Thông tin thủy ngân tồn tại trong không khí tại Hà Nội khiến cho người dân rất hoang mang trong những ngày qua. Phóng viên Em Đẹp đã có buổi gặp gỡ với các chuyên gia để tìm ra sự thật về mức độ ô nhiễm ở Hà Nội.
Thông tin gây hoang mang dư luận
Trong 3 ngày gần đây, một số tờ báo đưa thông tin từ số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường phát hiện có chất độc thủy ngân trong không khí tại Hà Nội. Thông tin đó đã khiến cho không ít người dân Thủ đô rất bất an.
Ông Bùi Hồng Minh, sinh sống tại Đốc Ngữ, Ba Đình, Hà Nội bày tỏ lo lắng: “Tôi rất lo ngại trước thông tin không khí tại Hà Nội có thủy ngân bay lơ lửng. Nếu điều này là sự thật thì cực kỳ nguy hiểm tới sức khỏe. Tôi có thể nhịn ăn, nhịn uống nhưng nhịn thở thì sẽ chết”.
Cùng chung nỗi e ngại với bác Minh là chị Nguyễn Thị Quế, 30 tuổi, sống tại Phú Đô, Mỹ Đình, Hà Nội. Chị cho rằng: “Là một người dân Thủ đô, khi nghe thấy không khí có thủy ngân tôi cảm thấy rất lo sợ. Không chỉ lo sợ cho bản thân mà còn đời con cháu tôi sau này nữa. Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm ra thủy ngân có trong không khí do đâu và mức độ độc hại như thế nào”.
Khói bụi từ phương tiện giao thông và công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường Thủ Đô nghiêm trọng.
Thủy ngân có trong không khí tại Hà Nội là thông tin sai lệch
Trước nguồn tin thủy ngân tồn tại trong không khí tại Hà Nội gây hoang mang dư luận, ông Hoàng Dương Tùng,Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, đã bác bỏ thông tin này. Ông khẳng định: “Việc tôi trao đổi với phóng viên của tờ báo XX chỉ nhắc tới vấn đề ô nhiễm môi trường do khói bụi của Thủ đô. Tôi không hiểu tại sao phóng viên này lại giật tít và truyền đạt không đúng thông tin tới độc giả. Tôi có nhắc tới kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường có thủy ngân từ mưa axit. Còn việc có tồn tại thủy ngân trong không khí tại Hà Nội hay không thì cần có nghiên cứu khoa học để tìm ra nguyên nhân và biện pháp giải quyết ”.
Đồng quan điểm với ông Tùng, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cho hay: “Thủy ngân có tồn tại trong không khí tại Hà Nội hay không thì cần phải có nghiên cứu khoa học mới đưa ra kết luận được. Việc quan trắc cũng chỉ là phát hiện, chưa hề đưa ra mức độ và con số cụ thể. Không nên đưa thông tin thiếu căn cứ, dễ gây hoang mang trong dư luận”.
Cũng theo ông Thịnh, vấn đề đáng lo ngại nhất của Thủ đô bây giờ chính là khói bụi từ xe máy, nguyên nhân số 1 gây ra ô nhiễm môi trường. Khói bụi đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sức khỏe của người dân.
Nên quan tâm tới khói bụi hơn là thủy ngân
Từ kết quả quan trắc, ông Tùng cho biết: “Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí do bụi rất nặng và đáng báo động”.
Kết quả quan trắc tại Thủ đô cho thấy có tới 180/250 điểm trên địa bàn đo có hàm lượng bụi lơ lửng vượt tiêu chuẩn cho phép. Đường Nguyễn Trãi là vị trí mức bụi vượt ngưỡng 11 lần, tuyến đường Nguyễn Văn Linh cũng vượt chỉ số bụi lên tới 10,8 lần, đường Phạm Văn Ðồng vượt ngưỡng bụi tiêu chuẩn 3,6 lần. Một số tuyến phố khác như đường Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Khuất Duy Tiến, mức độ bụi cũng cao vượt mức cho phép.
Theo ông Tùng, thủ phạm gây ra bụi được xác định chủ yếu là do xe máy, công trình xây dựng, đốt rác thải sinh hoạt: “Tại Hà Nội, mỗi ngày có tới 5 triệu chiếc xe máy và 500 ô tô các loại lưu thông. Trong đó, 70% các loại xe máy đang lưu hành không đạt tiêu chuẩn cho phép về khí thải, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở Hà Nội khi mà các công trình xây dựng, cầu, đường… mọc lên nhiều, quản lý không tốt gây bụi bặm. Ngoài ra, ở các vùng ngoại thành, rác thải sinh hoạt chưa có lò đốt làm cho tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng hơn”.
Ông Tùng cũng cho biết độc tố từ bụi PM2,5 độc hại cũng không kém gì so với thủy ngân. Theo lý giải của ông: “Những hạt bụi có đường kính ≤2,5µm có khả năng đi sâu vào các phế nang phổi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp”.
Để bảo vệ sức khỏe của chính mình, ông Tùng lưu ý người dân khi tham gia giao thông cần phải đeo khẩu trang để ít hít phải bụi và các chất độc hại khác. Hãy tắt máy khi dừng đèn đỏ để hạn chế khói bụi trong không khí.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.