Thứ Năm, 05/05/2016 | 13:30

Một sự thật không phải ai cũng biết, hiến máu không chỉ là môt nghĩa cử đẹp mang lại lợi ích cho toàn xã hội mà còn giúp sức khỏe chúng ta tăng lên rất nhiều.

Theo thống kê của Ngân hàng máu Việt Nam thì mỗi năm, các bệnh viện trong nước cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu, nhưng thực tế lượng máu nhận được chỉ xấp xỉ 1 triệu đơn vị, mới đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu sử dụng. Mặt khác, số lượng người tham gia hiến máu hiện nay chỉ khoảng 700.000 người trên 90 triệu dân, tính ra tỷ lệ chưa đạt đến 1%.

Hiến máu: Mất 1, được 10

Ảnh minh họa

Tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật

Lưu thông máu tốt hơn:

Hiến máu nhiều lần có thể giúp lưu lượng máu chảy dễ dàng hơn, đồng thời ít gây tổn hại đến niêm mạc của mạch máu, ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch. Bên cạnh đó, hiến máu cũng giúp sản sinh ra lượng máu mới, đồng thời các thành phần trong máu sẽ được trẻ hóa, có sức đề kháng, chống bệnh tật mạnh hơn.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim:

Mặc dù sắt là yếu tố cần thiết giúp cơ thể hoạt động tốt, nhưng thừa sắt có thể dẫn đến mất cân bằng ôxy hóa quá mức. Đây chính là thủ phạm chính gây gia tăng lão hóa, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Trong các tế bào hồng cầu chứa 70% sắt trong cơ thể. Khi hiến máu thường xuyên sẽ giúp kiểm soát lượng sắt trong cơ thể, đặc biệt với nam giới. Điều này làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Đốt cháy lượng calo:

Mỗi lần hiến máu sẽ tiêu hao 650kg calo. Điều này giúp bạn kiểm soát được cân nặng của mình. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể hiến máu an toàn khi mỗi lần hiến máu cách nhau 2-3 tháng và không được nhiều hơn.

Giảm nguy cơ ung thư:

Nồng độ sắt cao trong cơ thể dễ gây ra ung thư. Về mặt lý thuyết, hiến máu thường xuyên có thể ngăn ngừa các bệnh ung thư như gan, phổi, đại tràng, dạ dày và ung thư vòm họng.

Được kiểm tra sức khỏe miễn phí:

Trước khi hiến máu, bạn sẽ phải trải qua một loạt hoạt động kiểm tra sức khỏe như đo nhiệt độ, huyết áp và nồng độ hemoglobin. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn truyền máu, máu còn được sàng lọc qua 4 công đoạn khác nhau: sàng lọc bằng bảng câu hỏi, sàng lọc qua thăm khám bác sĩ, xét nghiệm huyết thanh học và xét nghiệm NAT.

Xét nghiệm huyết thanh học nhằm phát hiện các kháng thể và kháng nguyên để đảm bảo máu và các chế phẩm từ máu không mang mầm bệnh, còn xét nghiệm NAT sử dụng phản ứng chuỗi polyme giúp phát hiện trực tiếp các RNA và DNA của virus, từ đó phát hiện các mầm bệnh nguy hiểm ngay từ giai đoạn đầu, giúp rút ngắn đáng kể giai đoạn cửa sổ đối với HIV, viêm gan B và C so với sàng lọc huyết thanh.

Bạn có thể được thông báo nếu phát hiện ra bất cứ bất thường nào trong quá trình kiểm tra. Hiến máu thường xuyên chính là một hình thức kiểm tra sức khỏe miễn phí và giúp bạn giữ gìn sức khỏe.

Vì sao nhiều người e ngại hiến máu?

Sở dĩ phong trào hiến máu chưa đạt được hiệu quả cao là do, nhiều người dân còn em ngại, lo sợ những tác hại khi hiến máu như: sợ hiến máu xong cơ thể sẽ yếu, sút cân, sợ máu, sợ kim tiêm, đặc biệt là sợ lây nhiễm bệnh tật… điển hình trong số đó là bị nhiễm HIV/AIDS.

Trên thực tế, virus HIV chỉ lây lan ở một bộ phận người nhất định như: Tiêm chích ma túy, quan hệ với gái mại dâm, dùng chung bơm kim tiêm… Vì vậy, người đi hiến máu không cần lo lắng về nguy cơ nhiễm HIV khi đi hiến máu. Kim dùng để lấy máu của người hiến chỉ được dùng 1 lần duy nhất nên không có nguy cơ lây nhiễm HIV hay các mầm bệnh khác.

Thực tế, trước khi hiến máu, mỗi người hiến sẽ được phát một túi máu riêng đã được niêm phong. Kim lấy máu cũng đã được tiệt trùng 100%. Do vậy, người hiến máu yên tâm là sẽ không có bất cứ bệnh truyền nhiễm hay mầm bệnh nguy hiểm nào có thể lây lan khi hiến.

Trước khi và hiến máu phải làm gì?

– Đêm hôm trước ngày hiến máu không thức quá khuya, nên ăn nhẹ và không uống rượu bia.

– Trong 2-3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực: đá bóng, tập tạ, không leo trèo cao… không thức quá khuya, không uống rưọu bia.

– Nếu thấy cơ thể hơi mệt mỏi, nên nghỉ ngơi, tránh hoạt động quá nhiều. Nên bình tĩnh và yên tâm, đây chỉ là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể biểu hiện đang trong quá trình phục hồi và tái tạo máu. Nếu yên tâm, tinh thần thoải mái và nghỉ ngơi tốt thì những biểu hiện này sẽ nhanh chóng qua đi.

– Tiếp tục giữ gìn sức khỏe và tham gia hiến máu nhắc lại. Những đơn vị máu của những người hiến máu nhắc lại sẽ có chất lượng và an toàn hơn rất nhiều cho người bệnh nhận máu.

Bạn nên biết

Những người đủ điều kiện hiến máu: trong độ tuổi từ 18-60 đối với nam, 18-55 đối với nữ; cân nặng: nam và nữ trên 45kg; khoảng cách giữa hai lần hiến máu là 12 tuần.

Đối với những người khỏe mạnh mỗi lần hiến không quá 9ml/kg cân nặng sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe, người 45kg có thể hiến từ trên 350ml máu mỗi lần.

An Nhiên

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook