Đừng nghĩ khi con lớn lên sẽ tự khắc học được những quy tắc ăn uống và trở thành người lịch sự. Việc uốn nắn ngay từ nhỏ sẽ giúp con không mắc những thói quen khó sửa sau này và trở thành người thiếu lịch sự.
Không phải cứ ngồi vào rồi ăn
Thường trẻ nhỏ sẽ được ăn chung bàn với các người lớn trong gia đình. Vậy nên quy tắc đầu tiên bạn phải dạy con là mời ông bà cha mẹ, anh chị… trước khi ăn. Khi đi ăn ở ngoài cũng không ngoại lệ.
Những hành động không được làm khi ăn
– Không chống tay khi ăn.
– Không chép miệng khi ăn.
– Không vừa ăn và nói khi miệng còn đầy thức ăn.
– Không nhai tóp tép hoặc nuốt thức ăn có tiếng ừng ực.
– Cầm bát lên khi gắp thức ăn vào miệng.
– Không nghịch thiết bị điện tử khi ngồi vào bàn ăn.
– Không dùng đũa khoắng vào bát canh.
– Khi chấm thức ăn không nên nhúng cả đầu đũa vào bát nước chấm.
– Không dùng đầu đũa mình đang ăn để gắp thức ăn cho người khác.
– Sau khi múc canh phải đặt úp thìa xuống, không được để ngửa thìa, hoặc để thìa nổi trên bát canh.
Nếu thức ăn xa tầm tay, hãy nhờ người khác lấy giùm
Hãy dạy con nhờ người khác lấy hộ đồ ăn ở xa thay vì rướn người bởi đây là hành động mất lịch sự, ảnh hưởng đến người ngồi bên cạnh.
Đừng quên trải khăn ăn
Những lần đưa con đi ăn tiệc cùng, hãy chú ý dạy bé cách trải khăn ăn lên đùi để hứng những thứ bị rơi trong quá trình ăn, giữ cho quần áo sạch sẽ sau khi ăn. Đây cũng là một trong những phép lịch sự cần thiết khi ăn uống.
Tư thế ngồi ăn lịch sự
Bạn nên dạy con ngồi ngay ngắn, thẳng lưng và thả lỏng trong khi ăn. Đừng để trẻ tự do ngồi kiểu gì cũng được bởi lâu ngày sẽ thành thói quen và khiến con trở nên bất lịch sự khi ăn ở nơi đông người.
Biết nói cám ơn và không chê đồ ăn
Nếu bạn không dạy con cách ứng xử lịch sự này trong bữa ăn, thì lớn lên con sẽ tự cho mình quyền chê bai và coi nhẹ công sức lao động của người khác. Bạn cần dạy con biết trân trọng công sức của người đã vất vả nấu ra những món ăn, bằng cách nói cám ơn và không chê bai đồ ăn.
T/H
Chưa có bình luận.