Thứ Năm, 09/06/2016 | 23:30

Chụp X quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp hình cộng hưởng từ trường (MRI), chụp mạch loại trừ bằng kỹ thuật số (DSA)… là các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đem lại những kết quả trung thực về bệnh tật của người bệnh trong quá trình điều trị. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nhất là việc lạm dụng thái quá các phương pháp mà đôi khi có tác dụng ngược làm ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của bệnh nhân.

Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh lợi bất cập hại?Máy móc mới, BS giỏi sẽ cho kết quả chẩn đoán hình ảnh chính xác (trong ảnh, BS Nhơn đang siêu âm cho một bệnh nhân tại trung tâm)

Hoang mang vì kết quả chẩn đoán

Mặc dù đã có kết quả siêu âm nghi bị ung thư vú tại BV Đa khoa Đồng Tháp nhưng bà Lê Thị M. ngụ ở thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vẫn phải siêu âm lại 2 lần tại BV Ung bướu TP.HCM khi được chuyển từ tuyến dưới lên. Thấy kết quả không có gì khác nhau, ông C. người nhà bà M. thắc mắc thì được nhân viên trả lời là do kết quả đã cũ vì thời gian siêu âm trước đó đã quá lâu. Lần siêu âm mới nhất không chỉ cho kết quả chính xác hơn mà còn theo dõi được diễn tiến của bệnh. Lại có người chưa tin tưởng vào các kết quả của BV Nhà nước do quá tải nên sau khi siêu âm, chụp X quang trong BV còn ra phòng khám bên ngoài làm thêm một “cú đúp” nữa.

Bộ Y tế cũng vừa yêu cầu sở y tế các tỉnh thành phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, rà soát, kiểm tra các cơ sở y tế trong và ngoài công lập có các hoạt động liên quan đến sử dụng các thiết bị phát bức xạ tia X trong y tế, các nguồn điều trị phóng xạ và thiết bị sử dụng trong y học hạt nhân. Theo quy định, thiết bị X quang phải được kiểm định mỗi năm một lần do đơn vị được Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định thực hiện. Nếu đặt trong khu dân cư, phòng X quang phải thỏa mãn các điều kiện che chắn bức xạ, đảm bảo liều bức xạ ở sát tường, sát cửa ra vào…

Đây là thực tế mà nhiều người thực sự hoảng loạn khi kết quả chẩn đoán hình ảnh “mỗi nơi mỗi kiểu”. Sau 3 năm phát hiện ra bệnh sỏi mật, chị H. nhân viên tiếp thị ở Q.Thủ Đức đi kiểm tra lại bằng một phiếu siêu âm ở một BV tư nhân trên đường Nguyễn Văn Đậu, P.5, Q.Bình Thạnh. Tuy nhiên, chị thật bất ngờ khi BS tuyên bố không có hiện tượng sỏi sau vài lần rà quét trên bụng. Đến lúc này, chị H. mới khai thật tiền sử bệnh tật. Lúc ấn hạ sườn bên phải thấy bệnh nhân đau nhói và “đọc” lại hình ảnh trên máy siêu âm, nữ BS liền đổi lại kết quả siêu âm.

Cách đây 6 tháng, sau khi đưa kết quả cho bệnh nhân, một nhân viên tên Đ. ở phòng chụp X quang của BV Q.3 phát hiện hồ sơ của anh S. khám tổng quát có tim nằm phía bên… phải. Trong thực tế đã có “chuyện lạ bốn phương” này nhưng để chắc ăn anh Đ. đã yêu cầu “đối tượng bị nghi vấn” quay trở lại chụp X quang lồng ngực. Khi được BS thông báo chuyện “có 1 không 2” này, anh S. vô cùng hoảng hốt. Tuy nhiên, nhờ lần chụp X quang thứ 2 này mà anh S. đã thật sự an tâm vì trái tim vẫn nằm bên trái như mọi cơ thể. Không hiểu vì lý do “đọc” nhầm hay cầm phim ngược mà BV lại có kết quả chụp X quang lạ lùng này. Điều đó đã khẳng định chuyện sai sót và thiếu chính xác khi sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trong cơ thể không phải là không có.

Tổn hại sức khỏe nếu lạm dụng

Lý giải về vấn đề này, BS Vũ Văn Mẫn – BV Sài Gòn Ito cho biết, hầu hết các loại máy móc đều cho kết quả chẩn đoán hình ảnh chính xác. Tuy nhiên, hiện nay có một số BV, trung tâm chẩn đoán hình ảnh, phòng khám tư dùng các loại máy quá cũ do tuổi thọ cao. Đây là nguyên nhân gây ra kết quả thiếu trung thực. Trong lúc đó các cơ sở tuyến dưới có thể tầm soát đúng bệnh nhưng lại bỏ sót chẩn đoán và có cả chẩn đoán sai lệch, giá trị chẩn đoán không cao. Đặc biệt xu thế lạm dụng máy móc để chẩn đoán hình ảnh cũng tăng lên nhất là các cơ sở y tế tư nhân tìm cách thu lợi nhuận. Cũng theo BS Mẫn, một số máy móc tiên tiến hiện đại mới được sử dụng nhưng việc đào tạo đội ngũ nhân viên kỹ thuật chưa theo kịp sự phát triển của kỹ thuật cũng làm ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán hình ảnh. Số lượng người có yêu cầu chụp X quang, siêu âm đông, áp lực lớn, thời gian làm việc với tốc độ nhanh cũng gây ảnh hưởng đến việc đánh giá các hình ảnh chẩn đoán trên máy móc. Việc chẩn đoán hình ảnh bằng các loại máy móc cũ, hàng quá đát ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân và những người có liên đới. BS Lưu Văn Minh – BV Ung bướu TP.HCM cho biết, các bệnh nhân ung thư được xạ trị bằng máy xạ trị siêu tốc thì các bộ phận như các mô não, tế bào cũng có ảnh hưởng nhất định. Nếu chụp với liều tia thấp, diện rộng, các lần chụp cách xa thì ít ảnh hưởng lâu dài hơn chụp liên tục với liều tia cao ở khu vực nhỏ hẹp trong cơ thể. “Tuy nhiên hầu hết các tia bức xạ chiếu vào cơ thể sau một thời gian sẽ chuyển hóa và thải ra ngoài qua da, nước tiểu, mồ hôi… tùy theo liều thấp hay cao, mau hay lâu. Có những liều chỉ vài tiếng đồng hồ sau là thải ra hết nên chúng ta cũng thật sự an tâm” – BS Cao Thiên Nhơn – Trung tâm Bảo trợ người già Thạnh Lộc cho hay.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Nguồn: Giáo dục Online

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook