Hôi miệng gây ảnh hưởng lớn đến sự tin tin khi giao tiếp. Hiểu rõ nguyên nhân và mức độ bệnh có thể giúp khắc phục được tình trạng này.
Chứng hôi miệng (halitosis) là một chứng bệnh khiến hơi thở thoát ra từ miệng mang theo mùi khó chịu. Đây là một chứng bệnh về răng miệng rất phổ biến khiến người mắc cảm thấy khó chịu, thiếu tự tin hoặc bối rối khi giao tiếp. Theo ước tính, chứng hôi miệng ảnh hưởng đến khoảng 40% dân số tại một số thời điểm và ở các mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, một nghịch lý là số bệnh nhân mắc chứng hôi miệng nhiều, bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được, nhưng rất ít người đến các cơ sở y tế để khám vì tâm lý e ngại và xấu hổ.
Nguyên nhân gây hôi miệng
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây hôi miệng là vệ sinh răng miệng kém. Ước tính có khoảng 100 triệu vi khuẩn sinh sống trong miệng và 15 loại trong đó được cho là có liên quan đến mùi hôi của hơi thở. Do đó, nếu bạn không loại bỏ các mảnh thức ăn thừa trong miệng sau khi ăn, sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn sinh sôi và hình thành các hợp chất của lưu huỳnh dễ bay hơi. Đây chính là căn nguyên của mùi hôi.
Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hôi miệng. Ảnh: Betinews.
Các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi được gọi là VSC (volatile sulfur compounds) chẳng hạn như hydro sulfua H2S (có mùi trứng thối), methyl mercaptan CH3SH (có mùi hăng giống tỏi) và dimethyl sulfide CH3SCH3,…
Các nguyên nhân khác gây ra chứng hôi miệng tạm thời là ăn một số thực phẩm như hành, tỏi, thịt, cá, trứng. Trong quá trình tiêu hóa các thực phẩm này sẽ sinh ra hợp chất lưu huỳnh khiến hơi thở có mùi hôi. Đặc biệt, uống rượu bia và hút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây hôi miệng hàng đầu.
Ngoài ra, hôi miệng có thể là triệu chứng của một số loại bệnh lý như: đường hô hấp (viêm họng, viêm amidan, viêm phổi, ung thư phổi…), đường tiêu hóa (trào ngược dạ dày – thực quản, loét dạ dày, ung thư dạ dày…), suy gan, thận, tiểu đường,… Do đó, nếu hơi thở có mùi khác thường, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và chẩn đoán sớm.
Hơi thở có mùi khó chịu có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc như chống trầm cảm, hạ huyết áp, chống dị ứng,…
Cách khắc phục
Để chữa trị chứng hôi miệng, các chuyên gia nha khoa đưa ra lời khuyên nên tập trung vào việc vệ sinh răng miệng tốt.
Bạn nên đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày, vệ sinh lưỡi đặc biệt là mặt trên của lưỡi, sử dụng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn, để làm sạch khoang miệng ngăn không cho vi khuẩn phát triển. Ảnh: Daily Mail.
Ngoài mảng bám thức ăn, các tế bào trong miệng thường sẽ chết đi theo chu kỳ từ 2-4 ngày một lần và nước bọt sẽ có nhiệm vụ mang những tế bào chết này rời khỏi khoang miệng. Ở một số người, chu kỳ này diễn ra nhanh hơn, cứ mỗi 6-8 giờ một lần, điều đó khiến các tế bào chết sẽ tích tụ và phân hủy gây ra hôi miệng.
Do đó, để giải quyết vấn đề này bạn không nên bỏ bữa (hoạt động nhai sẽ kích thích tiết ra nước bọt), bổ sung nước cho cơ thể, nhai kẹo cao su hoặc ăn vặt giữa các bữa để tránh cho miệng không bị khô…
Các chuyên gia cũng khuyến cáo chúng ta nên đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày, vệ sinh lưỡi đặc biệt là mặt trên của lưỡi, sử dụng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn để làm sạch khoang miệng ngăn không cho vi khuẩn phát triển.
Minh Hải (Tổng hợp)
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.