Trong cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình, cá nhân luôn có vô số các thói quen khó bỏ. Thông thường, chúng ta duy trì thói quen vì cho rằng chúng thuận lợi và có ích cho bản thân, gia đình. Tuy nhiên một số đó lại không hẳn tốt, ngược lại còn nguy hại đến sức khỏe nếu quá lạm dụng.
Hãy tham khảo một số thói quen tiềm ẩn những nguy hại sau đây để từ bỏ hoặc điều chỉnh nếu bạn cũng đang mắc phải nhé:
Đánh răng ngay sau khi ăn
Đây có vẻ là thói quen tốt để giữ răng khỏe mạnh, tránh việc xỉa răng nhưng thực ra không phải vậy. Ngay sau khi bạn ăn, axit sẽ ngấm vào lớp men răng. Việc chải răng sai thời điểm (đặc biệt là trong vòng 20 phút sau bữa ăn) sẽ đẩy axit thấm sâu hơn vào răng, làm mòn men và ngà răng nhanh hơn so với quá trình tự nhiên.
Vậy nên, để lấy thức ăn dính lại trên răng, bạn chỉ nên súc miệng với nước, dùng chỉ nha khoa và đánh răng vào buổi sáng, ban đêm. Khi dùng bàn chải, nên đánh theo chuyển động tròn, điều này sẽ loại bỏ các vi khuẩn có hại giữa nướu và răng. Đánh qua lại lên xuống có thể để lại các vi khuẩn có hại, gây bệnh nướu răng.
Nên đánh răng khoảng 60 phút sau khi ăn. Bởi sau khi ăn xong, acid trong thực phẩm và đồ uống sẽ làm lớp men răng mềm đi, nếu bạn đánh răng ngay vào lúc này, men răng rất dễ bị thương tổn.
Ăn chín uống sôi là thói quen tốt, vậy nhưng rất nhiều gia đình vẫn sai lầm khi cứ đun nước sôi để nguội dùng uống dần mà không kiểm soát thời gian lưu trữ. Đôi khi đi vắng vài ngày, về đến nhà việc đầu tiên là rót nước uống mà không hề để ý rằng nước trong bình đã rất cũ. Một số khác còn có thói quen đun 2-3 ấm nước để nguội, cho vào bình uống dần cả tuần… là phản khoa học.
Cho dù nước đun sôi 100 độ C đã diệt được vi khuẩn nhưng theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nước sôi để nguội trên 2 giờ đồng hồ vi khuẩn sẽ xuất hiện trở lại và sau 24 giờ, lượng vi khuẩn đã tăng lên rất nhiều.
Nước sôi để nguội lâu ngày sẽ làm cho oxy trong nước bốc đi gần hết, những vật hữu cơ bị phân giải và những vật vô cơ lắng xuống, rất bất lợi cho sức khỏe. Thời gian lưu trữ càng lâu càng là điều kiện tốt để vi khuẩn trong môi trường sống xâm nhập và phát triển trong nước.
Đối với các trường hợp nước sôi để nguội được đổ vào nước cũ càng làm vi khuẩn phát triển sinh ra nấm mốc, nếu uống vào dễ gây nên bệnh ung thư.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, chúng ta chỉ nên uống nước sôi để nguội trong vòng một ngày, tối đa là hai ngày nếu được bảo quản tốt để tránh tình trạng vi khuẩn tái nhiễm.
Nước đun sôi để nguội cần phải được chứa đựng trong dụng cụ làm bằng chất liệu đạt tiêu chuẩn quy định của bộ Y tế, có nắp đậy kín và tuyệt đối không sử dụng bình làm bằng các loại nhựa tái chế để đựng nước.
Xỉa răng để loại bỏ thức ăn bám, dính
Đây là thói quen khó bỏ của rất nhiều người Việt trong cuộc sống hằng ngày. Ai cũng nghĩ đơn giản việc này là để làm sạch răng miệng sau khi ăn mà không biết rằng chính nó có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Hơn nữa, xỉa răng bằng những loại tăm không đúng kích cỡ còn có thể làm chảy máu chân răng, thưa răng và có thể gây bệnh do nhiễm độc từ tăm tẩm hóa chất khá phổ biến hiện nay. Những hóa chất độc hại này sẽ theo nước bọt vào cơ thể, lâu ngày sẽ tạo nguy cơ cho sức khỏe, thậm chí là bệnh ung thư.
Theo Tiến sĩ y khoa Richard H. Price của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, thói quen dùng tăm xỉa răng là nguyên nhân chính khiến kẽ răng bị rộng hơn, tình trạng tiêu xương diễn ra nhanh, thức ăn sẽ dễ bị lưu giữ lại đó, tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm quanh chân răng, viêm nướu…
Các bệnh về răng tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế lại là nguyên nhân khiến bạn phải đối mặt với rất nhiều chứng bệnh về tim mạch, huyết áp, cũng như nguy cơ ung thư cao hơn bình thường…
Cách tốt nhất để loại bỏ những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng là từ bỏ thói quen xỉa răng. Thay vào đó, nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.
Trong trường hợp không thể bỏ được thói quen xỉa răng thì bạn nên có sử dụng tăm có bao gói tiệt trùng. Chỉ dùng tăm để khều nhẹ thức ăn dính răng, tuyệt đối không đẩy tăm sâu vào kẽ 2 răng làm tổn thương lợi.
Gội đầu mỗi ngày
Mùa hè nóng bức, nhiều người ngày nào cũng gội đầu, thậm chí có người hoạt động nhiều còn gội đầu vài lần trong ngày. Điều đó không hẳn tốt vì gội đầu thường xuyên sẽ khiến da đầu và chân tóc bị khô và hư tổn. Cơ thể chúng ta đều có những cơ chế tự phục hồi. Da đầu khô sẽ tự động tiết ra nhiều dầu hơn khiến cho tóc nhanh bẩn và bóng dầu.
Chính vì vậy các chuyên gia về tóc khuyên rằng chúng ta chỉ nên gội đầu từ 2-3 lần mỗi tuần.
Trường hợp bạn tập thể dục hàng ngày hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi và chất bẩn thì chúng ta có thể gội đầu bằng nước mát mà không sử dụng dầu gội. Nước mát sẽ giúp loại bỏ một số bụi bẩn tích tụ trên da đầu mà không làm tóc bị khô xơ.
Tắm quá lâu hoặc tắm nước quá nóng
Nhiều người có sở thích dành hàng tiếng đồng hồ cho việc tắm gội, tuy nhiên, bạn cũng cần hiểu rằng điều này có thể làm cho độ ẩm cần thiết trên da bị mất đi, khiến làn da của bạn cảm giác khô và ngứa.
Bên cạnh đó, tắm quá lâu có thể khiến cho nhiệt độ cơ thể hạ thấp quá mức, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan: đe dọa đến sự ổn định của huyết áp, dễ gây ra cảm lạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của các mạch máu, huyết áp, dẫn đến ngất xỉu, thậm chí còn có thể gây tử vong.
Ngoài ra, nhiều người thường có thói quen sử dụng nước nóng khi tắm, không chỉ vào mùa đông mà cả trong mùa hè gây hại cho cơ thể. Việc tắm nước nóng thường xuyên sẽ làm da bị mất nước, gây hiện tượng thô ráp và lão hóa nhanh. Tương tự đối với tóc, nước quá nóng sẽ làm mất đi lượng chất nhờn cần thiết của da đầu, làm mái tóc trở nên khô và xơ rối…
V.K (Tintuconline tổng hợp)
Theo VietNamNet
Nguồn: TTOnline
Chưa có bình luận.