt chẽ và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của bác sỹ khi chăm sóc trẻ tại nhà.

© Bó bột chỉnh hình

– Chỉ định: tất cả trẻ bàn chân khèo bẩm sinh đến sớm trước 18 tháng.

– Kỹ thuật bó bột:

+ Quấn băng bông, băng vải cotton hoặc giấy vệ sinh từ mũi bàn chân lên cẳng chân, khớp gối và đùi.

+ Quấn bột bó từ mũi bàn chân, bàn chân, lên tới phần dưới khớp gối. Nắn chỉnh phần mũi bàn chân, lấy đầu trên xương sên làm mốc để nắn chỉnh. Tránh tuyệt đối không chạm vào gót chân.

+ Giữ bàn chân trẻ ở tư thế này đến khi bột khô. Tiếp tục quấn bột lên qua khớp gối đến > 2/3 đùi. Bó bột ở tư thế gối gập.

+ Cố định bột trong 1 – 2 tuần (tùy thuộc lứa tuổi bắt đầu bó bột).

+ Tháo bột, làm vệ sinh sạch chân trẻ, bôi Betadine vào chỗ loét, xước.

+ Bó bột từ 4 – 6 đợt cho tới khi bàn chân gấp mu, xoay và nghiêng ngoài. Sau khi hoàn thành quá trình bó bột thì chuyển sang đeo nẹp Dennis-Brown.

Hình 1: Các bước bó bột theo phương pháp Ponsetti

* Thời gian đeo nẹp Dennis-Brown

– Ngày sau ngừng bó bột đến khi trẻ 36 tháng tuổi

– Liên tục đeo cả ngày và đêm cho đến khi trẻ tự đứng đi được.

– Đeo nẹp vào ban đêm cho đến khi trẻ 36 tháng .

Theo dõi bệnh nhân

– Theo dõi sau bó bột tại nhà: Nếu các ngón chân sưng, tím, đau, cần tháo bột ngay tránh hoại tử.

– Thời gian bó bột: 1 – 2 tuần/ đợt, khoảng 4 – 6 đợt

Tai biến và xử trí

Tổn thương bề mặt da do loét: rửa nước muối sinh lý, giữ gìn da khô ráo sạch sẽ.

Lần 1 Lần 2 Lần 3 Lần 4

Hình 2: Hình dạng Bột sau các lần bó

bó bột chân khoèo theo phương pháp Ponseti

Bó bột theo phương pháp Ponseti có nhiều lợi thế hơn so với các phương pháp mổ kinh điển khác bởi có thể được tiến hành từ sớm, ngay từ khi trẻ mới sinh khoảng từ 2 – 3 ngày tuổi. Lúc này các tổ chức như xương chưa bị cốt hóa; gân, dây chằng chưa bị co kéo, biến dạng… vì vậy chỉ cần bó bột chỉnh hình và đôi khi chỉ với một vết chích nhỏ ở gân gót đã giúp hoàn thiện cho trẻ cả về thẩm mỹ và chức năng vận động mà không xâm lấn và làm tổn hại các tổ chức xung quanh như cơ, dây chằng… Do đó phương pháp này vừa mang lại hiệu quả cao, chi phí không tốn kém.

Yhocvn.net (Trích theo hướng dẫn Kỹ thuật điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh theo phương pháp Ponsetti của Bộ Y tế)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook