Mặc dù tỷ lệ thành công của các biện pháp tránh thai hiện nay là khá cao, nhưng vẫn có nhiều trường hợp chị em bị “vỡ kế hoạch”.
Vấn đề tài chính, sức khỏe hay các trục trặc về tình cảm khiến các cặp vợ chồng không muốn đón chào thêm thành viên mới trong gia đình. Vì vậy, nhiều bà mẹ đã không thể bình tĩnh được khi biết mình “vỡ kế hoạch”. Làm sao để vượt qua “sự cố” này?
Rối bời vì “hai vạch”
Vừa mới trở lại đi làm 1 tháng sau kì nghỉ thai sản, chị Hoa (34 tuổi, quận 5, TP.HCM) tá hỏa khi phát hiện mình lại có… em bé. Không nỡ bỏ thai vì dù sao cũng là con của mình, vợ chồng chị thẫn thờ lo lắng vì kinh tế eo hẹp, bà ngoại chăm một đứa đã cực huống gì thêm đứa nữa. Trong khi đó, anh chị cũng chẳng dư dả để thuê người giúp việc.
Bàn tới bàn lui, hai vợ chồng chẳng còn lựa chọn nào khác là sinh con nhưng thấy thương cả hai đứa quá. Cô chị chưa biết đi đã phải cai sữa, em thì cũng thiệt thòi vì mẹ còn bận chăm chị, chẳng hơi sức đâu mà bồi dưỡng, quan tâm như có thai lần đầu, chị Hoa ngao ngán kể.
Gánh nặng gạo cơm bỉm sữa rồi thức đêm thức hôm cũng khiến hai vợ chồng chị lục đục, chị trở nên cáu bẳn hơn, anh thì chán cảnh con khóc vợ nhiếc móc nên tần suất ra ngoài lai rai cũng vì thế tăng lên đáng kể.
Còn chị Xuân Lan (28 tuổi) đã rất bất ngờ khi biết tin mình có thai dù đang sử dụng thuốc viên ngừa thai theo chỉ định. Theo lời Lan, gần đây cô có thấy xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, đau vú nhưng cứ nghĩ là tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc tránh thai. Chỉ đến khi bụng lùm lùm, chị Lan đi khám mới biết cái thai đã gần 3 tháng. Trước đây, vợ chồng chị quyết tâm sinh con cách nhau 5 năm để có thời gian chăm bẵm song vì chủ quan, anh chị đã bị nhỡ kế hoạch.
Chị Lan tâm sự: “Con gái đầu lòng mới hơn 1 tuổi giờ lại thêm “tập hai” vợ chồng mình cũng ngán ngẩm lắm. Mình vừa hạnh phúc vừa lo lắng nhưng con là của trời cho, mình không muốn vì sự vô tình của mình mà con bị thiệt thòi”.
Suốt một thời gian dài, dù bận rộn với công việc ở nhà, chăm sóc gia đình con cái, công việc ở công ty nhưng chị vẫn cố dành thời gian tìm hiểu tiếp công cuộc sinh con thứ 2. Sau khi chị sinh, bé thứ nhất dường như hay buồn hơn, thu mình hơn, khiến chị rất lo lắng.
Ảnh minh họa |
Lợi và hại
“Rủi ro” vẫn có thể xảy ra, cho dù bạn dùng biện pháp tránh thai nào, đó là sự thực.
Những biện pháp tránh thai hiện đại như đặt vòng, dùng thuốc viên khẩn cấp hay thuốc dạng phối hợp, tiêm thuốc ngừa thai… đang được sử dụng phổ biến hiện nay cho tỉ lệ ngừa thai khá cao: đặt vòng có tỷ lệ thành công từ 98-99%, thuốc tránh thai khẩn cấp là khoảng 60-90%, thuốc tránh thai dạng phối hợp là 99%, tiêm thuốc giúp ngừa thai đến 98%… tuy vậy vẫn có trường hợp bị “vỡ kế hoạch”.
Theo bác sĩ, dù phá thai hay cố gắng để sinh con thì vỡ kế hoạch đều ảnh hưởng ít nhiều tới tinh thần và thể chất của người mẹ và thậm chí là thai nhi. Ngoài việc đẻ dày khiến sức khỏe của mẹ và thai nhi bị giảm sút (thiếu chất: canxi, thiếu máu…), chị em còn phải vất vả chăm sóc một lúc hai con. Điều này chưa chắc đã đảm bảo việc đứa con được chăm một cách cẩn thận chu đáo.
Thêm vào đó, sau khi sinh con lần đầu, người mẹ cần phải được nghỉ ngơi giữ sức, nếu vì nhỡ mà phải đối diện với một lần vượt cạn nữa thì người mẹ sẽ gặp phải nguy cơ với các biến chứng như nhiễm trùng, thủng tử cung…
Còn nếu trường hợp bỏ thai thì bà mẹ vẫn gặp nguy hiểm. Lúc mới sinh xong, tử cung người mẹ vẫn còn yếu, việc đối mặt với một ca thủ thuật là vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe người mẹ.
Bên cạnh những điều bất ổn thì việc sinh năm 1 cũng có nhiều cái lợi. Đầu tiên phải kể tới việc làm này khiến phản xạ và kinh nghiệm chăm con của nhiều người mẹ chưa bị phai nhòa, tiếp theo là tiết kiệm vì đứa bé có thể sử dụng lại đồ của đứa lớn luôn. Ngoài ra hai đứa bé sàn sàn tuổi dễ hòa nhập với nhau.
Vượt qua “khủng hoảng”
Phản ứng tâm lý thường gặp khi phát hiện mang thai ngoài ý muốn là lo lắng, tự trách, cảm thấy trách nhiệm đề nặng, khủng hoảng tinh thần và mất kiểm soát bản thân về việc định hướng tương lai. Mang thai ngoài ý muốn đôi khi cũng đem tới niềm vui. Tuy là không nhiều trường hợp có phản ứng tích cực như vậy.
Buồn phiền, giận dữ, bối rối là những cảm xúc thường có đối với những người chưa sẵn sàng đón nhận đứa trẻ. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng những điều bạn đang cảm nhận là hết sức bình thường và không có nghĩa rằng bạn là người xấu. Cho dù như thế nào thì bạn là người gánh chịu hậu quả từ những gì đã xảy ra. Do đó, bạn cần phải đối diện với những cả xúc đó và chịu trách nhiệm về nó.
Trong những ngày đầu khi biết tin có thai ngoài ý muốn, việc thay đổi ý kiến về giữ hay bỏ đứa trẻ diễn ra thường xuyên. Khi tinh thần đang khủng hoảng hãy tránh ra các quyết định quan trọng.
Mang thai ngoài ý muốn không phải là một việc bạn nên đối diện một mình. Thay vào đó, bạn nên chia sẻ suy nghĩ của bạn với những người có kinh nghiệm hoặc những người có thể hỗ trợ bạn. Nhận được sự hỗ trợ là điều vô cùng cần thiết để bạn có thể yên tâm hơn trong việc xử lý các vấn đề cần thiết cho hoàn cảnh mới này.
Bạn cần trao đổi với những người càng khách quan càng tốt để tránh bị đưa ra các ý kiến chủ quan để bạn khó có thể có sự lựa chọn đúng đắn. Việc chia sẻ với ba đứa trẻ là đều cần thiết, vì đây là một điều hệ trọng trong gia đình.
Đừng lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp Các chuyên gia y tế cảnh báo chỉ được dùng thuốc tránh thai khẩn cấp trong các trường hợp bất khả kháng. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại thuốc này nếu bị thiếu máu nặng hoặc rối loạn đông máu, tắc đông máu. Theo khuyến cáo, thuốc tránh thai khẩn cấp không được sử dụng quá 2 lần/tháng, nghĩa là không quá 2 viên (đối với loại 1 viên/liều) hoặc 4 viên (đối với loại 2 viên/liều). Vì nếu lạm dụng nhiều, thuốc không những không có tác dụng ngừa thai mà lại còn dẫn đến những tác dụng phụ như làm rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, rong huyết, nhức đầu, chóng mặt, tăng cân… Rối loạn nội tiết cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú và buồng trứng. Dùng nhiều còn có khả năng gây vô sinh sau này. |
Hiểu Đan
Chưa có bình luận.