Bệnh kinh phong (còn gọi là giản chứng hoặc kinh giản) là lấy chứng trạng phong rút làm chủ yếu mà gọi chung.
Kỳ I: Cấp kinh phong
Bệnh kinh phong (còn gọi là giản chứng hoặc kinh giản) là lấy chứng trạng phong rút làm chủ yếu mà gọi chung. Trẻ em từ 3 – 5 tuổi thường mắc phải. Bệnh có 2 loại: cấp kinh phong và mạn kinh phong. Cấp kinh là do nhiệt cực sinh phong. Mạn kinh là do tỳ hư mà can mộc khắc, hại. Tâm chủ kinh. Bệnh kinh phong biến hóa rất nhanh, là loại nguy cấp nhất trong nhi khoa.
Kinh phong thường xuất hiện trạng thái phong rút với 8 chứng hậu mà cổ nhân đã phân chia như sau:
1. Súc: là cẳng co duỗi khó khăn.
2. Nặc: là 10 ngón tay co rút, nắm chặt.
3. Xiết: là cánh tay và vai co rút lại.
4. Chiên: là chân tay run rẩy.
5. Toán: là mắt trợn, hai mắt nhìn ngược lên trên hoặc nhìn thẳng giống như giận dữ, vẻ mặt lườm lườm.
6. Thị: là tròng mắt chướng đờ, mắt nhìn lệch về bên phải hoặc bên trái, con ngươi mắt lộ ra trơ trơ, không động đậy.
7. Phản: là cổ gáy cứng đờ, uốn ván, ưỡn mình.
8. Dẫn: là tay chân co kéo, giương tay như giương cung.
Cấp kinh hay mạn kinh đều có những trạng thái nói trên. Nhưng bệnh được chia ra thuộc dương chứng và âm chứng. Đó là theo nguyên lý: dương động mà nhanh; âm tĩnh mà chậm. Hễ bệnh phát nhanh, chứng trạng hữu dư là thuộc dương, thuộc nhiệt, thuộc thực, đều gọi là cấp kinh phong.
Nguyên nhân:
– Cơ thể da dẻ của trẻ còn non yếu nên dễ cảm nhiễm tà khí phong hàn từ ngoài theo kinh mạch vào trong mà hóa nhiệt, hóa hỏa, nhiễu động can đởm phát ra chứng kinh.
– Do ăn uống, bú mớm không thận trọng. Sữa, thức ăn bị kết tụ lại ở dạ dày, đường ruột làm khí cơ bị tắc nghẽn, khí biến thành hỏa, hỏa hóa ra phong đờm gây thành bệnh kinh.
– Trẻ con thần khí còn yếu ớt hay kinh sợ bỗng đột nhiên gặp phải sự kích thích mạnh ở bên ngoài hoặc bị té ngã, kinh sợ đều có thể gây phát sinh chứng kinh phong.
Vị trí huyệt: – Bách hội: giao điểm đường nối 2 đỉnh tai và đường giữa đầu.- Đại trùy: nằm trên đốc mạch, ngay tại điểm dưới gai đốt sống cổ thứ 7.- Thập tuyên: ở đầu mút 10 ngón tay, cách móng tay độ 0,1 tấc.- Nhân trung: nằm tại ranh giới 1/3 phía trên và 1/3 đoạn giữa rãnh nhân trung nối chính giữa mũi với điểm vành môi trên. |
Triệu chứng: Chứng cấp kinh phong chủ yếu trên lâm sàng là phát bệnh nhanh, sốt cao, thần chí hôn mê, hai mắt trực thị, răng cắn chặt, cổ gáy cứng đờ, chân tay co giật, biểu hiện 4 chứng: nhiệt (co giật), đờm (trực thị), phong (méo mồm), kinh (cứng đờ).
Phép chữa: Tùy tình trạng lâm sàng mà dùng bài thuốc thích hợp.
Cảm nhiễm khí độc của phong hàn:
– Nếu thấy sốt cao, không có mồ hôi là hàn nhiều, phong ít: Củ sắn dây 8g, tử tô 6g, bèo tía 6g, bạc hà 8g, bán hạ (sao gừng) 6g, câu đằng 8g, xương bồ 4g. Đổ nước 400ml, sắc còn 200ml uống mỗi lần 10 – 20ml. Cách 1 giờ lại uống tiếp.
– Nếu thấy sốt cao, có mồ hôi là phong nhiều, hàn ít: quế chi 2g, rau má 12g, thiên hoa phấn 12g, cỏ mần trầu 10g, câu đằng 8g, gừng tươi 2g, cam thảo dây 8g, bạc hà 8g. Cách sắc và uống như bài trên.
Ăn uống không tiêu, đờm hỏa uất kết: Sơn tra 6g, thổ phục linh 8g, thần khúc 4g, bạc hà 4g, bán hạ 4g, xác ve 4g, trần bì 4g, câu đằng 6g, hạt củ cải 6g, cương tàm 4g. Cách sắc và uống như các bài trên.
Kinh sợ, té ngã đột ngột: Củ mài (sao) 12g, mạch môn 10g, cam thảo dây 10g, xương bồ 6g, bán hạ 8g, táo nhân 10g, chu sa 2g. Chu sa nghiền nhỏ để riêng. Còn các vị kia cho vào ấm đổ nước 400ml, sắc còn 200ml, lọc trong, mỗi lần uống 10 – 20ml, hòa vào một ít chu sa bột, trộn đều, cách 1 giờ uống 1 lần.
– Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng: hôn mê, co giật, trằn trọc, nói mê, rêu lưỡi vàng xám hoặc đen khô, chất lưỡi đỏ ửng hoặc có gai, tức là phong hàn đã hóa nhiệt độc, hỏa độc.
Phép chữa: Bình can tức phong, lương huyết giải độc, thanh tâm dưỡng âm.
Bài thuốc: Sinh địa tươi 12g, mạch môn 12g, câu đằng 8g, lá vông 12g, lá tre 16g, quả dành dành 10g, vỏ núc nác 10g. Cách sắc và uống như bài trên.
Bài thuốc cho tất cả các trường hợp để hạ cơn kinh phong:
Bài 1: Vỏ sam (lấy nửa đằng đuôi tốt hơn) 20g đập giập, hành tăm (tùy tuổi từ 5 – 9 củ), nước tiểu trẻ em 100ml. Nước 800ml, sắc còn 400ml, mỗi lần uống 2 – 3 thìa canh, cách 15 – 30 phút uống một lần.
Bài 2: Thục địa 16g, bạch truật 12g, đẳng sâm 8g, huỳnh kỳ (tẩm mật) 8g, hắc táo nhân 8g, câu kỷ tử 6g, phá cố chỉ 4g, đương quy 4g, táo nhục 4g, chích thảo 4g, bào cương (gừng nướng hoặc sao) 3g, nhục quế 2g. Cách sắc uống như trên.
Day bấm các huyệt:Bách hội, đại chùy, nhân trung, thập tuyên (chú ý day bấm đủ mạnh tùy theo độ tuổi của trẻ).
Châm cứu: châm tả các huyệt như trên.
Lương y Minh Chánh
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Chưa có bình luận.