Thứ Năm, 05/11/2015 | 21:31

Xích bạch đới là khí hư đới hạ ra nhiều. Bệnh do nhiều nguyên nhân như do thấp nhiệt, huyết ứ, khí uất, hư hàn hoặc thấp nhiệt. Bệnh thường gặp ở những người có tính tình nóng nảy hay lo nghĩ,

Đông y trị xích bạch đới

Xích bạch đới là khí hư đới hạ ra nhiều. Bệnh do nhiều nguyên nhân như do thấp nhiệt, huyết ứ, khí uất, hư hàn hoặc thấp nhiệt. Bệnh thường gặp ở những người có tính tình nóng nảy hay lo nghĩ, uất giận, hoặc người bệnh có kèm theo trưng hà, tích báng… Đông y chia ra nhiều thể bệnh, tùy theo nguyên nhân mà dùng bài thuốc thích hợp.

Do thấp nhiệt

Triệu chứng: Khí hư đới hạ nhiều, tanh hôi, người bồn chồn trong ngực, ăn ít, ậm ạch khó tiêu bụng dưới to, ngứa âm hộ. Mạch sác.

Bài thuốc: thương truật 20g, bạch thược 40g, hoạt thạch 40g, bào khương 10g, địa du 40g, chỉ xác 10g, cam thảo 10g. Thương truật tẩm nước gạo sao vàng, chỉ xác bỏ ruột rửa sạch, bạch thược tẩm dấm vi sao. Các vị trên tán bột, hồ hoàn viên. Ngày uống 30g, chia đều làm 3 lần với nước chín.

Châm cứu: Châm bổ các huyệt huyết hải, tam âm giao, bạch hoàn du, đới mạch, tỳ du. Châm tả các huyệt khúc trì, phục lưu.

Do huyết ứ

Triệu chứng: Khí hư đới hạ màu đỏ trắng lẫn lộn, mùi tanh; bụng dưới đầy đau, hành kinh không đều hoặc kinh đến trước kỳ hoặc 1 tháng 2 lần; người mệt mỏi bứt rứt khó chịu. Mạch trầm.

Bài thuốc Đào nhân tán: đào nhân 10g, bán hạ 12g, đương quy 16g, ngưu tất 12g, sinh địa 18g, quế tâm 10g, nhân sâm 10g, bồ hoàng 10g, mẫu đơn 12g, xuyên khung 12g, trạch lan diệp 10g, xích thược 16g, cam thảo 10g. Bán hạ chế, đào nhân bỏ vỏ, đương quy tẩm rượu vi sao, trạch lan diệp tửu tẩy.

Dạng thuốc sắc: Các vị trên + nước 1.000ml sắc lọc bỏ bã lấy 200ml. Uống ấm, chia đều ngày 3 lần.

Dạng thuốc bột: Các vị sao giòn tán bột mịn. Ngày uống 45g chia đều 3 lần với nước chín.

Châm cứu: Châm bổ các huyệt huyết hải, tam âm giao, bạch hoàn du, đới mạch, tỳ du. Châm tả các huyệt xích trạch, khúc trì, phục lưu.

Do khí uất

Triệu chứng: Ngực sườn đầy tức, ăn uống không ngon, hay cáu giận. Khí hư đới hạ xích bạch ra nhiều, thất thường. Mạch huyền.

Bài thuốc Quy phụ địa hoàng hoàn: đương quy 3 lạng, xuyên khung 1 lạng, thục địa hoàng 1 lạng, hương phụ 1 lạng, thương truật 2 lạng, bạch thược 2 lạng, mẫu lệ 5 tiền, hoàng bá 1 lạng rưỡi, tri mẫu 1 lạng rưỡi, trần bì 1 lạng rưỡi, ngũ vị tử 1 lạng rưỡi, thung căn bì 2 lạng rưỡi. Đương quy tẩm rượu vi sao, bạch thược tẩm dấm sao, thương truật tẩm cam mễ sao, mẫu lệ hà, thung căn bì tửu sao, Hương phụ tứ chế. Các vị trên sao dòn tán bột mịn tinh tửu hồ vi hoàn. Ngày uống 60g chia đều 3 lần với nước chín.

Châm cứu: Châm bổ các huyệt huyết hải, tam âm giao, bạch hoàn du, đới mạch, tỳ du. Châm tả các huyệt hành gian, ẩn bạch, khúc trì.

Do hư hàn

Triệu chứng: Khí hư đới hạ xích bạch lâu ngày không dứt, tay chân lạnh, mặt xanh nhợt, ngại hoạt động, thích nằm; đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài, người cảm giác sợ lạnh. Rêu lưỡi trắng nhớt, chất lưỡi nhợt bệu. Mạch trầm trì.

Bài thuốc Hạc đỉnh hoàn: đương quy 20g, bào phụ tử 10g, long cốt 20g, ngô thù du 10g, mẫu lệ 15g, ngải diệp 10g, xích thạch chi 20g, thán khương 10g. Long cốt nung; ngô thù du tẩy để khô, vi sao; mẫu lệ nung; ngải diệp sao đen; đương quy tẩm rượu sao. Tất cả các vị trên tán bột làm viên với hồ dấm. Ngày uống 45g, chia đều 3 lần với nước sắc ô mai.

Châm cứu: Châm bổ các huyệt tam âm giao, bạch hoàn du, đới mạch, tỳ du. Cứu các huyệt quan nguyên, khí hải, mệnh môn.

Do hư nhiệt

Triệu chứng: Khí hư xích bạch đới hạ nhiều, ngũ tâm phiền nhiệt, khát nước, hai gò má đỏ, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch tế sác.

Bài thuốc Tố nguyên đơn: bạch truật 10g, mao truật 10g, bạch thược 10g, a giao 10g, địa du 10g, phục linh 10g, thung căn bì 12g, hoàng bá 12g, thục địa 16g, đương quy 16g, hương phụ 16g, xuyên khung 12g, nhân sâm 12g. Đương quy tẩm rượu sao, thục địa tửu chưng, hương phụ tứ chế, thung căn bì, hoàng bá tẩm tửu sao. Tất cả các vị trên (trừ a giao) tán bột mịn tinh. A giao hòa tan với hồ giấm hoàn viên. Ngày uống 45g, chia đều 3 lần với nước ấm.

Châm cứu: Châm bổ các huyệt huyết hải, tam âm giao, đới mạch, nội quan, thần môn, xích trạch, tỳ du.

Phòng bệnh

Giữ vệ sinh kinh nguyệt. Thường xuyên ngâm rửa bằng nước sà sàng. Theo dõi số lượng, màu sắc, mùi khí hư hàng ngày để dùng thuốc điều trị thích hợp; Không lao động nặng trong khi đang hành kinh; Ăn uống hợp lý, ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn dễ tiêu.

Vị trí huyệt cần tác động

Huyết hải: Cách bờ trên xương bánh chè hai tấc về phía trên, giữa chỗ phình của cơ rộng trong.

Tam âm giao: Trên mỏm mắt cá trong 3 tấc, sát phía sau bờ xương chày.

Bạch hoàn du: Ngang mức lỗ cùng thứ 4, cách giữa lưng 1,5 tấc về phía ngoài.

Đới mạch: Ở điểm gặp nhau của đường nách và đường ngang kẻ từ giữa rốn ra.

Tỳ du: Cách bờ dưới mỏm gai D11 khoảng 1,5 tấc về phía ngoài.

Khúc trì: Ở chỗ lõm tại đầu ngoài nếp khuỷu. Tại điểm chính giữa đường nối huyệt xích trạch với mỏm trên lồi cầu ngoài của xương cánh tay, kkhi khuỷu tay hơi co lại.

Phục lưu: Phía trên huyệt thái khê 2 tấc, ở bờ trước gân gót.

Hành gian: Cách mép kẽ ngón chân 1 và 2 khoảng 0,5 tấc.

Ẩn bạch: Ở mé trong ngón chân cái, cách góc móng chân 0,1 tấc về phía sau.

Quan nguyên: Dưới rốn 3 tấc, trên đường giữa bụng. Xác định huyệt khi bệnh nhân nằm ngửa.

Khí hải: Dưới rốn 1,5 tấc, trên đường giữa bụng. Xác định huyệt khi bệnh nhân nằm ngửa.

Mệnh môn: Bệnh nhân nằm sấp, huyệt nằm giữa các mỏm gai của đốt sống L2 – L3, tại đường giữa.

Nội quan: Từ lằn chỉ cổ tay đo lên 2 tấc. Thần môn: Ở phía xương trụ, nằm trên lằn chỉ cổ tay, nơi chỗ lõm sát bờ ngoài gân cơ trụ trước và góc ngoài bờ trên xương trụ.

Xích trạch: Ở nếp khuỷu, về phía quay của gân cơ nhị đầu cánh tay, khi xác định huyệt, bệnh nhân hơi gấp cẳng tay lại.

TTND.BS. Trần Văn Bản

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook