Thứ Sáu, 06/11/2015 | 21:32

Trong 3 tháng mùa Đông thường gặp phong tà (gió độc) từ phương Bắc thổi tới. Hải Thượng Lãn Ông gọi là Thái cường phong hay Khảm phong. Người suy nhược mà nhiễm tà phong này sẽ phát bệnh ở tay chân, xương khớp.

Đông y chữa tay chân đau nhức do lạnh

Ngũ vị tử Bắc.

Trong 3 tháng mùa Đông thường gặp phong tà (gió độc) từ phương Bắc thổi tới. Hải Thượng Lãn Ông gọi là Thái cường phong hay Khảm phong. Người suy nhược mà nhiễm tà phong này sẽ phát bệnh ở tay chân, xương khớp. Để điều trị, Đông y có nhiều phương pháp như dùng thuốc sắc, thuốc hoàn, đắp, chườm, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và ăn uống hỗ trợ điều trị rất hiệu quả. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc sắc thường dùng tùy chứng bệnh và cách xoa bóp bấm huyệt chữa chân tay đau nhức trong mùa lạnh để bạn đọc tham khảo.

Các bài thuốc chữa chân tay đau nhức

– Nếu đột nhiên tay chân bên trái đau nhức, dần dần đau kịch liệt như dao cắt, suốt ngày kêu rên, rồi đau lan đến tận tay chân bên phải, sáu bộ mạch huyền, hồng. Để điều trị, dùng bài “Dưỡng huyết khu phong thang”: Thục địa 12g, đương quy 12g, bạch thược 10g, kim ngân hoa 10g, tần giao 8g, ngưu tất 10g, đỗ trọng 12g, tục đoạn 8g, quế chi 8g, tùng tiết 8g, sắc uống ấm ngày 1 thang, chia 2 lần vào sáng và tối.

– Nếu chứng đau bớt dần mà tinh thần vẫn suy yếu thì gia nhân sâm 12g, bạch truật 10g để củng cố trung tiêu, bồi dưỡng nguyên khí. Lãn Ông nói: “trong bụng người ta mà ấm áp thì thức ăn được tiêu hoá ngay, thanh khí tăng lên, trọc khí giảm xuống, khí huyết điều hoà, thân thể thư thái có thể sống lâu. Cần phải biết, gân xương được bồi dưỡng đầy đủ thì huyết được vinh dưỡng ở trong mạch, khí được bảo vệ ở ngoài mạch, nếu có tà khí, gió độc mạnh cũng không thể vào sâu được. Nên nhớ rằng: mắt có huyết mới trông được, tay có huyết mới cầm được, chân có huyết mới đi được. Trong người ta từ trên xuống dưới, từ lớn đến nhỏ, không chỗ nào là không cần đến huyết mà có thể làm tròn chức năng được”. Sách còn nói: “trị phong trước tiên phải trị huyết, huyết lưu thông thì phong tự diệt… Trừ phong chớ dùng thuốc mạnh dữ như hạ hương, toàn yết, cương tàm, bạch phụ tử, đồng thời phải phân rõ bệnh thuộc hư hay thực để dùng thuốc đúng, thích hợp. Nếu dùng bừa bãi, bệnh nhẹ thì tổn thọ còn bệnh nặng thì chết”.

Trong bài “Dưỡng huyết khu phong thang”, ta thấy các vị thục địa, đương quy, bạch thược vi quân để dưỡng huyết; hai vị kim ngân hoa, tần giao là thuốc phong mà nhu nhuận làm thần sức của phong dược để dẫn thuốc đạt tới gân xương; ba vị ngưu tất, đỗ trọng, tục đoạn làm tá sứ để điều hoà chỗ gân xương đau nhức. Còn 2 vị quế chi, tùng tiết dẫn thuốc ra hai cánh tay.

– Sau khi các triệu chứng giảm, bệnh khỏi dần thì tiếp dùng bài “Sinh mạch” sắc lấy nước để uống bài “Bát vị hoàn” gia thêm ngưu tất, lộc nhung, đỗ trọng.

+ Bài “Sinh mạch tán”: nhân sâm 4g, mạch môn 4g, ngũ vị tử 10 hột, sắc lấy nước.

Đông y chữa tay chân đau nhức do lạnh

Ngũ vị tử Nam.

+ Bài “Bát vị hoàn gia vị”: thục địa 8 phần, sơn thù 4 phần (tẩm rượu sao), phục linh 3 phần, mẫu đơn bì 3 phần (tẩy rượu sao qua), hoài sơn 4 phần, trạch tả 3 phần (tẩm nước muối và rượu sao), gia ngưu tất 3 phần, lộc nhung 4 phần, đỗ trọng 4 phần. Tất cả tán nhỏ, hoà mật ong giã nhuyễn làm viên bằng hạt đậu xanh, phơi khô để dùng dần. Mỗi lần lấy uống 10-12g với nước sinh mạch nói trên.

Phương pháp bấm huyệt điều trị bệnh chân tay đau nhức: Khi chân tay đau nhức ngoài việc dùng các bài thuốc trên, y học cổ truyền còn kết hợp với phương pháp xoa bóp bấm huyệt giúp tăng hiệu quả điều trị. Sau đây là những huyệt thường dùng.

Bách hội, phong trì: để điều hoà não bộ thần kinh. Kiên ngung, khúc trì, ngoại quan, uyển cốt: chủ trị đau nhức chi trên. Khúc trì làm mát huyết. Phong thị, phong long, dương lăng tuyền, thái xung, túc lâm khấp chủ trị đau nhức chi dưới. Mỗi huyệt day bấm khoảng 1 – 2 phút.

Vị trí các huyệt

Bách hội: ở chính giữa đỉnh đầu.

Phong trì: phía sau tai chỗ lõm ở chân tóc.

Kiên ngung: khe lõm ngoài vai, khoảng giữa 2 xương, đưa cánh tay lên, lấy huyệt ở chỗ sũng.

Khúc trì: chỗ lõm, đầu ngấn ngang mặt ngoài khuỷu tay khi co lại.

Ngoại quan: sau cổ tay 2 tấc, chỗ lõm của 2 xương .

Uyển cốt: phía ngoài tay, bàn tay hơi nắm lại, huyệt ở chỗ lõm giữa xương móc và xương bàn tay ngón út, trên đường tiếp giáp da gan tay và mu bàn tay.

Phong thị: đứng thẳng xuôi tay xuống thẳng, ép ngón tay giữa vào cơ đùi, huyệt ở mút đầu ngón tay giữa.

Phong long: trên mắt cá ngoài 8 tấc, nơi chỗ lõm phía ngoài xương ống chân.

Dương lăng tuyền: dưới đầu gối 1 tấc, huyệt ở chỗ lõm phía ngoài ống chân.

Thái xung: sau kẽ giữa ngón chân cái và ngón hai, đo lên 1,5 tấc, huyệt ở góc tạo nên bởi 2 đầu sau xương bàn chân.

Túc lâm khấp: chỗ lõm phía trước xương bàn chân 4 và 5.

Lương y Minh Chánh

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook