Cụ Nguyễn Đình Phương có đôi bàn chân xòe ra như cái chổi nên chưa một lần đi vừa giày dép. Tuổi tuy rất cao nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn, hiếm khi ốm đau nhiều năm qua.
Dù tuổi đã cao hơn một thế kỷ nhưng hàng ngày cụ Nguyễn Đình Phương (sinh năm 1912, trú tại thôn Bàng, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn khỏe mạnh. Hiện cụ sống cùng cô con gái út là bà Nguyễn Thị Thiện trong căn nhà khang trang ngay cạnh trụ sở UBND xã Mão Điền. Cụ Phương có 6 con, người lớn nhất đã 82 tuổi.
Điều đặc biệt ở cụ Phương là có đôi bàn chân không giống ai. Bàn chân cụ khá to với hai ngón cái xòe ra đặc trưng của người Giao Chỉ. Cụ ngồi luôn phải duỗi thẳng 2 chân ra và ít khi khoanh lại vì bàn chân quá to.
Thời trẻ cụ Phương chủ yếu đi chân đất. Con cháu đã cất công đi nhiều nơi hỏi mua giày cho cụ nhưng không đâu có loại vừa đôi chân kỳ lạ này. Cách đây vài năm, con trai cụ sang Singapore du lịch tìm mua được một đôi giày ngoại cỡ về biếu bố. Tuy nhiên, để đi vừa chân cụ vẫn phải dùng kéo đục lỗ to hai bên thành dép cho ngón cái thò ra.
Đầu năm 2016, cả gia đình hơn 200 người tổ chức lễ mừng đại khánh thọ tuổi 105 (tính cả tuổi mụ). Cụ Phương có một vợ nhưng đã mất gần 10 năm, thọ 92 tuổi.
Người con gái út, bà Nguyễn Thị Thiện, tâm sự: “Không biết bố tôi có phải là người gốc Giao Chỉ hay không nhưng bà nội là người sinh ra bố tôi cũng có bàn chân người Giao Chỉ. Em của bà nội tôi cũng có bàn chân như thế. Tuy nhiên, đến đời chúng tôi thì không ai như vậy”.
Theo lời ông Ngạc (bên phải, con trai thứ 2 cụ Phương), điều đáng ngạc nhiên là những người có bàn chân Giao Chỉ trong gia đình đều khỏe mạnh, sống thọ. Cụ Phương dù đã 104 tuổi nhưng không biết ốm sốt là gì hàng chục năm qua. “Tôi cũng phải công nhận rằng cụ có sức đề kháng rất tốt. Dù thời tiết có thay đổi đột ngột thế nào, cụ cũng không bị ảnh hưởng. Trí nhớ cụ còn rất minh mẫn, có thể kể tên từng người con, đứa cháu trong nhà. Nhiều người hỏi tại sao cụ lại khỏe mạnh như thế thì tôi cũng không biết trả lời thế nào”, ông Ngạc nói.
Là người trực tiếp chăm sóc cụ Phương, bà Thiện cho biết vài năm trước tuy tuổi cao nhưng cụ rất thích tập thể dục. Cụ bảo thể dục như thế vừa khỏe, vừa nhanh nhẹn. “Mỗi buổi sáng và cuối giờ chiều bố tôi đều tập những động tác đơn giản để nâng cao sức khỏe”, bà Thiện chia sẻ.
Từ trước tới giờ cụ Phương chưa phải vào bệnh viện lần nào. Cách đây vài tháng cụ bị tai biến nhẹ nhưng nằm ở viện một tuần bác sĩ đã thông báo bệnh tiến triển tốt nên cho về nhà.
Nếu như ngày trước cụ có thể dùng hai tay chống gậy đi lại được thì nay đã phải nhờ đến con cháu.
Bà Thiện nói: “Có lẽ ông sống thọ là nhờ chế độ ăn uống, sinh hoạt đều đặn. Mỗi bữa, ông cụ ăn hai chén cơm. Ngày ngủ 8 tiếng, sáng dậy sớm”.
Món ăn ưa thích bao nhiêu năm của cụ ông là cơm nếp, thịt gà. Hơn nữa, cụ Phương thích uống nước nóng. Dù nước sôi sùng sục rót ra cốc, bỏng giãy, cụ vẫn đưa lên miệng uống luôn được.
Từ cuối năm 2015, thị lực của cụ giảm dần. Những năm trước cụ vẫn còn giã cua, nhặt rau, nấu cơm và quét dọn nhà cửa. Thậm chí, các cháu hay người thân ở xa gọi điện về thăm sức khỏe, cụ vẫn nghe rõ và trả lời vanh vách.
Người con trai cả trong căn nhà gần 100 năm tuổi khi xưa cụ Phương từng ở.
Nhà nghiên cứu Đỗ Hựu trong bộ Thông điển cho rằng Giao Chỉ là người Nam, ngón chân cái toạc ra, đứng thẳng hai bàn chân thì ngón chân cái giao vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ (chỉ là ngón chân cái). Ý kiến này được nhiều học giả Trung Hoa và Việt Nam chấp nhận.
Bộ Từ nguyên (quyển Tý, trang 141) bác lại ý kiến trên mà cho rằng: “Theo nghĩa cũ bảo hai ngón chân cái giao nhau là Giao Chỉ, nhưng xét đời cổ bên Hy Lạp, có tiếng “đối trụ”, có tiếng “lân trụ” để gọi loài người trên thế giới. “Đối trụ” là phía Nam, phía Bắc đối nhau, “lân trụ” là phía Đông, phía Tây liền nhau. Sở dĩ có tên Giao Chỉ là hợp vào nghĩa “đối trụ”, vì dân tộc phương Bắc gọi dân tộc phương Nam, cũng như một chân phía Bắc, một chân phía Nam đối nhau, không phải thực là chân người giao nhau”.
Các nhà sử học Việt Nam kể từ Nguyễn Văn Siêu, Đặng Xuân Bảng, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh,… đều theo cách giải thích thứ hai này. Năm 1868, bác sĩ Thorel trong đoàn thám hiểm của Doudart de Lagrée đã nhận xét hiện tượng hai ngón chân cái giao nhau là “một đặc điểm của giống người An Nam”. Sau này các học giả Pháp khác cũng ghi nhận điều này.
Lê Hiếu – Video: Đức Phạm
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.