Thứ Bảy, 17/10/2015 | 22:43

Hán phòng kỷ (Radix Stephaniae Tetrandrae) còn gọi là phấn phòng kỷ hay phòng kỷ, là rễ phơi hay sấy khô của cây hán phòng kỷ (Stephania Tetrandra S. Moore) thuộc họ tiết dê (Menispermaceae).

Hán phòng kỷ (Radix Stephaniae Tetrandrae) còn gọi là phấn phòng kỷ hay phòng kỷ, là rễ phơi hay sấy khô của cây hán phòng kỷ (Stephania Tetrandra S. Moore) thuộc họ tiết dê (Menispermaceae).

Hán phòng kỷ khu phong trừ thấp

Tuy nhiên cần phân biệt với các loại phòng kỷ khác như quảng phòng kỷ hay mộc phòng kỷ (Aristolochia fangchi Y.C.Wu ex L.D.Chu et M Hwang) thuộc họ mộc thông (Aristolochiaceae). Hán trung phòng kỷ (Radix Aristolochiae heterophyllae) cùng họ mộc thông (Aristolochiaceae).

Cần lưu ý phân biệt cây quảng phòng kỷ cũng gọi là mộc phòng kỷ nhưng cũng có cây mộc phòng kỷ tên khoa học là Couuluc triobus (Thumb) D.C là hai loai khác nhau. Trên thực tế còn nhiều loại phòng kỷ bởi vậy trong nghiên cứu trị liệu cũng cần phân biệt cho chuẩn xác. Dưới đây xin chỉ giới thiệu loại hán phòng kỷ thuộc họ tiết dê.

Trong y học hiện đại người ta đã phân tích thành phần hóa học của hán phòng kỷ thấy chủ yếu chứa tetrandrine, fangchinoline, menisine, menisidine, cyclanoline, fanchinine, demethyltetradrine…

Với các kết quả nghiên cứu dược lý, nhiều loại alcaloid của hán phòng kỷ có tác dụng hạ áp nhanh. Thuốc có tác dụng làm giãn mạch vành, tăng lưu lượng máu ở mạch vành khiến làm giảm sự tiêu hao ôxy của cơ tim. Thuốc còn có công hiệu chống rối loạn nhịp tim. Chất tetrandrine A & B của thuốc đều có tác dụng chống viêm. Song các tetrandrine này cũng đều có tác dụng giảm đau. Thuốc còn có công hiệu giải nhiệt và chống dị ứng và còn khả năng chống choáng quá mẫn. Thuốc còn có tác dụng làm thư giãn cơ vân. Đặc biệt có tác dụng chống ung thư mà chủ yếu là do phòng kỷ tố A; song phòng kỷ tố A & B đều có tác dụng kháng amip; riêng phòng kỷ tố A có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ Shigella.

Đông y cho rằng hán phòng kỷ có vị đắng, cay, tính hàn, quy vào các kinh tỳ, thận và bàng quang. Các y thư cổ cũng viết vị cay, tính bình (Bản kinh); Khí hàn, vị đại khổ (sách y học Khởi nguyên); Sách Bản thảo tái tân nói nhập can, tỳ, thận…

Về dược lý cũng cho rằng hán phòng kỷ có tác dụng khu phong, trừ thấp, chỉ thống, lợi thủy. Chủ trị chứng phong thấp tý thống, thủy thũng, cước khí phù thũng… Nhiều y thư cổ như sách Bản kinh cũng viết: Chủ phong hàn ôn ngược, nhiệt khí chư nhàn (các loại bệnh phong hủi), trừ tà, lợi đại tiểu tiện. Sách Bản thảo thập di: Hán phòng kỷ chủ thủy khí; mộc phòng kỷ chủ phong khí, tuyên thống. Sách Dược tính bản thảo: Hán phòng kỷ trị thấp phong, khẩu diện oa tà, thủ túc thống, tán lưu đàm, chủ phế khí thấu suyễn.

Liều lượng trung bình cho mỗi thang thuốc sắc sử dụng hán phòng kỷ là từ 5 – 10g/ngày. Cần lưu ý khi sử dụng: Vì thuốc có vị đắng hàn nên dễ gây tổn thương cho tỳ vị, do đó những người có tỳ vị vốn hư, âm hư mà không có chứng thấp nhiệt không dùng. Trên thực nghiệm khi cho động vật uống liều lớn phòng kỷ tố A gây độc cho gan, thận, tuyến thượng thận nên khi sử dụng thuốc cần thận trọng. Trong kinh nghiệm sử dụng của Đông y cho thấy hán phòng kỷ và mộc phòng kỷ đều có tác dụng trừ phong thấp và tiêu thũng, nhưng hán phong kỷ lợi thủy, tiêu thũng mạnh hơn, còn mộc phòng kỷ lại khu phong chỉ thống tốt hơn.

Để tham khảo và ứng dụng, dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc tiêu biểu trong trị liệu có dùng phòng kỷ.

Trị viêm khớp sưng đau: Dùng Phòng kỷ thang: phòng kỷ 12g, bạch truật 12g, sinh khương 12g, bạch linh 12g, cam thảo 9g, ô đầu 6g, quế chi 3g. Sắc lấy nước thuốc pha thêm rượu uống.

Hoặc dùng: Mộc phòng kỷ 15g, ý dĩ nhân 15g, mộc qua 9g, ngưu tất 9g, sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần uống trong ngày.

Trị thấp khớp, đau dây thần kinh: Mộc phòng kỷ 10g, uy linh tiên 12g, tam sà 10g, kê huyết đằng 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Trị phù, tiểu tiện ít: Phòng kỷ 10g, bạch truật 10g, sinh hoàng kỳ 16g, cam thảo 5g, sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần.

Hoặc phòng kỷ 10g, phục linh 10g, hoàng kỳ 10g, quế chi 10g, cam thảo 6g, sắc uống ngày 1 thang.

Trị nhiệt tý (thấp khớp cấp): Dùng rượu phòng kỷ 10% uống ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 10 – 20ml, cứ 10 ngày là một liệu trình. Dùng liền 3 – 6 liệu trình, khoảng cách giữa các liệu trình từ 4 – 5 ngày.

BS. Hoàng Xuân Đại

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook