Các nhà giáo dục, KTS tên tuổi và sinh viên kiến trúc đã có dịp chia sẻ mong muốn về thế hệ KTS mới qua tọa đàm “Kiến trúc sư ta và Tây, đào tạo và hành nghề khác nhau thế nào?”.
Chương trình diễn ra tại Đại học FPT với sự tham gia của KTS Đoàn Kỳ Thanh, KTS Thái Lan Anh và nhiều người nổi tiếng trong nghề như KTS Ngô Thanh Long, Trần Cảnh, Nguyễn Tuấn Nghĩa, Đào Thành Hưng, Vương Đạo Hoàng, Lê Lương Ngọc, Nguyễn Tuấn Anh…
Thực tế cho thấy, các trường đại học đào tạo KTS ở Việt Nam đang gặp phải những vấn đề như số lượng môn học rất nhiều, trong đó những môn học không liên quan và bổ trợ cho ngành kiến trúc chiếm đến 1/3. Dù mất 5 năm học đại học, sinh viên Việt Nam vẫn thiệt thòi khi thiếu kỹ năng làm việc, kỹ năng ngoại ngữ và nhiều kỹ năng chuyên môn liên quan so với sinh viên nước ngoài học hệ đại học chính quy 3 năm.
KTS Đoàn Kỳ Thanh điều phối thảo luận, đặt vấn đề về thực trạng đào tạo ngành kiến trúc tại Việt Nam và các nước trên thế giới hiện nay.Trình bày quan điểm giáo dục, TS. Nguyễn Thành Nam (Phó chủ tịch HĐQT Đại học FPT) cho rằng cần có sự thay đổi: “Trách nhiệm khai sáng rất quan trọng và bản thân chúng ta không thể từ bỏ nó được. Chúng ta phải bắt đầu thay đổi ngay bây giờ”.
Đảm nhận vị trí một người chịu trách nhiệm đổi thay các phương pháp đào tạo trong ngành kiến trúc, KTS Đoàn Kỳ Thanh cùng nhiều KTS khác đã cùng tạo nên một chương trình học mới. Với chương trình này, phương pháp giảng dạy chú trọng vào tư duy và thực hành. Sinh viên ngành kiến trúc sẽ được học trong môi trường học tập và thực hành hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ. Sinh viên được đào tạo để giỏi ngoại ngữ, am hiểu công nghệ, hiểu xu hướng kiến trúc thế giới và bối cảnh Việt Nam, có cơ hội được gặp nhiều chuyên gia, tiếp xúc với những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc…
KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, muốn thay đổi trong đào tạo kiến trúc, trách nhiệm thay đổi trước tiên ở người thầy. Và khi đã là người thầy, anh cố gắng hết mình để thay đổi đầu tiên, đưa những kết quả tồn đọng thành những con số khả quan hơn.
“Sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên ngành kiến trúc nói riêng cần được học tập trong một môi trường chuyên nghiệp – nơi các bạn được phát huy tối đa năng lực của mình”, KTS Đào Thành Hưng nói.
“Nhiều sinh viên kiến trúc ra trường không kiếm được việc làm, vậy đào tạo để làm gì?”, trả lời cho câu hỏi này, KTS Trần Cảnh cho rằng: “Sinh viên có thể tốt nghiệp sớm hơn. Vấn đề là bạn phải xác định được điều mình muốn học. Với bản thân tôi, điều tôi muốn học chính là một tư tưởng của ngành nghề. Năm 2 đại học, một thầy giáo đã giúp chúng tôi nhận ra rằng thế hệ của thầy chỉ có thể học được 5-10 năm, nhưng thầy cần chúng tôi phát triển sự học thành 20-25 năm và tư duy dài hơn 50 năm. Từ đó, tôi nghĩ mình đã đủ để tốt nghiệp đại học. Đối với ngành đã chọn, bạn phải thực sự biết mình đang học gì. Từ đấy bạn sẽ được hưởng một chế độ đào tạo đúng hướng để trở thành một KTS tốt”.
Các học sinh, sinh viên có mặt tại chương trình hào hứng với phần chia sẻ của các KTS.Phân tích những vấn đề còn tồn đọng và sự thiếu hiệu quả trong dạy và học ngành kiến trúc, KTS Ngô Thanh Long trải lòng: “Sau khi ra trường, mình không biết rốt cuộc mình đã học được những gì, có lẽ chỉ khoảng 20% kiến thức trong trường có ích khi mình làm việc”.
Đứng từ góc độ sinh viên, Nguyễn Nam – sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội – hào hứng: “Đây là cơ hội để sinh viên ngành kiến trúc nói lên tiếng nói của mình để các KTS có thể nghe và đưa ra những lời khuyên cho nguyện vọng của các bạn. Ngoài ra, buổi tọa đàm còn giới thiệu về ngành học tuy cũ nhưng cách dạy rất mới, rất trẻ ở ĐH FPT. Từ đó, mọi người biết đến những cố gắng để thay đổi của nhiều KTS và những nhà đào tạo, những doanh nghiệp”.
Phạm Bảo Ngọc – sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội bộc bạch: “Mình thấy những đổi mới về giáo dục mà các KTS đề cập đến rất ấn tượng. Quả thật có nhiều môn học không cần thiết cho công việc của mình đang làm, nhưng cũng có nhiều môn học về tư duy kiến trúc hay kỹ năng làm việc mà mình không được học. Dù đã ra trường nhưng mình rất háo hức về môi trường học năng động tại FPT. Với các KTS danh tiếng và một cách học mới, sự giao tiếp của giảng viên và sinh viên sẽ trở nên gần gũi hơn”.
Với vai trò là diễn giả chính của buổi tọa đàm, KTS Đoàn Kỳ Thanh nhấn mạnh: “Buổi tọa đàm tư vấn về ngành kiến trúc là một minh chứng cho tư tưởng mở và tiệm cận giáo dục thế giới của Đại học FPT. Chúng ta nên tổ chức nhiều chương trình tư vấn nghề nghiệp cho học sinh để các bạn đưa ra những quyết định đúng đắn khi chọn trường”.
Ngày 31/7, Đại học FPT tuyển sinh 150 chỉ tiêu ngành kiến trúc. Thí sinh thi theo đề thi riêng của trường, gồm: trắc nghiệm toán, tư duy logic và khả năng sáng tạo. Xem chi tiết về ngành kiến trúc tại website
Sơn Trà
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.