Chủ Nhật, 09/10/2016 | 02:00

Các chuyên gia cho biết những hạt có đường kính khí động học dưới 2,5 micromet không bị chặn lại ở niêm mạc phổi, rất nguy hiểm khi vào sâu trong phế quản và phế nang.

Thông tinchia sẻ gần đây trên mạng xã hội cho rằng bụi PM 2,5 (bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 2, 5 µm (micromet)) trong không khí ở Hà Nội đang rất đáng báo động, với chỉ số cao rất cao: 295. Được biết, chỉ số lấy theo máy đo từ đại sứ quán Mỹ ở khu vực đường Giảng Võ – Láng Hạ.

Hít khói bụi ở Hà Nội nguy hiểm ra sao?

Nhiều con đường ở Hà Nội chìm trong khói bụi. Ảnh:Lê Hiếu.

Hà Nội ô nhiễm không khí nặng?

Trao đổi vớiZing.vn, TS Hoàng Dương Tùng – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng chỉ số trên chưa thể khẳng định toàn thành phố Hà Nội ô nhiễm, vì chỉ số có thể tăng giảm theo giờ.

Đồng thời, ông Tùng cho rằng với số liệu đo từ Đại sứ quán Mỹ, không thể khẳng định không khí Hà Nội ô nhiễm nhất nhì thế giới.

Cùng quan điểm trên, GS Phạm Ngọc Đăng (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng cách đánh giá mức ô nhiễm không khí ở Hà Nội như trên là chưa chính xác, thiếu cơ sở khoa học và thực tế.

Vì trị số nồng độ bụi PM 2,5 đo được nêu trên chỉ là trị số cực hạn đột xuất ở thời điểm bất thường. Còn muốn đánh giá mức độ ô nhiễm của một địa phương, phải dùng trị số trung bình đo của 24 giờ liên tục ngày đó làm đại diện.

Bụi PM 2,5 nguy hiểm ra sao?

Trao đổi vớiZing.vn, ông Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) – cho hay tình trạng ô nhiễm bao gồm ô nhiễm thông thường do khói bụi là tác nhân gây ra viêm đường hô hấp, viêm phế quản, phổi, hen, phổi tắc nghẽn mãn tính.

Chất lượng không khí còn được đo bởi tình trạng ô nhiễm các khí như SO2, CO… từ khói thuốc lá, khí thải từ đun than, củi… Các bệnh đường hô hấp không phải lúc nào cũng được phát hiện kịp thời, bởi chúng tích tụ lâu dài.

Theo TS Nhung, ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính. Đây là hai bệnh nguy hiểm, nhưng khi phát hiện, bệnh đã diễn biến nặng.

BS Vũ Văn Thành – Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương) – cũng cho biết những hạt (bụi) có kích thước PM dưới 2,5 micromet có thể vào sâu trong phế quản và phế nang, hết sức nguy hiểm.

Những hạt trong không khí có rất nhiều loại, nhiều thành phần hóa học. Những hạt có kích thước trung bình sẽ bị giữ lại ở niêm mạc – lớp thảm nhầy nhung mao.

“Chúng ta có thể hình dung niêm mạc như tấm thảm, trên bề mặt có những chất nhầy. Khi các hạt vào, thảm này có chức năng bắt giữ lại và theo nhu động ngược chiều đẩy từ dưới lên trên. Qua phản xạ ho, các hạt bị đẩy ra ngoài”, BS Thành phân tích.

Theo BS Thành, đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể con người. Điều đó lý giải nhiều người tuy hít phải bụi trong không khí, không phải ai cũng mắc bệnh.

Ngược lại, vớinhững hạt có kích thước nhỏ dưới 2,5 micromet, “tấm thảm” trên không chặn được. Bụi sẽ lọt vào phế nang. Tích lũy đến khi đủ lượng, chúng sẽ gây bệnh.

Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Hoài Nam – Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP.HCM – cho hay ô nhiễm không khí có tác động rất rõ ràng và nguy hiểm đến sức khỏe, song ít người để ý đến điều này.

Đối với các bệnh lý tim mạch, chất ô nhiễm sẽ làm tăng độc tố trong máu, độc tố ngấm trong máu gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp, từ đó gây nên các hệ lụy nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim…

“Các chất ô nhiễm này là những chất độc xuyên qua màng lọc của phổi, đi vào máu, cơ thể, ngấm vào các thành mạch, gây nên tình trạng xơ vữa. Chúng có thể tác động gây bệnh tức thời như viêm phổi, viêm mũi, hen suyễn, phế quản. Về lâu dài, chúng sẽ lấp đầy trong phổi, gây xơ cứng phổi, 5-10 năm sau mới phát bệnh”, PGS Nam phân tích.

(Theo Zing)

 

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook