Thứ Ba, 22/03/2016 | 16:00

Sống giữa thời đại công nghệ, dường như điện thoại và máy vi tính trở thành những vật bất ly thân của rất nhiều người. Tuy nhiên, ngoài những tiện lợi mà công nghệ mang lại, bạn đang phải hứng chịu những tổn thương âm thầm về sức khoẻ.

Hiện đại thành… “hại điện”

Rối loạn giấc ngủ

Bạn có biết, ánh sáng toả ra từ màn hình máy tính hay smartphone đang làm sai lệch chu kì giấc ngủ của những người sử dụng nó, đặc biệt là vào buổi tối. Theo đó, loại ánh sáng này sẽ ức chế thần kinh, ngăn cản cơ thể tạo ra melatonin- một loại chất hoá học giúp con người cảm thấy buồn ngủ.

Nói cách khác, sử dụng smartphone hay máy tính vào buổi tối sẽ khiến chúng ta khó ngủ hơn. Đó là lý do chúng ta thường không buồn ngủ và ngủ muộn hơn mức thông thường khi tiếp xúc chúng.

Ngoài ra, chị em phụ nữ nên biết, melatolin không chỉ có nhiệm vụ giúp chúng ta chìm vào giấc ngủ, mà còn làm chậm tiến triển của các tế bào ung thư và nhiều căn bệnh khác.

Suy giảm hệ miễn dịch

Việc thiếu hụt melatolin thường xuyên khiến sức đề kháng của cơ thể trở nên yếu đi, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ bởi nếu thiếu hụt melatolin một cách thường xuyên sẽ không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thông thường mà còn có nguy cơ bị ung thư vú, ung thư buồng trứng. Đối với nam giới có thể là ung thư tuyến tiền liệt.

Mặt khác, trên bàn phím máy tính cũng như bề mặt của smartphone có rất nhiều vi khuẩn gây hại đối với chúng ta. Đặc biệt là smartphone, thiết bị mà chúng ta sử dụng nhiều nhất và mang đi nhiều nơi nhất khiến cho lượng vi khuẩn tích tụ.

Theo báo cáo của Mashables – kênh thông tin New York đưa ra dựa trên nghiên cứu của Viện Sử học Vi sinh lâm sàng và Kháng sinh tại Anh – Annals of Clinical Microbiology and Antimicrobials thì màn hình smartphone còn bẩn hơn chiếc bồn trong nhà vệ sinh với mật độ vi khuẩn 25.107 con/ 2.54cm2 trong khi nhà chiếc bồn trong nhà vệ sinh chỉ có 1201 vi khuẩn/2.54cm2.

Điều khủng khiếp là da mặt chúng ta vẫn tiếp xúc với smartphone hằng ngày dễ dàng bị lây nhiễm với ổ vi khuẩn kia mỗi khi nghe điện thoại. Do đó, nghe điện thoại nhiều đặc biệt khiến mặt chị em phụ nữ nổi mụn do nhiễm khuẩn. Đó là chưa kể sẽ hình thành các nếp nhăn và bọng mắt nếu tiếp xúc quá nhiều.

Nguy cơ trầm cảm

Việc thiếu hụt melatonin không chỉ khiến hệ thống miễn dịch suy yếu, mắc nhiều bệnh về thể chất mà tâm thần của chúng ta cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực, điển hình là chứng trầm cảm. Nguyên nhân do nhịp sinh học bị đảo lộn khi thiếu melatonin, sẽ khiến hệ thống thần kinh trung ương ảnh hưởng, khiến chúng ta không được tỉnh táo.

Mặt khác, việc tiếp xúc quá nhiều với những thiết bị công nghệ có kết nối internet khiến cho sợi dây liên hệ trực tiếp giữa người với người càng ngày càng mong manh.

Theo đó, nhiều người sẵn sàng bỏ qua những chuyển động xung quanh để chia sẻ những cảm xúc, trạng thái trên mạng xã hội- nơi mà họ gần như cảm thấy mình là trung tâm của thế giới.

Chúng ta thường dễ bị những cảm xúc “ảo” này đánh lừa và trở nên “nghiện” các thiết bị có kết nối internet. Nếu vắng chúng trong một thời gian, bạn sẽ luôn cảm thấy thiếu thốn, chân tay bồn chồn, kết quả là sinh ra cáu gắt, ám ảnh và trầm cảm.

Rối loạn thị giác

Điều này không thể chối bỏ bởi chúng ta vẫn thường nhìn quá gần vào smartphone hay màn hình máy tính. Mặt khác, ánh sáng bức xạ từ màn hình các thiết bị này cũng gây suy giảm thị lực cho bạn, và việc bạn theo dõi quá chăm chú vào màn hình máy tính sẽ khiến cho mắt mắc phải các bệnh như khô mắt, cơ mắt bị căng thẳng và dễ dàng bị thoái hoá.

Tăng nguy cơ đau mãn tính

Không chỉ nhìn, chúng ta thường xuyên cử động các ngón tay để điều khiển các thiết bị di động này. Việc đánh máy quá nhiều trên bàn phím máy tính hay cầm smartphone quá lâu dễ dàng dẫn đến các bệnh về xương, khớp cho khu vực bàn tay.

Một trong số đó phải kể đến hội chứng “chuột máy tính”- hay còn gọi là hội chứng “ống cổ tay” với biểu hiện đau buốt nơi cổ tay. Nguyên nhân là chúng ta gõ bàn phím quá nhiều và quá lâu, nhất là đối với những ai gõ 10 ngón, việc cố định cổ tay khiến cho cổ tay không được chuyển động, gây sức ép lên những dây thần kinh trong bộ phận này.

Còn đối với những ai sử dụng smartphone, việc cầm nắm thiết bị này trong thời gian dài cũng khiến các cơ trên tay bị co cứng, gây mỏi, đau nhức xương khớp.

Nguyễn Lâm

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook