Thứ Sáu, 11/12/2015 | 10:59

Một số người do thói quen hoặc thiếu hiểu biết thường rắc bột thuốc kháng sinh vào vết bỏng có thể gây ra những hậu quả xấu như tăng khả năng nhiễm khuẩn…

Một số người do thói quen hoặc thiếu hiểu biết thường rắc bột thuốc kháng sinh vào vết bỏng có thể gây ra những hậu quả xấu như tăng khả năng nhiễm khuẩn, vết thương lâu lành, gây dị ứng, thậm chí sốc phản vệ…

Tai nạn bỏng

Bỏng là một dạng thương tổn trên da, đôi khi tổn thương sâu dưới mô gây ra bởi nhiệt, điện, bức xạ, chất hóa học, ánh sáng hay ma sát. Những tổn thương nghiêm trọng của da có thể dẫn đến nhiễm khuẩn khiến da không còn giữ được chức năng sinh lí bình thường như điều hòa thân nhiệt hay miễn dịch. Phần lớn các vết bỏng (95%) là do nhiệt. Các bệnh nhân có tổn thương do bỏng nặng cần có liệu pháp điều trị đặc biệt.

Tai nạn bỏng trong sinh hoạt hàng ngày hoặc trong lao động là những trường hợp nguy hiểm có thể gây ra những hậu quả xấu. Đối với những trường hợp bỏng nặng, nhất thiết phải đưa người bị nạn đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có hướng xử trí thích hợp.

Trong một số trường hợp bỏng nhẹ, vết bỏng nông như bỏng nước sôi, bỏng do cháy nắng, bỏng do ngọn lửa táp vào phần da để trần cũng cần biết cách xử trí vết thương bỏng để không gây ra những hậu quả đáng tiếc. Một số người do thói quen hoặc thiếu hiểu biết thường rắc bột thuốc kháng sinh vào vết thương bỏng có thể gây ra những hậu quả xấu như nhiễm khuẩn thêm, vết thương lâu lành, dị ứng hoặc sốc phản vệ…

Có nên rắc bột kháng sinh lên vết bỏng?

Xối nước sạch nhẹ nhàng vào vết bỏng ngay sau khi bị bỏng.

Nguy cơ tử vong

Bỏng nhẹ là chỉ có phần da ở lớp ngoài cùng bị bỏng. Biểu hiện bên ngoài thường thấy là lớp da chỗ bỏng bị cháy sém hoặc các nốt phỏng nước xuất hiện. Khi nốt phỏng vỡ, nền nốt phỏng có màu đỏ ửng, bệnh nhân cảm thấy đau rát. Thường thì sau 7-10 ngày, chỗ vết bỏng sẽ tự lành khi xuất hiện lớp biểu bì mới, da lành lặn không xuất hiện sẹo. Đối với các vết bỏng nông, cần giữ vệ sinh, không nên bôi hoặc rắc thuốc vừa có hại cho da, vừa gây chậm lên da non, thậm chí rắc thuốc kháng sinh còn gây sốc phản vệ rất nguy hiểm.

Tại Bệnh viện Nhi đồng (TP. Hồ Chí Minh) đã từng cấp cứu cho trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ do rắc kháng sinh bột khi bị bỏng nước sôi ở tay. Do người nhà đã tự ý mua kháng sinh dạng bột (có thể là ampicillin hoặc penicillin) về pha nước đun sôi để nguội rồi thoa lên vết bỏng của bệnh nhân.

Sau khi bôi thuốc lên vết bỏng, người bệnh bị nôn nhiều lần rồi ngưng thở, người nhà đã đưa vào cấp cứu tại bệnh viện, do quá nặng, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị. Khi vào đến bệnh viện, bệnh nhân đã hôn mê sâu và có biểu hiện suy gan, suy thận nặng. Đây là một trường hợp điển hình của sốc phản vệ do dùng thuốc kháng sinh. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong.

Việc điều trị bằng cách rắc bột kháng sinh có thể làm nặng thêm vết thương do khả năng diệt khuẩn không cao mà còn tạo thành hàng rào vật lý cản trở việc thâm nhập của các yếu tố bảo vệ đến vết thương như máu, kháng thể, bạch cầu, kháng sinh đường uống đến vết thương. Ngoài ra, việc rắc bột kháng sinh này làm kích thích da, kích thích phản ứng viêm tại chỗ nên dễ gây ra phản ứng dị ứng và tình trạng sốc phản vệ mà hậu quả có khả năng dẫn đến tử vong.

Vì vậy, khi bị bỏng nông, vết bỏng nhẹ, cần giữ cho vết thương được sạch sẽ, thoáng mát. Tuyệt đối không rắc bất cứ một loại thuốc gì lên vết thương, kể cả các loại lá hoặc thuốc bột khác.

Nếu cần sát khuẩn vết thương, dùng dung dịch povidon iodin 10% có bán sẵn ở các hiệu thuốc để bôi sát trùng bên ngoài và để vết bỏng thoáng, không cần băng bó, vết thương sẽ tự liền. Tránh việc dùng các loại thuốc bột trong các viên con nhộng hoặc tháo các lọ thuốc kháng sinh tiêm ra lấy bột để rắc vào vết thương.

Cách chăm sóc vết bỏng

Bước 1: Loại bỏ tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt, góp phần giảm diện tích và độ sâu tổn thương bỏng (cởi bỏ quần áo vùng bị bỏng do quần áo vùng bị bỏng có tác dụng giữ nhiệt).

Bước 2: Làm mát vùng bỏng, ngâm rửa hoặc tưới rửa vùng bỏng bằng nước mát, sạch, nước có nhiệt độ 16-20 độ C trong 20 phút.

Bước 3: Nâng cao vùng bỏng giúp giảm sưng nề. Đưa người bị bỏng đến cơ sở y tế gần nhất để có hướng xử trí phù hợp.

Xử lí kịp thời có thể giúp kiểm soát mức độ nghiêm trọng của vết bỏng. Không nên cố gỡ phần quần áo dính vào vết bỏng, chọc thủng vết phỏng hay loại bỏ phần da bị bỏng.

Theo DS.Lê Anh/Báo Sức Khỏe Đời Sống
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook