Thứ Hai, 23/05/2016 | 19:32

Hơn chín tháng mang bầu, thai phụ có nhiều thay đổi về cả hình dáng bên ngoài và tinh thần bên trong. Khi sắp đến ngày chuyển dạ, tâm lý chung của các thai phụ là lo lắng không biết cảm giác thực sự của những “cơn đau đẻ” là như thế nào? Để chuẩn bị tâm lý chuyển dạ thoải mái, thai phụ cần hiểu rõ nguyên nhân từng “cơn đau đẻ”, từ đó chủ động điều chỉnh giảm nhẹ các cơn đau cho quá trình chuyển dạ an toàn.

Cơn đau ở giai đoạn đau bụng, ra huyết hồng, đến lúc cửa tử cung bắt đầu mở

Lúc đầu, thai phụ thấy có triệu chứng lâm râm đau bụng như kiểu đau khi sắp đến ngày kinh nguyệt, và cảm thấy mỏi lưng, buồn đi tiểu mặc dù vừa đi tiểu xong. Khi thai phụ thấy ào nước ra ở cửa âm đạo có màu hồng nhạt là lúc các “cơn đau đẻ” bắt đầu. Tử cung thai phụ sẽ co bóp mạnh dần, áp lực bên trong tử cung tăng lên, dây chằng tử cung và màng bụng bị kéo giãn ra nên gây đau. Thai phụ sẽ cảm thấy đau chủ yếu ở vùng bụng dưới, hông, tiếp đến là xương chậu, xương cùng rồi truyền xuống dọc theo đùi.

Cơn đau của giai đoạn này kéo dài 5 phút và lặp lại sau mỗi 30 phút. Tổng thời gian đau có thể kéo dài từ 5 đến 8 tiếng đối với người sinh con lần đầu và ngắn hơn với người sinh con lần thứ 2 trở đi. Để giảm bớt cảm giác đau trong giai đoạn này, thai phụ nên đi lại nhẹ nhàng, không lo lắng quá và hãy yên tâm là cơn đau không kéo dài mãi mà có chu kỳ.

Cơn đau ở giai đoạn từ lúc cổ tử cung bắt đầu mở 1cm đến 10cm

Tiếp theo cơn đau của giai đoạn trước là cơn đau của giai đoạn mở cổ tử cung. Thai phụ sẽ cảm nhận được từng cơn đau khi cổ tử cung bắt đầu mở, đau nhất là lúc cổ tử cung mở được khoảng 7 cm. Thai phụ vẫn cảm thấy đau chủ yếu ở vùng bụng dưới, hông, tiếp đến là xương chậu, xương cùng và truyền xuống dọc theo đùi nhưng mức độ đau tăng lên rõ rệt. Cơn đau trong giai đoạn này kéo dài 3 phút và lặp lại sau mỗi 15 phút cho đến lúc đau dồn dập khi cổ tử cung đã mở hoàn toàn. Tổng thời gian đau có thể kéo dài từ 4 đến 5 tiếng đối với người sinh con lần đầu và ngắn hơn với người sinh con lần thứ 2 trở đi.

Trong thời gian cổ tử cung mở từ 1cm đến 4cm, thai phụ có thể ăn nhẹ để lấy thêm sức, vận động nhẹ nhàng, hít thở sâu, tránh kêu la để khỏi mất sức. Trong thời gian cổ tử cung đã mở từ 4 cm đến 10 cm, thai phụ cần nằm một chỗ để được  theo dõi huyết áp, nhịp tim thai nhi, hỗ trợ thở ô xy nếu cần, tránh tình trạng thiếu ô xy cho hai mẹ con. Thai phụ nên thay đổi tư thế nằm phù hợp; xoa nhẹ nhàng vùng bị đau; hít thở sâu mỗi khi cơn đau đến.

Cơn đau ở giai đoạn rặn đẻ

Ở giai đoạn rặn đẻ, cơn đau do mở cổ tử cung giảm dần, thay vào đó là cảm giác muốn đại, tiểu tiện. Lúc này, tử cung co bóp mạnh để đẩy dần thai nhi ra ngoài, phần đầu thai nhi ép chặt vào tổ chức đáy xương chậu, cơ hậu môn cũng phải co bóp để tăng cường lực đẩy xuống phía dưới tử cung và dọc cơ bụng. Khi đó hội âm, là phần nằm giữa hậu môn và phần ngoài bộ phận sinh dục,bị kéo ra, âm đạo mở rộng gây đau, tạo nên cảm giác rất muốn đại, tiểu tiện.

Cơn đau trong giai đoạn này dồn dập cho đến lúc thai nhi được sinh ra ngoài. Nếu muốn đại, tiểu tiện, thai phụ có thể làm việc đó ngay trong khi rặn đẻ, điều này là bình thường và tự nhiên, không có gì phải xấu hổ, tránh tình trạng nước tiểu ứ đọng trong bàng quang, cản trở đường ra của thai nhi. Thai phụ chỉ nên rặn đẻ khi có sự hướng dẫn của bác sỹ hoặc nữ hộ sinh.

Cơn đau ở giai đoạn sau khi sinh con ra ngoài đến khi hết nhau thai

Sau khi em bé ra đời, sản phụ sẽ cảm thấy rất nhẹ nhàng. Lúc này, tử cung vẫn co bóp để nhau thai bong khỏi thành tử cung và được đẩy ra ngoài. Mức độ co bóp của tử cung nhẹ hơn, tử cung cũng bắt đầu co lại, áp lực trong tử cung và lên hội âm đều giảm hẳn. Đồng thời, tinh thần thai phụ sẽ thoải mái hơn nhiều bởi việc cảm nhận sự có mặt của con trên cuộc đời này sẽ xua tan mọi mệt mỏi và đau đớn trong suốt quá trình chuyển dạ.

Gia Hân

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook