“Cốc vũ” là một trong 24 tiết khí của Trung Quốc và một số nước châu Á khác như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Đối với người Trung Hoa, tiết Cốc vũ mang ý nghĩa là “mưa rào”.
Đây được xem là giai đoạn chuyển giao từ mùa xuân sang mùa hè, thường bắt đầu từ ngày 19 – 20 tháng 4 cho đến ngày 5 – 6 tháng 5.
Vào khoảng thời gian này, nhiệt độ có xu hướng tăng nhanh, “bệnh can khí” (cách gọi của Đông Y, chỉ chứng lườn đau, buồn nôn, tiêu chảy) dễ có nguy cơ bùng phát. Vì vậy, Trung y đưa ra một số lời khuyên phòng bệnh giao mùa cho mọi người.
Giải độc, dưỡng gan, tẩm bổ đôi mắt
Xuân qua, hè đến, dựa vào quan điểm “mùa xuân dưỡng gan” của Trung Y mà nói, khoảng thời gian này chính là thời cơ tốt để giải độc, dưỡng gan, tẩm bổ cho đôi mắt.
Trong số các loại rau, cải bó xôi chính là “thần dược” dành cho lá gan của chúng ta.
Trung Y cho rằng cải bó xôi có vị ngọt, tính lạnh, lại sở hữu công dụng bổ huyết, cầm máu, lợi ngũ tạng, thông huyết mạch, không chỉ giúp nhuận tràng, sinh âm mà còn bổ gan, hỗ trợ tiêu hóa và thanh lọc nhiệt độc trong dạ dày.
Đây chính là liều thuốc tự nhiên vô cùng hiệu nghiệm cho những đối tượng bị hoa mắt, đau đầu, chóng mặt và cao huyết áp vào thời điểm tiết Cốc Vũ đang diễn ra.
Bên cạnh đó, khi tiết trời trở nên khô nóng, chúng ta nên thưởng thức nhiều loại thực phẩm có tính lạnh như dưa hấu, chuối, lê, cà chua, mướp đắng, rong biển, hải sản…
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng chỉ nên ăn nhiều thực phẩm có tính lạnh chứ tuyệt đối không nên lạm dụng đồ uống lạnh. Bởi lẽ, uống quá nhiều đồ lạnh sẽ gây kích thích cho dạ dày, tá tràng, dẫn đến tỳ vị hư hàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Ăn nhiều thực phẩm “khử thấp”
Khoảng thời gian cuối xuân đầu hạ, nhiệt độ trong không khí ngày càng tăng, cơ thể con người cũng theo đó mà nảy sinh nhiều phản ứng không khỏe.
Đánh giá từ góc độ dưỡng sinh, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do môi trường ẩm ướt dẫn đến ăn uống không tốt, vai gái và các khớp xương đau nhức, cơ thể nặng nề…
Vì vậy, dưỡng sinh vào khoảng thời gian này cần chú ý khử thấp, kiện tỳ. Chế độ ăn uống khoa học, hợp lý chính là chìa khóa để đạt được mục tiêu này.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chúng ta nên hạn chế ăn các món chua và cay trong khoảng thời gian này. Thay vào đó, mọi người nên tăng cường uống canh đậu đỏ, nước ô mai, trà xanh và nhiều đồ uống thanh nhiệt khác để tránh cho cơ thể bị nóng trong.
Duy trì thói quen vận động vào sáng sớm
Khi tiết Cốc Vũ qua đi, cơ thể chúng ta phải chuẩn bị thật tốt để bắt kịp với mùa hạ. Lúc này, mọi người nên ngủ sớm, dậy sớm để dương khí có cơ hội được sản sinh.
Bên cạnh đó, việc vận động vào sáng sớm sẽ tạo điều kiện cho cơ thể hấp thu dương khí từ ánh nắng mặt trời, đồng thời làm cho hàn khí tích tụ từ mùa đông có cơ hội phát ra ngoài trong quá trình luyện tập.
Đối với người ngủ 7 tiếng, khoảng thời gian từ 4h đến 6h được tính là “sáng sớm”. Trong khi đó, 5h tới 7h mới là “sáng sớm” của những người ngủ 8 tiếng.
Duy trì thói quen ra ngoài vận động vào những thời điểm vàng trên sẽ giúp cơ thể chuẩn bị tốt về mặt thể lực để bước vào mùa hè nắng nóng.
Phòng chống dị ứng, giữ tinh thần an nhiên
Theo kiến nghị của các chuyên gia về da liễu, vào độ cuối xuân, những người thuộc thể chất dị ứng nên tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh (phấn hoa, hải sản, lông vật nuôi…) và giảm thiểu tần suất ra ngoài.
Trong chế độ ăn uống, các đối tượng này nên thưởng thức các món ăn thanh đạm, hạn chế đồ cay nóng. Khi thấy có thể xuất hiện các phản ứng mẫn cảm, cần nhanh chóng đến bệnh viện để tiến hành kiểm tra và điều trị kịp thời.
Chưa dừng lại ở đó, để đề phòng nóng trong vào khoảng thời gian này, yếu tố tinh thần cũng đóng một vai trò tương đối quan trọng.
Chúng ta nên giữ cho tâm lý thoải mái và duy trì những cảm xúc tích cực bằng các hình thức như câu cá, nghe nhạc, tập thái cực quyền…
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: TTOnline
Chưa có bình luận.