Thứ Năm, 13/07/2017 | 04:50

Khi con trẻ bị “dính” phải những tin đồn ác ý trên mạng xã hội, bố mẹ cần phải bình tĩnh để làm chỗ dựa cho con.

Mới đây, hai nữ sinh đã suýt tự tử vì bị gán ghép cho tội danh hiếp dâm một nam thanh niên tới chết. Cả hai nữ sinh đã “sốc nặng” khi nhận được những tin nhắn làm phiền, lăng mạ trên mạng xã hội.

Được biết thông tin 2 nữ sinh hiếp dâm một nam thanh niên đến chết được tạo bởi một trang web trên mạng. Những thông tin sai lệch sự thật được lan truyền trên mạng xã hội đã làm cho cuộc sống của hai nữ sinh chao đảo, hoảng sợ.

Dính lời đồn ác ý, bị 'ném đá' nhầm trên mạng xã hội sẽ chấn động tâm lý nếu không biết cách xử trí này

Hai nữ sinh suýt mất mạng vì tin đồn ác ý trên mạng xã hội, ảnh cắt từ clip.

Đây không phải lần đầu tiên các nữ sinh là nạn nhân của những trò đùa trên mạng xã hội. Tháng 8/2016, tại khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần trung ương I cũng đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.H (18 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội). Bệnh nhân mắc trầm cảm có ảo thanh do bị bạn nói xấu lăng mạ trên mạng xã hội. Tháng 6/2015, một nữ sinh ở Đồng Nai uống thuốc độc tự tử vì bị bạn trai tung clip “nóng” lên mạng. Nạn nhân đã nhận được rất nhiều lời mạt sát trên mạng xã hội và nghĩ tới cái chết.

Theo các chuyên gia, ở lứa tuổi mới lớn do chưa có kinh nghiệm sống nên khi đứng trước “tâm bão” dư luận, sự hiểu lầm, các em thường không biết cách ứng xử. Khi sự việc đi quá xa, các em thường tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình.

Đối phó với tin đồn trên mạng xã hội bằng cách làm ngơ

Trao đổi với bác sĩ tâm lý Võ Thị Minh Huệ, Phòng khám Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh về vấn bố mẹ phải làm gì giúp con cái tuổi mới lớn đối phó với những tin đồn ác ý trên mạng xã hội?

Bác sĩ Minh Huệ cho rằng, khi con rơi vào hoàn cảnh đó, bố mẹ phải là người thông cảm với con và phải bình tâm để trấn an tâm lý cho con. Trong trường hợp này, nếu bố mẹ hoảng hốt, bản thân con sẽ càng lo sợ. Con sẽ có suy nghĩ “bố mẹ còn không tin con thì ai tin con”.

Hãy khẳng định với con “dù có chuyện gì xảy ra, bố mẹ tin con không làm điều đó”. “Khi bên ngoài xã hội mọi người đang ném đá, bố mẹ cần phải là điểm tựa cho con, không trách mắng con. Nói với trẻ tin đồn đó chỉ tồn tại trong một  nhóm người nhất định, không quyết định tới nhân cách, hình ảnh bản thân con”, bác sĩ Minh Huệ nói.

Bác sĩ Minh Huệ khuyên cha mẹ cần phải: “Tách trẻ ra khỏi guồng thông tin trong “tâm bão” dư luận. Phân tích cho con hiểu thông tin đến rồi sẽ hết sớm. Con không cần phải tìm hiểu thông tin và không cần quan tâm đến các lời đồn đại. Làm được như vậy, đứa trẻ sẽ bớt đi sự tưởng tượng”.

Còn theo TS. Vũ Thu Hương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi có những câu chuyện bịa đặt, tầm phào không quá ảnh hưởng tới bản thân, gia đình, công việc, con cái thì bạn có thể phớt lờ, im lặng. Trong trường hợp nếu mắc lỗi sai thực sự, hãy mạnh dặn dũng cảm nói lời xin lỗi càng sớm càng tốt. Người biết nhận lỗi sẽ nhận được sự bao dung.

Nhưng một khi câu chuyện bịa đặt trên mạng xã hội làm ảnh hưởng tới bản thân, gia đình khiến cho mọi người bị hiểu sai hay làm thay đổi quan điểm thì cần phải lên tiếng. Nếu tình hình trở nên quá nghiêm trọng có thể mời luật sư và nhờ cơ quan chức năng vào cuộc.

Bác sĩ Minh Huệ khuyến cáo, khi bình luận một vấn đề gì trên mạng xã hội mọi người nên có trách nhiệm với chính nó. Trước khi lăng mạ, hạ nhục một ai đó cần phải tìm hiểu sự thật tránh tình trạng nhận thông tin một phía để rồi gây hại cho người khác. Một lời bình luận thiếu trách nhiệm khi thông tin chưa được kiểm chứng có thể biến thành lưỡi dao sắc bén lấy đi sinh mạng của một con người.

Ngọc Minh

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook