Lần đầu tiên, phương pháp cấy ghép tế bào gốc trong điều trị chấn thương tủy sống đã được áp dụng tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Với sự hỗ trợ nhiệt tình của đoàn chuyên gia của Bệnh viện Kitano (Osaka, Nhật Bản), Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành ghép tế bào gốc tủy xương cho bệnh nhân sinh sống tại TP.Đà Nẵng.
Theo BS Nguyễn Ngọc Bá, chấn thương tủy sống gây liệt là bệnh lý thường gặp ở VN sau tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc hoạt động thể thao. Mỗi năm Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận khoảng 400 đến 500 trường hợp bị chấn thương tủy sống, trong đó khoảng 100 trường hợp phải phẫu thuật.
|
Người được thực hiện ca ghép tế bào gốc tủy xương đầu tiên này là một nam bệnh nhân, trú tại Q.Sơn Trà, bị tai nạn giao thông cách đây 6 tháng và bị chấn thương tủy sống cổ, liệt tứ chi, rối loạn tiểu tiện, phải di chuyển bằng xe lăn. Bệnh nhân này từng được bệnh viện tiến hành phẫu thuật nhưng khả năng hồi phục không tiến triển.
Vì vậy, việc được thực hiện phương pháp cấy ghép tế bào gốc trong điều trị chấn thương tủy sống trở thành cứu cánh cho chính bệnh nhân.
Tham gia vào ca phẫu thuật, đoàn chuyên gia Nhật Bản gồm 5 thành viên là các giáo sư và chuyên gia đầu ngành chuyên về cấy ghép tế bào gốc đến từ Bệnh viện Kitano và Trung tâm nghiên cứu TRI, KOBE, cùng các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành chiết tách tế bào lấy từ tủy xương chậu của chính bệnh nhân, phân tích các chỉ số huyết học và chọn lựa tế bào phù hợp để cấy ghép vào tủy sống phần thắt lưng của bệnh nhân.
Ca cấy ghép tế bào gốc được thực hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Bảo Nguyên
Theo BS Nguyễn Hữu Lâm, Khoa Ngoại (Bệnh viện Đà Nẵng), phương pháp cấy ghép tế bào gốc trong điều trị chấn thương tủy sống là phương pháp điều trị tiên tiến trên thế giới, chỉ mới 1 vài nước áp dụng và có kết quả tốt trong việc cải thiện về mặt thần kinh.
“Đây là phương pháp giúp đưa tế bào gốc từ chính cơ thể bệnh nhân đưa trực tiếp vào vùng thương tổn giúp cải thiện, phục hồi tế bào thần kinh. Tuy nhiên, phục hồi ở mức độ nào thì còn phải chờ thời gian theo dõi và đánh giá lâu dài. Nhưng trong nghiên cứu cho thấy tế bào gốc giúp cải thiện tế bào thần kinh ở nơi tủy sống bị dập”, BS Lâm cho hay.
Tại VN, Bệnh viện Đà Nẵng là đơn vị thứ 2 trên cả nước sau Bệnh viện Việt Đức áp dụng phương pháp cấy ghép tế bào gốc trong điều trị chấn thương tủy sống.
Cơ hội cho bệnh nhân miền Trung
Với việc triển khai phương pháp cấy ghép tế bào gốc trong điều trị chấn thương tủy sống, Bệnh viện Đà Nẵng đã mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung trong việc điều trị căn bệnh khó này. Việc áp dụng phương pháp cấy ghép tế bào gốc trong điều trị chấn thương tủy sống sẽ hỗ trợ thêm cho các phương pháp truyền thống, giúp đưa tế bào gốc tận nơi thương tổn tủy bị dập hy vọng tái tạo được tế bào thần kinh.
BS Nguyễn Ngọc Bá, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết toàn bộ chi phí cho ca cấy ghép tế bào gốc cho bệnh nhân nam này trong khoảng 40 triệu đồng, do đoàn giáo sư, chuyên gia của Bệnh viện Kinato Nhật Bản hỗ trợ. Cùng với đó, đoàn Nhật Bản cũng tiếp tục hỗ trợ kinh phí điều trị bằng phương pháp này cho 30 trường hợp bị chấn thương tủy sống đến điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian này.
Diệu Hiền (TNO)
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.