Dùng xi lanh tự rửa mũi cho trẻ có thể gây ảnh hưởng niêm mạc mũi, gây sặc và thậm chí tổn thương hệ hô hấp của trẻ.
Thời gian gần đây, phụ huynh thường truyền tai nhau cách rửa mũi cho trẻ bằng xi lanh. Cách làm này từng được một số bà mẹ chia sẻ trên mạng xã hội và chính họ tự ca ngợi đây là cách làm hay nên áp dụng. Chị Th (Hà Nội) mới học lỏm được cách này trên mạng nên làm theo để rửa mũi cho con. Tuy nhiên, sau khi sử dụng cách này, mũi của bé bị đỏ ửng, có nơi bị rách da và thậm chí đỏ loét.
“Tôi nghe mấy người bạn nói làm cách đó giúp con đỡ ngạt mũi, bớt nước mũi bên trong nhưng không ngờ dùng xong lại ra nông nỗi như vậy. Mấy ngày sau thấy con bị đỏ mũi mà thương quá, từ nay không dám thử mấy cái cách trên mạng truyền nhau nữa”, chị Th nói.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Duy Nam (Chuyên khoa Nhi) cảnh báo: “Đây là cách để lấy đờm đông ở phế quản chứ tuyệt đối không tự tiện dùng rửa mũi. Thao tác này phải do bác sĩ thực hiện, không được tự tiện làm có thể gây nhiều hậu quả nặng nề”.
Dùng xi lanh rửa mũi có thể khiến trẻ bị chấn thương ở mũi.
Theo bác sĩ này, khi dùng xi lanh bơm nước muối vào mũi tức là tác động lên niêm mạc mũi rất mạnh. Với áp lực như vậy, vùng da ở mũi của trẻ còn mỏng và yếu có thể bị tổn thương. Thậm chí, trong quá trình thao tác, phụ huynh không cầm đúng cách có thể khiến đầu xi lanh chạm vào niêm mạc mũi. Quá trình va chạm đó sẽ dẫn đến rách, chảy máu, đau đớn cho trẻ. Khi xảy ra những vết xước càng khiến cho mũi bị viêm nhiễm, vi khuẩn thâm nhập gây ảnh hưởng đến đường thở.
“Một lượng lớn nước muối bơm vào mũi như vậy, nếu không thực hiện đúng cách còn làm cho chúng tràn vào hệ hô hấp. Khi nước vào sâu sẽ xuống họng gây sặc ở phổi, thậm chí gây nghẹt thở”, bác sĩ Duy Nam nói.
Khi trẻ bị sổ mũi, viêm mũi,… dễ dẫn đến mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm họng, viêm tai giữa,… Do đó, rửa mũi giúp trẻ dễ chịu hơn, tránh tình trạng dịch nhầy và gỉ mũi bít tắc đường thở của trẻ. Việc rửa mũi cũng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập xuống họng, tai và ngừa các bệnh lây lan qua đường hô hấp cho trẻ.
Khi trẻ bị các bệnh về tai mũi họng trước hết bố mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và kê đơn dùng thuốc. Tuyệt đối không dùng các cách rửa mũi như bơm xilanh hoặc các biện pháp nguy hiểm khác như chấm thuốc vào mũi, họng hoặc dùng các thuốc co mạch bừa bãi…
Nếu muốn rửa mũi, phụ huynh chỉ nên dùng bình rửa mũi chuyên dụng với áp lực chuẩn để tránh làm hỏng niêm mạc mũi của trẻ. Đây là một thiết bị được bán khá nhiều tại các bệnh viện, hiệu thuốc uy tín, thường khoảng 200-300 nghìn đồng.
Tuy nhiên trong quá trình rửa mũi,nếu quá 3 ngày trẻ vẫn không có dấu hiệu cải thiện hoặc kèm theo dấu hiệu ho, đặc biệt ho có đờm, bố mẹ cần đưa trẻ đến viện khám để loại trừ viêm phế quản, viêm phổi.
Các bậc phụ huynh nên lưu ý phòng bệnh cho con bằng cách giữ ấm cơ thể cho trẻ, tránh nóng lạnh đột ngột. Nhiều người có quan niệm rất sai lầm là không cho trẻ nhỏ nằm điều hòa vì sợ trẻ bị viêm mũi họng, nhưng sự thực lại hoàn toàn trái với những gì họ nghĩ. Điều hòa làm không khí dịu mát, ổn định nhiệt độ và hút ẩm trong không khí giúp trẻ thoải mái sinh hoạt mà không sợ bị ra mồ hôi hay nóng quá hoặc lạnh quá. Tuy nhiên, nhiệt độ trong phòng nên để vừa phải (khoảng 28 độ là vừa). Đặc biệt, nên lưu ý nếu trẻ ra ngoài thì nên tắt điều hòa trước khoảng vài phút, tránh hiện tượng thay đổi nhiệt độ đột ngột rất dễ bị cảm, nhất là với trẻ nhỏ và người già.
Sự nguy hiểm cần biết:
– Áp lực không thể chính xác, nếu mạnh quá gây tổn thương niêm mạc
– Phản xạ nuốt của bé còn yếu bơm nhanh có thể làm bé sặc vào phổi (sặc thì biết hậu quả rồi)
– Dụng cụ không thể vô trùng, ống bơm rửa không thể sạch bằng các cách rửa thông thường, tại bệnh viện muốn hút đàm từ mũi là phải dùng dụng cụ vô trùng
– Các động tác thô bạo có thể làm bé sang chấn tâm lý, mai mốt đưa gì vào mặt cũng hoảng lên.
Trí Anh (Theo Congluan)
Chưa có bình luận.