GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng
khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp
viêm tuỵ cấp do rượu với diễn tiến nhanh đôi khi bác sĩ không kịp trở
tay.
>> Mẹ tha hồ trổ tài các món ngon từ trứng đảm bảo bé mê tít
Diễn tiến không kịp trở tay
GS.TS
Nguyễn Gia Bình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho
biết khoa thường xuyên tiếp nhận các trường hợp viêm tuỵ cấp.
Dẫn
phóng viên tới trường hợp của bệnh nhân N. V. T. 43 tuổi trú tại Hà
Nội, bác sĩ giới thiệu anh đang bị viêm tuỵ cấp dẫn tới suy đa phủ tạng,
đang phải sử dụng lọc máu hiện đại bên ngoài, để tránh biến chứng duy
trì sự sống.
Trường hợp của anh T. cũng
là do uống rượu. Với đôi mắt thất thần, vợ anh T. cho biết chồng chị
cũng giống như bao người đàn ông trong xã hội hiện đại này thường xuyên
đi tiếp khách vì công việc. Vì đồng tiền nên biết là không tốt cho sức
khoẻ vẫn phải uống.
Buổi tối trước khi nhập viện, anh có đi liên hoan về. Về nhà anh kêu đau bụng, mệt và có dấu hiệu nôn mửa.
Chị nghĩ chồng say quá nên pha cho anh cốc mật ong
nhưng càng uống anh càng nôn, nôn xong cảm giác đỡ đau bụng hơn. Nôn
ban đầu là thức ăn, nhưng sau đó là dịch vàng xanh cũng nôn ra.
Từ
đêm cho đến sáng, anh đau bụng và nôn liên tục. Chị bảo gọi xe cứu
thương nhưng chồng chị không đồng ý và nói rằng uống nhiều nước để nôn
ra cho dễ chịu.
Đến trưa, anh T. bụng
trướng to lên và vã mồ hôi, chân tay lạnh. Anh dần dần xỉu đi, có vết
bầm tím ở quanh rốn. Khi vào viện, các bác sĩ nghi ngờ anh bị viêm tuỵ
cấp nên nhanh chóng làm các xét nghiệm.
Ngay
sau đó, anh T. được chuyển vào khoa hồi sức tích cực để điều trị thở
máy và lọc máu ngoài cơ thể bởi bệnh diễn tiến rất nhanh có dấu hiệu suy
đa phủ tạng và hôn mê gan.
Tại khoa Hồi
sức tích cực, nơi được coi là khoa điều trị cho những bệnh nhân rất
nặng của Bệnh viện Bạch Mai, những bệnh nhân như anh T. không hiếm.
Nằm
cạnh giường anh T. là bệnh nhân trẻ 30 tuổi quê Hưng Yên cũng bị viêm
tuỵ cấp có biến chứng suy đa phủ tạng. Bác sĩ cho biết T. cũng là biểu
hiện của viêm tuỵ cấp do rượu.
GS.TS
Nguyễn Gia Bình cho biết những bệnh nhân bị viêm tuỵ cấp nguyên nhân
chủ yếu là do rượu. Ngày xưa, còn các nguyên nhân khác như giun, sỏi mật, sỏi gan… nhưng 9/10 bệnh nhân vào khoa đều là đệ tửu lưu linh.
Số
người bệnh nhập viện vì viêm tuỵ cấp ngày càng tăng. Tuy nhiên, bệnh lý
này diễn biến quá nhanh nên bệnh nhân vào viện khi đã nặng và có biến
chứng.
GS. TS. Nguyễn Gia Bình cho biết,
trong trường hợp bệnh nhân bị viêm tụy cấp, bụng bệnh nhân bị trướng,
tích tụ nhiều dịch nên xảy ra tình trạng tổn thương ở phổi, thận, tim…,
cuối cùng khiến bệnh nhân trong tình trạng suy đa tạng, dẫn tới tử vong.
Trước
đây, các bác sĩ sẽ tiến hành mổ, giải phóng tụy, rửa sạch các tổ chức
hoại tử, sau đó bệnh nhân cần một thời gian để hồi phục. Khi mắc viêm
tuỵ cấp bệnh nhân vào viện thì cứ 2 người vào viện có 1 người tử vong.
Đến
nay, nhờ có kỹ thuật lọc máu hiện đại, bác sĩ có thể tác động lấy các
chất độc sớm hơn, làm giảm quá trình viêm tụy, các cơ quan tim, phổi,
gan, thận, não được bảo vệ tốt hơn, tình trạng suy tạng sẽ nhẹ hơn và
bệnh nhân mau hồi phục. Tỷ lệ tử vong giảm xuống còn 20%.
Dấu hiệu nhận biết viêm tuỵ cấp
– Đau bụng:
Là dấu hiệu nổi bật nhất, thường xuất hiện một cách đột ngột ở vùng
thượng vị, có thể lan lên ngực, ra hai mạng sườn hai bên, xiên ra sau
lưng. Đau bụng liên tục, dữ dội kéo dài nhiều giờ, có thể đau khởi phát sau khi ăn. Cũng có khi khởi phát tự nhiên.
– Nôn: Đa số người bệnh có nôn hoặc buồn nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau đó nôn ra dịch, nôn xong có thể đỡ đau hoặc không.
– Bí trung đại tiện: Do tình trạng liệt ruột cơ năng, người bệnh không trung tiện, không đi ngoài, bụng trướng và đầy tức khó chịu.
– Khó thở: Do đau, do tràn dịch màng bụng, màng phổi.
Khi
bệnh nhân có biểu hiện sốc, vã mồ hôi, chân tay lạnh, nhợt nhạt, tinh
thần chậm chạp, mạch nhanh, HA tụt, người bệnh hốt hoảng, kích động hoặc
ngược lại nằm lờ đờ, mệt mỏi, có những mảng bầm tím ở chân tay, thân
thể, thở nhanh và nông…cần đưa ngay tới bệnh viện sớm nhất.
Theo Trí thức trẻ
Nguồn: TTOnline
Chưa có bình luận.