Thứ Ba, 05/07/2016 | 20:33

Phải cho con ăn nhiều thịt mới tốt, cho con ăn cơm và thịt bằng nhau, cho uống sữa hoặc ăn đồ ngọt giữa bữa cơm… đó là những sai lầm khiến chế độ ăn uống của trẻ mất cân đối, rối loạn dinh dưỡng. Nhằm khắc phục tình trạng này, tại Ngày hội dinh dưỡng trẻ em được tổ chức tại Nhà hát Bến Thành vừa qua, BS Chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) đã cung cấp cho phụ huynh những kiến thức bổ ích nhằm giúp cho bữa ăn của trẻ đảm bảo dinh dưỡng và an toàn.

Giải pháp dinh dưỡng hợp lý cho trẻBữa cơm dinh dưỡng cho bé cần có đầy đủ chất bột đường, thịt cá và rau củ

Thiếu dinh dưỡng và những hệ lụy

BS Chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp lưu ý, vấn đề dinh dưỡng không hợp lý cho trẻ ở nước ta đang xảy ra rất phổ biến. Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM mỗi ngày khám cho 600 bệnh nhi, thì có đến 50% trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, chế độ ăn không cân đối cũng là một trong những vấn nạn rất nặng nề hiện nay, gây rối loạn dinh dưỡng ở trẻ. Đó cũng là lý do dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì.

Nguyên nhân của tình trạng trên do nhiều yếu tố như kinh tế khó khăn, cha mẹ quá bận rộn với công việc; thực phẩm không an toàn, thiếu vi chất, chất dinh dưỡng trong thức ăn thấp, do bệnh tật, và đặc biệt là những sai lầm trong việc chăm sóc dinh dưỡng, cụ thể là bữa ăn cho trẻ. Thực tế có nhiều phụ huynh cho con ăn lượng cháo và thịt hoặc cơm và thịt bằng nhau (thiếu canxi), cho con uống sữa hoặc ăn đồ ngọt giữa bữa cơm (khiến trẻ ngang dạ), không cho trẻ ăn rau và trái cây (thiếu chất xơ). Thật ra trẻ ít ăn rau và trái cây hầu hết đều do cha mẹ cũng ít ăn, thậm chí có những trường hợp phụ huynh hoàn toàn không ăn rau và trái cây, không phải vì lý do bệnh lý, mà là thói quen, nhưng lại ép con ăn dẫn đến tình trạng trẻ trở nên biếng ăn vì bị ép quá nhiều. Theo kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, có khoảng từ 19-50% trẻ em ở TP.HCM rơi vào tình trạng biếng ăn, khiến các bà mẹ rất vất vả, áp lực.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Trong đó, tình trạng thiếu kẽm ở trẻ em VN lên đến 70%, thiếu máu ở trẻ dưới 5 tuổi khoảng 30% (cứ 3 em bé thì 1 bé bị thiếu máu) và thiếu vitamin A là 13%. Do đó, BS Diệp khuyên trong trường hợp bà mẹ muốn sinh con, cần lưu ý vì chế độ dinh dưỡng, vì tình trạng thiếu vitamin A của một bà mẹ có con dưới 6 tháng tuổi chắc chắn sẽ làm cho con cũng bị thiếu vitamin A. Trẻ thiếu loại vitamin này sẽ chậm phát triển, dễ mắc bệnh về mắt.

BS Chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho biết, nước ta hiện đang nằm trong nhóm 10 quốc gia có số trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cao nhất thế giới, và cách đây một tuần thì một trong những nghiên cứu căn bản được công bố cho thấy VN là một trong 3 quốc gia có chiều cao trung bình của người trưởng thành thấp nhất thế giới. Do đó việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Theo BS Diệp, hậu quả của vấn đề thiếu dinh dưỡng sẽ khiến trẻ chậm phát triển trí tuệ, giảm IQ, hay mắc bệnh tiêu chảy, viêm đường hô hấp, tăng nguy cơ tử vong, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh mạn tính khi trưởng thành (đái tháo đường, huyết áp…).

Giải pháp dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của trẻ

Theo BS Diệp, để đảm bảo nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng, mỗi ngày trẻ cần cung cấp khoảng 20 loại thực phẩm. Trong đó 50% chất bột đường, 25% tôm, cua, thịt, trứng và 25% rau và trái cây. Bên cạnh ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ, phụ huynh nên lựa chọn thức ăn giàu chất dinh dưỡng và đảm bảo an toàn vệ sinh bằng cách mua thực phẩm trong siêu thị hoặc chợ truyền thống, nhưng cần lưu ý chọn loại thực phẩm được bán trên sạp cao, tránh mua ở lề đường, hàng rong. Thực phẩm nên được bảo quản bằng đồ đựng thủy tinh trong tủ lạnh, tránh sử dụng bịch nilon hoặc đồ nhựa để không bị thôi nhiễm. Thức ăn của trẻ nên nấu và sử dụng trong ngày. Khi chế biến không nên đun liu riu, hầm nhừ hoặc mở nắp nồi sẽ làm mất chất dinh dưỡng.

Điều cần lưu ý nữa là phụ huynh nên chọn thức ăn cho trẻ theo lứa tuổi. Đối với trẻ 12 tháng tuổi, không nên cho ăn cơm hoặc thức ăn cứng. Có thể vài ngày đầu bé sẽ ăn rất hào hứng, nhưng sau vài tuần thức ăn cứng sẽ làm cho bé sợ ăn. Ở độ tuổi này nên cho bé ăn thức ăn mềm như cháo cá lóc, mồng tơi. Trẻ 19 tháng tuổi nên cho ăn nui tôm thịt. Trẻ 24 tháng tuổi, đã có nhiều răng hàm mới nên cho ăn cơm hoặc thức ăn cứng. Bên cạnh các bữa ăn dinh dưỡng, trẻ cũng cần được bổ sung vi chất khi có chỉ định như sắt, kẽm, selen, vitamin…

Tuy nhiên, theo BS Diệp, đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ thôi chưa đủ, phụ huynh cũng cần xây dựng thói quen ăn uống tốt cho con nhằm giúp bé tiêu hóa tốt. Để giúp trẻ tập trung vào bữa ăn, phụ huynh không nên cho con vừa ăn vừa xem ti vi, không ăn kèm đồ ngọt hoặc sữa vào giữa bữa ăn, giới hạn bữa ăn trong khoảng 30 phút…

Bài, ảnh: Bích Vân

Nguồn: Giáo dục Online

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook