Các bậc phụ huynh thường chú trọng dạy cho con mình rất nhiều điều từ khi trẻ còn bé để trang bị cho con những kỹ năng, kiến thức cần thiết khi lớn lên, vào đời. Thế nhưng, việc dạy cho trẻ nhỏ biết về tiền, về cách tiêu tiền hay cách tiết kiệm tiền thì không phải ai cũng quan tâm và thực hiện.
Thực tế, nhiều ông bố bà mẹ cho rằng: còn bao nhiêu điều quan trọng khác có thể dạy trẻ hơn là việc dạy trẻ giá trị của đồng tiền và cách chi tiêu tiền như thế nào cho hợp lý. Thế nhưng, đã bao giờ bạn tự hỏi: chuyện gì xảy ra nếu bạn không dạy con biết về tiền?
Kết quả của nhiều nghiên cứu đã chi rằng: Nếu bạn không dạy cho trẻ về tiền, chúng có thể nghĩ rằng chúng sẽ có tiền bất cứ khi nào cần. Điều này càng đúng hơn nếu như bạn là người cha, người mẹ luôn đáp ứng cho con mỗi khi con đưa ra yêu cầu.
Ngoài ra, khi được dạy cách chi tiêu và tiết kiệm, trẻ sẽ học được tính kiên nhẫn về tài chính và hiểu rằng: không phải cứ muốn là trẻ sẽ có được mọi thứ, kể cả đó là những thứ tối thiểu nhất. Do đó, cần phải hạn chế mua sắm và chỉ nên mua những thứ thật cần thiết. Thông qua việc này, trẻ sẽ học được cách tiết kiệm – một kỹ năng sống còn cho trẻ trong tương lai.
Nếu bạn không dạy trẻ về tiền khi chúng còn nhỏ, chúng sẽ phải tự mình trả nghiệm và mắc lỗi khi lớn lên. Nhưng để thay đổi một thói quen đã ăn sâu thì không hề đơn giản.
Ảnh minh họa |
Trẻ muốn có tiền: Hãy lao động
Theo chị Cao Thị Thùy Liên- Sáng lập viên berich.vn – trang nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý tài chính cá nhân, ở các nước phương Tây, trẻ con được dạy tiêu tiền từ rất sớm. Có trẻ mới 3-4 tuổi đã được cha mẹ cho tiếp xúc, làm quen với tiền, song để con có thể bắt đầu học cách chi tiêu thì khoảng tầm 6-7 tuổi. Ở Việt Nam, nếu không muốn tiếp cận với đồng tiền quá sớm, cha mẹ có thể bắt đầu dạy con về cách kiếm và tiêu tiền vào thời điểm 9-12 tuổi.
Vẫn theo chị Liên, đầu tiên, việc bạn cần làm là dạy con nhận biết mệnh giá tiền. Sau đó, hãy tập cho trẻ quy đổi những mệnh giá đó sẽ tương đương với bao nhiêu sức lao động. Ví dụ, khi trẻ đòi mua một món hàng nào đó, hãy giúp trẻ quy đổi giá trị của nó sẽ tương ứng với bao nhiêu ngày lao động nên muốn mua được, con sẽ phải dành dụm trong bao nhiêu tháng.
Chị Liên cho rằng, theo quan điểm giáo dục của phương Tây, trẻ sẽ không được tự nhiên đưa cho một số tiền nào đó mà trẻ cần phải lao động, cụ thể là làm việc nhà để kiếm tiền. Có những việc thuộc trách nhiệm của trẻ (ví dụ như việc học giỏi, được nhiều điểm cao, dọn dẹp phòng ngủ của trẻ sạch sẽ) thì sẽ không có tiền. Trẻ sẽ kiếm tiền từ những công việc như rửa bát, lau nhà, dọn vườn… Khi có tiền rồi, bạn hãy giúp trẻ phân chia các khoản chi tiêu theo mong muốn của trẻ, chẳng hạn như: tiền đi ăn với bạn bè, tiền mua sách, tiền mua đồ chơi…
Rõ ràng, bố mẹ hoàn toàn có thể mua cho con cái những thứ mà con thích, nhưng việc tự mua bằng tiền tiết kiệm của mình sẽ khiến con có trách nhiệm hơn với từng đồng mình kiếm được. Mặt khác, các mẹ muốn con phải học được thứ tự ưu tiên khi mua đồ, cũng như biết được đâu là cái mình cần và đâu là cái mình muốn.
Ảnh minh họa |
Cần chia tiền thành các khoản cố định
Như vậy, việc dạy con biết tiêu tiền một cách hợp lý là điều nên làm. Tuy nhiên, làm như thế nào mới là nỗi “đau đầu” của không ít ông bố, bà mẹ. Theo chị Liên, công thức chung về cách phân chia các khoản tiền có được mà các chuyên gia kinh tế gợi ý, đó là:
– 30% dành cho nhu cầu tối thiểu như mua sách vở, ăn uống với bạn bè…
– 30% tiết kiệm ngắn hạn, nghĩa là muốn mua món gì đó thì phải tiết kiệm để mua. Hoặc sắp sửa đến sinh nhật ai đó (ông, bà, bố, mẹ… con cũng cần phải tiết kiệm để mua
– 30% tiết kiệm dài hạn: khoản này con sẽ dùng để sau này đi học đại học, hoặc dùng cho những kế hoạch khởi nghiệp…
– 10% làm từ thiện: tập cho trẻ thói quen chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Với công thức trên, thực chất, hàng tháng trẻ sẽ chỉ được chi tiêu 30% số tiền có được. Và đương nhiên, nếu con muốn mua gì thì con sẽ phải mua bằng tiền của chính mình, cha mẹ sẽ không chu cấp thêm bất cứ một khoản gì khác.
Bên cạnh đó, để dạy con biết tiêu tiền một cách tiết kiệm thì những bậc làm cha làm mẹ tại Singapore luôn luôn làm gương cho trẻ. Mỗi khi đi siêu thị mua đồ cho gia đình thì các mẹ luôn hỏi ý kiến bé xem nên mua và không nên mua đồ gì? Cái gì thực sự cần thiết và hữu ích? Làm như vậy sẽ khiến cho trẻ cảm thấy mình được tôn trọng và là “một thành viên lớn” trong gia đình.
Có nhiều người sẽ nói rằng, khi lớn lên trẻ sẽ tự khắc học được cách chi tiêu như thế nào cho hợp lý, tuy nhiên, nếu dạy cho trẻ điều này ngay từ nhỏ, nó sẽ sớm giúp trẻ hình thành thói quen chi tiêu có kế hoạch, đặc biệt hơn, nó cũng sẽ giúp cho trẻ có nhận thức về giá trị của những đồ đạc trong nhà, cũng như sức lao động. Thế nên, đừng ngại ngần thử dạy con theo một cách khác, bạn nhé!
Bạn có biết? Các trẻ em ở Nhật sẽ được bố mẹ cho tiền tiêu vặt vào ngày đầu tiên của tháng mới. Mức tiền tiêu vặt trẻ được nhận sau khi cha mẹ đã tính toán chi tiết mức chi tiêu, các khoản cần mua sắm theo mức sống tại khu vực họ đang sống. Trẻ phải tự chi tiêu cho cá nhân trọn vẹn ở trong đó, từ mua đồ dùng học hành, mua sắm quần áo, giày dép, cắt tóc… Tháng tồn đọng nhiều thì mua sắm quần áo, tháng ít thì sẽ chỉ dùng mua lặt vặt như cục tẩy, cuốn vở… Nếu muốn mua khoản lớn thì các bé phải tiết kiệm hơn để có khoản lớn. |
An Nhiên
Chưa có bình luận.