Mua đồ cũ có thể giúp bạn tiết kiệm một khoản tiền ban đầu nhưng có thể tiềm ẩn vô số nguy cơ với sức khỏe
Trên thị trường không khó để tìm thấy các hàng bán đồ cũ từ đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cho tới quần áo, mỹ phẩm của chị em. Nhiều người lâu nay vẫn có thói quen dùng hàng thùng, giá rẻ mà chất liệu, mẫu mã lại ưng ý. Thế nhưng, đằng sau những mớ hàng thùng đó lại là đầy rẫy những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
Ham đồ cũ giá rẻ, mang họa vào thân
Thấy con gái nhỏ hay ho hắng, ốm sốt, anh Tuấn Anh (Từ Liêm – Hà Nội) quyết định tìm mua bộ lọc không khí để giúp con gái có một bầu không khí trong lành, không làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp non nớt của con. Tuy nhiên, để tiết kiệm tiền, thay vì tìm mua một bộ lọc không khí mới của các hãng uy tín, anh lại tìm đến hàng bán đồ cũ để mua. Với anh, đồ cũ nhưng mới sử dụng thì cũng không có vấn đề gì. “Tôi vẫn hay dùng hàng đã qua sử dụng nên cũng định tìm xem có cửa hàng nào bán bộ lọc cũ không. Nếu chọn được một cái ưng ý, còn mới thì còn gì bằng, vừa rẻ lại vừa chất lượng”. – Đó là lời tâm sự của ông bố 1 con.
Theo lời người bán hàng, bộ lọc đó vừa mới sử dụng được thời gian ngắn, nhưng do gia đình họ chuyển đi xa không muốn mang theo nên bán thanh lý. Anh Tuấn Anh tin tưởng nên mua về để giúp không khí trong nhà trong sạch hơn, con gái ít ốm đau, ho hắng hơn. Vậy mà qua 1 tháng sử dụng, con gái vẫn ốm thường xuyên, những cơn ho kéo dài không dứt, thi thoảng còn kèm hiện tượng khó thở.
Đến bệnh viện bác sĩ mới kết luận bé bị hen suyễn do môi trường không khí nhiều bụi bẩn.Thắc mắc lắm với kết luận này, anh Tuấn về kiểm tra thì tá hỏa nhận ra, bộ lọc không khí được coi là mới ấy đã chứa đầy bụi bẩn. Như vậy, món đồ anh mua về chỉ khiến nhà thêm ô nhiễm chứ không hề lọc sạch không khí. Trên thực tế, bộ lọc không khí tích tụ được khoảng 18kg bụi một năm, vì thế ngôi nhà bạn trở thành nơi vô cùng ô nhiễm, bẩn thỉu nếu không thay mới bộ lọc thường xuyên. Ở trong môi trường không đảm bảo như thế, con người sẽ rất dễ mắc phải bệnh hen suyễn, dị ứng…
Lưu ý:
Thay bộ lọc không khí 1 lần/tháng hoặc nếu không bạn có thể chọn bộ lọc không khí có khả năng diệt trừ được nấm mốc và bụi ra khỏi ngôi nhà mà bạn đang sinh sống.
“Săn” hàng secondhand, thói quen nguy hiểm của chị em
Cũng là thói quen dùng hàng thùng, mà bạn Bảo Châm (sinh viên đại học Ngoại Ngữ – Hà Nội) bị mắc các bệnh ngoài da. Vừa phải khốn khổ trải qua 1 thời gian dài để chữa bệnh ghẻ, Châm tâm sự: “Sinh viên thì lúc nào cũng kẹt tiền, nhưng em vẫn mê đi sắm đồ lắm. Kinh tế eo hẹp mà vẫn muốn nhu cầu bản thân được đáp ứng. Vậy chỉ còn cách lang thang ở hàng thùng để mua đồ thôi.”
Với sở thích mua sắm hàng thùng của mình, Châm đã phải trả giá khi tốn thêm nhiều tiền và thời gian để đến bệnh viện da liễu sau khi bị dị ứng toàn thân. Ban đầu, Châm chỉ thấy vài nốt xuất hiện, xong càng ngày càng nhiều, không thể tự chữa bằng cách bôi thuốc được nữa. Lúc này, cô gái trẻ mới đi khám thì bác sĩ kết luận bị ghẻ. Nghe thông tin ấy, Châm thấy hối hận vô cùng vì tham rẻ để rồi lây bệnh của người khác.
Quần áo, đồ lót cũ, đồ bơi, gối cũ… tưởng chừng cứ tiệt trùng, giặt sạch sẽ là có thể dùng được. Nhưng sự thật không phải vậy. Với những ký sinh trùng như con ghẻ mà Châm mắc phải, nó có thể sống được 5 ngày ở môi trường ngoài cơ thể. Vì thế nếu thời gian vận chuyển hàng hóa này về cho chúng ta sử dụng dưới 5 ngày thì nguy cơ bệnh ghẻ vẫn có thể lan truyền rất cao. Ngoài ra, bệnh nấm có thể trú ngụ trên quần áo hàng thùng cả năm trời nên việc dùng hàng thùng là vô cùng nguy hiểm.
Lưu ý:
Bạn nên hạn chế mua đồ quần áo hàng thùng để không bị gặp rắc rối những vấn đề về bệnh ngoài da.
Mỹ phẩm hết date – “kẻ thù” của làn da
Trường hợp không sử dụng đồ mỹ phẩm hết ngày này qua tháng khác cũng gây nhiều hậu quả khôn lường. Là nhân viên chăm sóc khách hàng qua điện thoại nên chị Bích Hạnh (Thái Thịnh – Hà Nội) rất ít trang điểm. Chị tâm sự: “Ít dùng mỹ phẩm nhưng đã là con gái thì luôn cần có một bộ trang điểm để khi cần là có ngay. Nhưng do cả tháng tôi mới dùng tới bộ trang điểm 1 lần, nên có khi 2 năm chẳng phải thay một hộp phấn, một thỏi son hoặc mascara nào.”
Chị Hạnh chỉ đơn giản nghĩ, khi nào đồ hết thì thay chứ không hề biết việc mascara quá cũ, miếng xốp để đánh phấn lâu ngày sẽ là nơi tích tụ vi khuẩn làm ảnh hưởng đến bản thân. Lần gần đây, chị Hạnh đi dự đám cưới người bạn nên cũng muốn mình rạng rỡ hơn. Chị trang điểm rất kỹ và kết quả là về nhà chị bị dị ứng nặng do kích ứng da sau khi dùng đồ mỹ phẩm quá date mà không biết. Sự chủ quan, thiếu cẩn thận đã khiến chị phải đi chữa da liễu hàng tháng trời mới khỏi.
Lưu ý:
6 tháng là thời điểm bạn cần thay thế các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp của mình một lần. Trong thời gian sử dụng bạn cũng cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ trang điểm thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn tích tụ lâu ngày.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng đồ cũ
Đối với quần áo secondhand:
Khi đi mua, bạn không nên thử đồ ngay tại hàng vì khi đó quần áo còn chưa được xử lý kỹ, có khả năng lây bệnh từ những người mặc trước, thử trước đó.
Khi mua về, bạn nên giặt lại thật sạch, phơi ngoài nắng to. Khi khô rồi bạn cũng không nên mặc ngay mà nên để vài ngày sau mới dùng. Khi mặc cũng cần chú ý là thật kỹ mặt trong mặt ngoài để đảm bảo vi khuẩn còn sót lại trên quần áo bị tiêu diệt.
Tuyệt đối không mua đồ bơi, đồ lót là sản phẩm của hàng thùng để tránh mắc các bệnh phụ khoa, viêm nhiễm.
Đối với đồ dùng trong gia đình:
Bạn cần tìm hiểu kỹ sản phẩm, nếu sản phẩm đã quá cũ thì không nên mua nữa kể cả hàng hãng, hàng xịn. Đồ dùng cá nhân, đồ trang điểm bạn cần vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng và chú ý để thời gian sử dụng của nó để thay thế kịp thời trước khi hết hạn sử dụng.
Hạnh Vân
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.