Chống chỉ định, tai biến và xử trí trong điều trị bằng siêu âm
Siêu âm là sóng âm thanh có tần số trên 20.000 Hz. Trong điều trị thường dùng siêu âm tần số 1 và 3 MHz với tác dụng chính sóng cơ học, tăng nhiệt và sinh học.
Các kỹ thuật chính: trực tiếp, qua nước, siêu âm dẫn thuốc
Tác dụng của siêu âm đối với cơ thể
© Tác dụng sinh học
– Hiệu ứng cơ học
Trong môi trường có siêu âm truyền qua thì các phần tử trong môi trường giao động tạo nên các pha nén và pha giãn. Sự giao động của các phần tử và sự thay đổi áp suất làm tăng tính thấm qua các màng của các tổ chức, tăng tính khuếch tán và thẩm thấu của tổ chức, từ đó làm tăng các quá trình sinh học của tổ chức.
– Hiệu ứng hóa học
Các lỗ nhỏ trong môi trường được hình thành dưới tác dụng của siêu âm trong pha giãn chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn. Quá trình giảm và tăng áp xuất tại mỗi điểm diễn ra trong một nửa chu kỳ giao động. Trong pha nén, các lỗ bị vỡ ra với một áp suất lớn, lúc này các phân tử trong môi trường chuyển động với một tốc độ lớn, quá trình va chạm và ma sát xảy ra, kết quả là các phân tử có thể bị kích thích hay ion hóa. Hiện tượng này làm tăng tốc độ các phản ứng sinh học, tăng chuyển hóa của tổ chức. Ngoài ra có thể làm hình thành các gốc ion tự do như O2- (anion superoxid), OH- (hydroxyl), 1O2 (oxy đơn bội)… Các ion và các gốc tự do có hoạt tính mạnh sẽ tương tác với các chất của tổ chức sống như các lipid màng tế bào, protein, men, acid nucleic… làm biến tính và bất hoạt các phân tử quan trọng này.
– Hiệu ứng nhiệt
Các phần tử của môi trường giao động dưới tác dụng của siêu âm, cơ năng sẽ chuyển thành nhiệt năng do ma sát làm tăng nhiệt độ của tổ chức. Hiệu ứng nhiệt phụ thuộc vào cường độ và thời gian tác dụng của siêu âm. Ở cường độ dưới 1W/cm2 thường chỉ làm xuất hiện trong tổ chức sống các hiệu ứng sinh vật dương tính. Bào tương của tế bào bị khuấy động làm tăng các quá trình sinh học bình thường. Siêu âm liên tục 1,5W/cm2 sau 5 phút thấy tổ chức phần mềm tăng 3,30C, bao khớp tăng 6,30C, xương tăng 9,30C. Nhiệt độ tăng nhiều tại ranh giới giữa các tổ chức có trị số phản xạ âm khác nhau. Tăng nhiệt độ tổ chức dẫn đến tăng các quá trình sinh học như tăng tốc độ các phản ứng sinh học, tăng chuyển hóa và dinh dưỡng… Siêu âm liên tục làm tăng nhiệt độ nhiều hơn siêu âm xung, điều này cần lưu ý khi điều trị các tổ chức như khớp, các vùng xương gần sát da, vì vậy nên sử dụng siêu âm xung.
– Hiệu ứng tạo lỗ
Vì bước sóng siêu âm rất nhỏ tạo nên những vùng nén và vùng giãn mạnh. Trong nước và tổ chức cơ thể sống chịu tác động của sự biến thiên áp suất, nếu siêu âm có cường độ đủ lớn thì mối liên kết của các phần tử bị đứt tạo nên các lỗ hổng. Hiệu ứng này gọi là hiệu ứng tạo lỗ của siêu âm. Nếu cùng cường độ, nguồn siêu âm nào có bước sóng ngắn hơn (tần số lớn hơn) thì hiệu ứng tạo lỗ mạnh hơn. Hiệu ứng tạo lỗ gây phá hủy cấu trúc. Trong y học ứng dụng hiệu ứng này để làm dao mổ siêu âm hoặc tán nhuyễn thủy tinh thể trong phẫu thuật phaco.
© Ứng dụng của siêu âm trong điều trị
Trong các khoa Vật lý trị liệu, siêu âm được sử dụng trong điều trị có công suất từ 0,1 – 3W/cm2. Khi tác động lên tổ chức, chúng gây ra ba hiệu ứng: hiệu ứng cơ học, hiệu ứng hóa học và hiệu ứng nhiệt. Từ các hiệu ứng cơ bản trên, siêu âm có các tác dụng sau:
+ Tăng tuần hoàn máu cục bộ do tăng nhiệt độ, tăng tính thấm của mạch máu và tổ chức.
+ Giãn cơ do kích thích trực tiếp của siêu âm lên các cảm thụ thần kinh.
+ Tăng tính thấm của màng tế bào, tăng tính khuếch tán và thẩm thấu qua màng do tăng giao động của các phần tử và biến đổi áp suất luân phiên giữa các vùng tổ chức. Do đó siêu âm có tác dụng làm tăng hấp thu dịch nề, tăng trao đổi chất, tăng dinh dưỡng và tái sinh tổ chức.
+ Giảm đau do tác dụng trực tiếp lên cảm thụ thần kinh.
Chỉ định điều trị bằng siêu âm
– Giảm đau cục bộ
– Giảm cơ.
– Viêm mãn tính.
– Xơ cứng, sẹo nông ở da.
– Dẫn một số thuốc vào tổ chức cục bộ (siêu âm dãn thuốc).
Chống chỉ định điều trị bằng siêu âm
– Trực tiếp lên các u, tinh hoàn, buồng trứng, thai nhi.
– Không điều trị trên tinh hoàn, tử cung đang có thai, đang hành kinh.
– Trực tiếp vùng khớp ở trẻ em.
– Không điều trị trên các đầu xương của trẻ em, nhất là phần sụn.
– Viêm tắc mạch.
– Không điều trị vùng phổi người bị lao đang tiến triển hoặc viêm hạch do lao.
– Viêm da cấp.
– Không điều trị vùng phổi người bệnh bị giãn phế quản.
– Trực tiếp vùng chảy máu, đe dọa chảy máu.
Chuẩn bị điều trị bằng siêu âm
+ Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
+ Phương tiện
* Máy điều trị siêu âm cùng các phụ kiện:
– Kiểm tra các thông số kỹ thuật của máy, kiểm tra dây đất nếu có.
– Thuốc siêu âm (siêu âm dẫn thuốc), chậu nước (siêu âm qua nước) nếu cần.
– Kiểm tra tần phát siêu âm theo quy định (giọt nước)+ Người bệnh
– Giải thích cho người
– Tư thế người bệnh phải thoái mái: nằm hoặc ngồi. Bộc lộ và kiểm tra vùng da điều trị.
+ Hồ sơ bệnh án, phiếu điều trị chuyên khoa.
Các bước tiến hành điều trị bằng siêu âm
– Đặt các thông số kỹ thuật và cách điều trị theo chỉ định.
– Chọn gel thuốc theo chỉ định và tiến hành điều trị.
– Hết giờ tắt máy (bằng tay hoặc tự động).
– Kiểm tra vùng điều trị, thăm hỏi người bệnh, ghi chép hồ sơ.
Theo dõi điều trị
– Cảm giác và phản ứng người bệnh.
– Họat động của máy.
Tai biến và xử trí điều trị bằng siêu âm
– Điện giật: Tắt máy và xử trí theo quy định.
– Dự ứng tại chỗ: Xử trí theo phác đồ
Yhocnv.net (Trích theo hướng dẫn điều trị bằng siêu âm của Bộ Y tế)
Chưa có bình luận.