Việc sử dụng ngày càng tăng các loại đồ đựng thực phẩm làm từ xốp, nhựa khiến cho môi trường bị ô nhiễm, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dùng.
Thế giới cùng lên tiếng tẩy chay đồ nhựa dùng một lần
Ngày 18.9 vừa qua, Pháp vừa thông qua luật cấm tất cả cốc, chén, dao, muỗng… sử dụng một lần làm bằng nhựa. Đây được xem là quốc gia đầu tiên cấm sử dụng các loại dụng cụ đựng thức ăn tiện lợi này.
Bắt đầu từ năm 2020, Pháp sẽ chấm dứt sự phụ thuộc đối với các loại đồ nhựa chỉ dùng một lần là vứt vào thùng rác.
Mỗi năm, chỉ riêng nước Pháp đã thải ra 4,73 tỷ cốc nhựa và khoảng 17 tỷ túi nhựa từ những siêu thị và quán cà phê trên khắp đất nước.
Tuy nhiên, đây không phải là quốc gia đầu tiên “mạnh tay” với đồ nhựa dùng một lần. Trước đó, nhiều nước trên thế giới bao gồm Mỹ và Canada cũng đã thông qua lệnh cấm sản xuất và sử dụng những vật đựng thức ăn nguy hiểm này.
Tháng 5 vừa qua, Quốc hội Singapore cho biết không cấm sử dụng, nhưng không khuyến khích người bán hàng rong sử dụng chúng và các đồ vật dùng một lần như bát, đĩa và thìa xốp.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo sự nguy hiểm của đồ nhựa dùng một lần.
Với tính năng nhẹ, bền, dễ sử dụng… đồ nhựa dùng một lần đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Những chế phẩm này rất được ưa chuộng tại những cửa hàng đồ uống, đồ ăn nhanh hay trong những buổi party, picnic dã ngoại.
Tuy nhiên, chính vật dụng tiện lợi, hữu ích và tưởng chừng như vô hại này lại chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn tới sức khỏe.
Theo các nhà khoa học Mỹ và Canada, các loại cốc nhựa dùng một lần trên toàn thế giới đều được sản xuất từ loại nhựa gọi là Polystyrene hay chính là nhựa mang nhãn số 6.
Polystyrene (viết tắt và thường gọi là PS) là một loại nhựa khá rẻ tiền, có màu trắng, trọng lượng nhẹ, tính dẻo nên thường được sử dụng trong khâu đóng gói bao bì.
Báo cáo nghiên cứu của Chương trình độc chất học quốc gia của Mỹ cho biết, chất Polystyrenekhi gặp nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ cao có thể giải phóng ra chất Styrene vô cùng độc hại.
Styrene là một chất gây ung thư, có thể phá hủy DNA trong cơ thể người, gây dị tật thai nhi, rối loạn hệ thần kinh (mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ), ảnh hưởng đến nồng độ máu (lượng tiểu cầu thấp, gây đột quỵ),….
Đặc biệt, chất Styrene là rất dễ xâm nhập vào cơ thể. Và dù nhiễm độc với nồng độ nhỏ cũng có thể để lại hậu quả xấu đối với sức khỏe.
Ngoài ra, trong các sản phầm nhựa còn thường chứa một chất BPA được chứng minh có khả năng gây ung thư, tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh.
Bát, đĩa từ lá cây sẽ thay thế các loại đồ nhựa, xốp dùng 1 lần?
Dễ dàng nhận thấy việc sử dụng ngày càng tăng các loại đồ đựng thực phẩm làm từ xốp, nhựa khiến cho môi trường bị ô nhiễm, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dùng.
Thế nhưng, vì sự tiện lợi, nhiều người vẫn phớt lờ sự cảnh báo này và vẫn sử dụng đồ nhựa, xốp dùng 1 lần trong cuộc sống hằng ngày.
Hiểu được tâm lý của người dân, mới đây, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Naresuan, Thái Lan đã sáng tạo và phát triển một loại bát từ lá cây, vốn có khả năng tự phân huỷ và không thấm nước.
Phải mất hơn 1 năm, các giáo sư trong khoa công nghệ của trường mới phát triển thành công quy trình sản xuất này, tạo ra những chiếc bát chắc chắn, hữu dụng từ lá cây để thay thế những đồ đựng thức ăn bằng xốp.
Qua nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng nhóm nghiên cứu đã phát hiện lá của cây bastard teak , teak và banyan là những vật liệu tốt nhất để sản xuất bát đĩa đựng thức ăn.
Các loại bát này có thể đựng được nước nóng mà không lo bị rò rỉ. Và sau khi sử dụng xong, những chiếc bát này sẽ phân hủy một cách tự nhiên.
Để chiếc bát trông hấp dẫn hơn, nhóm nghiên cứu còn sử dụng thêm tinh bột để làm bóng bát. Thậm chí họ còn tạo ra những chiếc bát với nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau để phục vụ tốt nhất nhu cầu của các nhà cung cấp thực phẩm.
“Cảm hứng để sáng tạo nên những chiếc bát thân thiện với môi trường đến một cách rất tình cờ.
Đó là sau khi tới thăm một ngôi đền ở phía Bắc Thái Lan, tôi đã chứng kiến cảnh tượng những “núi” bát đĩa xốp gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe”, Samorn Hiranpraditsakul- giáo sư khoa kỹ thuật công nghiệp cho biết.
Trong thời gian chờ cấp bằng sáng chế, trưởng khoa Sirintip Tantanee cho biết hội đồng thành phố đã hỗ trợ việc quảng bá sản phẩm bằng cách cho phép sử dụng chúng tại các lễ hội ẩm thực thường niên được tổ chức trong suốt dịp lễ Songkran và năm mới.
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: TTOnline
Chưa có bình luận.