Khoa học mới đây kết luận, tính người có phần do gene di truyền quyết định. Điều này khá tương đồng với quan niệm “tính khí ăn vào máu huyết, khó đổi dời” của người xưa. Vậy đâu là sự thật?
Ảnh minh họa |
Chuyện “cửa miệng” thế gian
Nhận được giấy gọi của nhà trường lên bảo lãnh cho cậu con trai đánh bạn phải nhập viện, chị Nguyễn Thị Hoa (Mỹ Đình II, Hà Nội) gần như suy sụp. Sau ngày chồng chị liên quan tới cờ bạc, gây gổ đánh nhau, bị xử án treo thì Hoa quyết định gửi con về quê ngoại với ông bà và bác với mục đích là tránh cho con những lời dè bỉu của đám bạn bè và tránh chứng kiến những chuyện căng thẳng của bố mẹ.
Ông bà ngoại tuy lớn tuổi nhưng sống ở quê nên Hoa tin môi trường đó tạm thời cho con yên ổn. Về đó, con chị lại được đi học cùng với các anh em nhà bác. Mỗi lần thăm con, thấy nó chỉ hiếu động chứ chẳng có biểu hiện lạ thì chị thấy an tâm. Nào ngờ thông tin thằng bé cùng với anh họ đã đánh bạn đến chảy máu ngất xỉu khiến chị hoang mang.
Thế là hai bên ông bà, bố mẹ được dịp tranh luận, đổ lỗi trách nhiệm cho nhau. Ông bà nội thì đay nghiến con dâu rằng: “Có phải dòng dõi của họ đâu mà họ biết cách quan tâm. Đã bảo họ già rồi, quê mùa, không biết dạy lại còn cứ nằng nặc mang con về đó gửi. Môi trường tạo nên con người…”. Chồng Hoa thì chỉ trích: “Tưởng tin tưởng nhà bác sẽ quan tâm dạy dỗ nó, nào ngờ để chúng kết hội…”.
Nghe thấy thế, bên ngoại tức khí nói rằng: “Làm ơn mắc oán, người ta nói lấy chồng xem giống, giống nhà nó hung hăng, ác tính thế còn gì. Nếu nhân từ hiền hậu thì ông bà nó có vô văn hóa mà đổ lỗi thế không. Giống đã cứng đầu thì có uốn cũng không nổi. Các cụ xưa đã nói tính cách thì in trong máu rồi. Chính nó rủ rê làm hư con cháu nhà này”.
Hai bên gia đình thì cứ tiếp tục “cuộc chiến” đổ lỗi. Còn Hoa, đau lòng xót con, cứ rối bời chẳng biết nguyên nhan từ đâu để “uốn nắn” lại đứa con.
Câu chuyện về yếu tố ảnh hưởng nhân cách trẻ em vẫn luôn là mối quan tâm của bậc phụ huynh. Vấn đề đổ lỗi cho môi trường, hoàn cảnh hay cho “bản tính khó dời” như trường hợp nhà chị Hoa là không ít. “Quả bóng” trách nhiệm vẫn lăn qua lăn lại giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Nếu nhất nhất khẳng định hành vi hung hăng của con là do “giống” thì tại sao chúng ta vẫn thấy: Trong một gia đình cha mẹ hiền lành mà vẫn có con phạm tội và ngược lại có những đứa trẻ khác hẳn các thành viên khác trong gia đình là không ít. Nếu khước từ yếu tố “bẩm sinh”, trông chờ hoàn toàn vào giáo dục thì tại sao ra khỏi nhà “cải tạo” vẫn có nhiều trường hợp tái phạm. Một thực tế nữa là thời gian gần đây, hiện tượng học sinh phổ thông bạo hành càng tăng. Vậy phải chăng môi trường giáo dục không tốt như xưa hay chăng đã có cuộc “cách mạng biến đổi gene” nên sản sinh ra nhiều thệ hệ trẻ có gene hung hăng hơn?!
Ảnh minh họa |
Dẫn lối của khoa học
Vào thế kỷ 19, giới khoa học đã dấy lên giả thuyết của bác sĩ, nhà nhân chủng học Lambrojo (Ý) cho rằng mầm mống hung hăng là do bố mẹ sinh ra. Từ đó, các nhà nhân trắc học, tâm lý học, y học đến hình sự học đã ra sức đi tìm lời giải về mối quan hệ giữa hành vi bạo lực và gene người và hoàn cảnh. Còn cả xã hội trông đợi vào môi trường giáo dục và những nơi “cải tạo” để thiện hóa những kẻ hung hăng và gìn giữ những tấm lòng từ thiện.
Mới đây, tạp chí chuyên về tâm thần học Comprehensive Psychiatry (Mỹ) đã công bố kết quả nghiên cứu tìm ra gene có ảnh hướng tới hành vi của con người. Họ tiến hành theo dõi 1155 nữ và 1041 nam vị thành niên trong khoảng thời gian 1994-2002. Các nhà khoa học phát hiện ra những người có gene MAOA cao thì tính hung hăng và tỷ lệ tham gia các băng đảng cao hơn.
Theo đó thì gene MAOA làm tăng hoặc giảm nồng độ của nhiều chất truyền dẫn thần kinh (như dopamine và serotonin). Những chất này có liên quan tới tâm trạng và hành vi con người. Như vậy chúng ta cũng cần thừa nhận chính cha mẹ là người di truyền vào con cái mầm mống bạo lực. Kết quả này có lẽ khiến nhiều ông bố bà mẹ thấy trách nhiệm của bản thân mình càng nặng nề.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa bậc cha mẹ hoàn toàn bất lực với việc “cách mạng” con cái và chúng ta hoàn toàn buông xuôi những nỗ lực rèn con. Các nhà tâm lý học cũng không hề phản đối hay ngạc nhiên trước kết quả này. Họ ghi nhận gene có ảnh hưởng, quy định nhân tính, nhưng bên cạnh đó họ khẳng định vai trò to lớn của môi trường, giáo dục.
Nhà tâm lý học Robert Cloninjer (Đại họcWashington, Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu 1.500 trẻ em và đưa ra kết quả: Ở những trẻ sống trong môi trường tương đối tốt nhưng bố mẹ có tiền án tiền sự, tỷ lệ phạm tội là 12%. Ở những trẻ bố mẹ có tiền án tiền sự, lại sống trong môi trường không lành mạnh, tỷ lệ phạm pháp tăng vọt tới 40%.
Còn ở những trẻ có cha mẹ hiền lành nhưng lớn lên trong môi trường xấu thì tỷ lệ có hành vi phạm tội chỉ là 7%. Như vậy có thể nói tính cách hung hăng của con cái chúng ta có sự can dự của yếu tố bẩm sinh, nhưng môi trường giáo dục, môi trường sống, văn hóa tiếp nhận hoàn toàn có thể “kìm chế” hay “kích thích” gene đó đi theo hai hướng trái chiều.
Mặt khác, trẻ em sinh ra có đặc tính bắt chước và con người chịu ảnh hưởng lớn của thói quen. Bởi vậy trong cuộc chiến giữa gene và hoàn cảnh bên ngoài để hình thành nên nhân cách con trẻ thì phần thắng vẫn có thể nghiêng về yếu tố khách quan.
Qua đây, có thể chúng ta chấp nhận trách nhiệm việc đã “cài đặt” vào con yếu tố bẩm sinh tạo nên tính cách chúng. Nhưng không thể vì thế mà ta “đầu hàng” trước tính cách hung hăng của con cái.
Đồng thời “chọn giống” luôn là yếu tố cần nhưng chưa đủ để cho ra những đứa con ngoan bởi vấn đề “cải tạo giống” còn kéo dài hơn. Vì vậy cho con một môi trường tốt cho bạn tự tin rằng những đứa con của bạn sẽ lớn lên một cách tốt nhất và hướng thiện nhất.
Tình Nguyễn
Chưa có bình luận.